Tự hào Nông dân Việt Nam: Sau lễ tôn vinh là cơ hội học hỏi, tìm đối tác của những tỷ phú nông dân
Tự hào Nông dân Việt Nam: Sau lễ tôn vinh là cơ hội học hỏi, tìm đối tác của những tỷ phú nông dân
P.V
Thứ ba, ngày 15/10/2024 07:05 AM (GMT+7)
Chia sẻ với Dân Việt, anh Hồ Chử Vàng, Nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Điện Biên cho biết, được xuống Thủ đô Hà Nội gặp gỡ những nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu khác, anh coi đó là một cơ hội hiếm có để học hỏi kinh nghiệm.
Khi phóng viên Dân Việt hỏi về cảm nhận những ngày ở Hà Nội dự chuỗi sự kiện Tự hào Nông dân Việt Nam và ấn tượng về những mô hình của những nông dân Việt Nam xuất sắc, anh Hồ Chử Vàng, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 cho biết, anh coi đây là một cơ hội học hỏi.
"Mô hình của mình so với của những nông dân khác thì còn nhỏ bé, khiêm tốn lắm nên mình coi đây là một cơ hội để mở rộng tầm mắt, học hỏi kinh nghiệm", anh Vàng nói.
Dù khiêm tốn, nhưng anh Vàng cũng đang là người sở hữu đàn đại gia súc (trâu, bò, ngựa) với tổng đàn lên tới hơn 100 con. Hiện nay trung bình mỗi năm trang trại của anh Vàng cho doanh thu trên 1,6 tỷ đồng/năm, trừ chi phí anh lãi trên 700 triệu đồng/năm.
Đáng ghi nhận là, mô hình chăn nuôi của anh Hồ Chử Vàng không chỉ là thành quả cá nhân mà còn là nguồn cảm hứng phát triển kinh tế cho người dân trong xã.
Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và tinh thần đoàn kết của bà con, mô hình này đã mang lại thay đổi tích cực trong cuộc sống của nhiều người dân tại xã Phìn Hồ. Những thành tựu của anh Hồ Chử Vàng là minh chứng cho sự nỗ lực và kiên trì trong việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế nông thôn.
Đưa người vợ đã cùng mình vất vả, lăn lộn suốt mấy chục năm thực hiện mô hình nuôi cá chình dự lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, biểu dương HTX tiêu biểu, ông Nguyễn Hữu Ánh, tỷ phú nuôi cá chình-cá đặc sản ở phường Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) dẫn vợ đi khắp các gian hàng trưng bày ở Diễn đàn Nông dân Quốc gia ngắm nghía. Đây là lần thứ hai ông Ánh vinh dự được nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc (lần đầu tiên là năm 2017 trong Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 30 năm đổi mới) nhưng phải đến lần này ông mới đưa được người đồng cam cộng khổ đi cùng, để chứng kiến những giây phút rực rỡ trong cuộc đời mình.
Ông Ánh nhen nhóm mô hình nuôi cá chình từ năm 1999, đến tháng 6/2001, những con cá chình đầu tiên được ông tung ra thị trường ở TP.Hồ Chí Minh và bất ngờ đã có nơi mua với giá 220.000 đồng/kg. Thu hoạch ao cá chình đầu tiên, ông Ánh thu về 65 triệu đồng, tương đương với việc mua được 27 cây vàng ở thời điểm đó.
Thấy được hiệu quả từ mô hình nuôi cá chình, những năm sau đó, ông Ánh không ngừng đầu tư, mở rộng diện tích nuôi. Từ 1 ao ban đầu, đến năm 2007 gia đình ông có gần 20 ao nuôi, và đến năm 2023, ông có tổng là 40 ao nuôi, đem về nguồn thu nhập hơn 5 tỷ đồng cho gia đình/năm, sau khi đã trừ đi tất cả chi phí.
Bà Lê Thị Phúc nói với tôi: "Ông ấy mê con cá chình và cũng vất vả, lăn lộn với nó dữ lắm mới được như hôm nay".
Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX, ông Ánh đã mạnh dạn giơ tay, phát biểu, gửi kiến nghị đến Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan. Theo đó, ông Ánh cho biết, qua hơn 20 năm nuôi cá trình, ông Ánh nhận thấy thổ nhưỡng Cà Mau nuôi cá trình rất tốt, nhưng khó khăn là địa phương không cho chuyển mục đích, chuyển đổi đất nông nghiệp. Nhiều hộ dân muốn chuyển đổi sang nuôi cá trình không được.
Trước câu hỏi của ông Ánh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Luật Đất đai 2024 đã đưa vào thuật ngữ mới, đó là đất đa mục đích. Có nghĩa là đất nông nghiệp có thể nuôi thuỷ sản, có thể chăn nuôi hay làm du lịch. Có lẽ ở địa phương đang lúng túng chưa tiếp cận được. “Thuật ngữ đất đa mục đích sẽ cởi trói được vấn đề vướng mắc lâu nay trong quá trình chuyển đổi đất đai, từ vùng nuôi cá chình ở Cà Mau cho tới nuôi cá lóc ở Quảng Bình”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.
Trong khi đó, ông Huỳnh Mừng Em, nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Bạc Liêu lại coi chuyến ra Hà Nội dự Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam lần này như một cơ hội để tìm kiếm đối tác.
"Tôi đã cung cấp con nghêu giống cho rất nhiều nông dân ở khắp mọi miền đất nước, lần này tôi muốn tìm những nông dân có cùng ngành nghề, lĩnh vực để học hỏi kinh nghiệm hoặc liên kết làm em", tỷ phú đất Bạc Liêu nói.
Từng là người không có nổi cục đất "chọi chim", thế nhưng qua mấy mươi năm, bằng ý chí và nghị lực của mình, với mô hình nuôi nghêu thịt, nuôi nghêu giống, ông Huỳnh Mừng Em đã vươn lên trở thành tỷ phú ở vùng đất ven biển Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu – và cùng là người đỡ đầu cho hàng trăm hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc ở địa phương vươn lên làm giàu.
Sau 10 năm điều hành HTX Đồng Tiến, ông Mừng Em đã đem về nguồn vốn điều lệ cho đơn vị là 6 tỷ đồng, vốn hoạt động 20 tỷ đồng - so với thời điểm trước năm 2014, vốn điều lệ của đơn vị này chỉ có 22 triệu đồng. Nuôi nghêu thịt, nghêu giống là một trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của HTX.
Đến nay HTX đã quản lý được 900 ha đất bãi bồi ven biển của tỉnh Bạc Liêu, với nguồn vốn điều lệ lên đến 6 tỷ đồng, vốn hoạt động của đơn vị tăng lên 20 tỷ đồng, với 552 thành viên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.