Từ Hi Thái hậu là phụ nữ, vì sao lại ép Quang Tự gọi mình là "cha"?

Thứ năm, ngày 20/01/2022 14:32 PM (GMT+7)
Dù Quang Tự cảm thấy cách gọi này rất gượng gạo nhưng ông vẫn gọi Từ Hi là cha.
Bình luận 0

Vua Quang Tự từ khi 4 tuổi được Từ Hi thái hậu bế vào cung lập làm hoàng đế. Trong những năm được ngồi trên ngai vàng, ông đã phải chịu đựng bao sự kìm kẹp của Từ Hi thái hậu. Điều nực cười nhất là việc ông phải gọi Từ Hi là "Phụ Thân".

Mối quan hệ của Từ Hi thái hậu và Quang Tự

Từ Hi thái hậu lập Quang Tự chỉ mới 4 tuổi làm hoàng đế. Đây quả thật là mưu kế thâm sâu của Từ Hi. Bà đã tốn bao công sức diệt trừ tất cả các mối nguy hại cản đường Quang Tự lên ngôi. Sở dĩ Từ Hi phải hao tâm tổn sức vậy là để bản thân có quyền hành, địa vị trong thời gian dài nhất có thể.

Từ Hi là phụ nữ nhưng lại ép Quang Tự gọi mình là "cha": Cách phơi bày dã tâm của mình - Ảnh 1.

Chân dung của Từ Hi thái hậu. (Ảnh: Baidu)

Sau khi Quang Tự kế vị, Từ Hi thái hậu đã dùng mọi cách thức, thủ đoạn để biến tiểu hoàng đế hoàn toàn trở thành con rối trong tay mình, như vậy mới không uổng công sức bản thân bồi dưỡng, nâng đỡ bấy lâu.

Quang Tự bị ép mỗi ngày phải đến thỉnh an thái hậu mấy lần, nếu như Từ Hi không cho miễn lễ thì phải quỳ ở đó, cách làm này là để buộc tiểu hoàng thượng phải tuân theo mọi mệnh lệnh của bà. Từ Hi đối với vua Quang Tự vô cùng nghiêm khắc, luôn khắt khe và lạnh nhạt, mỗi lần ông mắc lỗi sẽ bị phạt quỳ, bà đặt lên tiểu hoàng đế trọng trách và áp lực vô cùng lớn.

Việc này khiến cho tiểu hoàng đế luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi gặp thái hậu. Điều khiến cho ông khổ não nhất đó là mỗi lần đến thỉnh an, khi dùng câu "hoàng thái hậu cát tường" đều chỉ nhận lại cái gật đầu lạnh lùng của Từ Hi, thậm chí có đôi lúc bà còn nổi giận một cách vô cớ. Đây rốt cuộc là lý do gì? Quang Tự suy nghĩ rất lâu cũng không tìm được lời giải đáp.

Từ Hi là phụ nữ nhưng lại ép Quang Tự gọi mình là "cha": Cách phơi bày dã tâm của mình - Ảnh 2.

Quang Tự gọi Từ Hi thái hậu là phụ thân. (Ảnh: Baidu)

Có một lần, thái giám hầu cạnh thái hậu - Lý Liên Anh chạy đến bên hoàng đế và nói: " Nô tài có chuyện cần nói, xin hoàng thượng tha cho nô tài vô tội". Quang Tự nào dám tỏ thái độ với tên thuộc hạ thân cận của thái hậu, bèn vội vã cho phép hắn nói thẳng. Lý Liên Anh bẩm: "Không biết hoàng thượng có phát hiện ra mỗi lần đến thỉnh an, gọi lão phật gia là hoàng thái hậu, bà luôn không được vui vẻ không? Hoàng thượng nên đổi cách xưng hô khác với thái hậu."

Quang Tự bấy lâu nay luôn vì chuyện này mà muộn phiền bèn hỏi Lý Liên Anh nên xưng hô như nào mới được, ông ta liền khuyên Quang Tự nên đổi cách gọi từ "hoàng thái hậu" thành "phụ thân" (tương đương với cha). Dù khi nghe chuyện này, Quang Tự cảm thấy cách gọi này rất gượng gạo, nhưng nhận thấy Lý Liên Anh là thái giám luôn kề cạnh thái hậu, việc nghe lời khuyên của hắn ắt hẳn sẽ có tác dụng.

Ngày hôm sau, khi đến thỉnh an, trước mặt thái hậu vua Quang Tự hạ quyết tâm, gượng ép bản thân nói ra câu "Phụ thân, cát tường". Nào ngờ, nghe xong Từ Hi nở nụ cười, vội vàng kéo Quang Tự dậy ngồi cạnh mình, vô cùng thân mật. Từ đó về sau vua Quang Tự luôn gọi Từ Hi thái hậu là phụ thân.

Vì sao Quang Tự gọi Từ Hi thái hậu là phụ thân?

Việc Quang Tự gọi mình là phụ thân khiến Từ Hi cảm thấy bản thân như một phụ hoàng thực thụ, đạt được địa vị và tôn nghiêm của một hoàng đế. Trong xã hội coi trọng nam quyền ngày ấy, mong muốn này của bà cũng dễ hiểu, được xưng hô như vậy, là phận nữ nhi đây cũng coi như một sự an ủi và thỏa mãn.

Ngoài ra, trong văn hóa người Mãn, địa vị của phụ nữ rất cao, cho dù là nữ nhân nhưng trẻ nhỏ vẫn gọi mẹ của mình là phụ thân. Quang Tự là con của Uyển Trinh – em gái của Từ Hi thái hậu nên cũng có thể coi bà như mẹ của mình nên gọi như vậy cũng là điều dễ hiểu.

Từ Hi là phụ nữ nhưng lại ép Quang Tự gọi mình là "cha": Cách phơi bày dã tâm của mình - Ảnh 3.

Thực tế, Từ Hi đã ép Quang Tự gọi mình là phụ thân. (Ảnh: Baidu)

Nguyên do thứ 2, tuy danh xưng là hoàng thái hậu nhưng thực tế, Từ Hi thái hậu nắm quyền lực trong tay không khác gì một "nữ đế vương". Cả vua Đồng Trị và Quang Tự đều bị bà điều khiển như những con rối trong tay. Việc Từ Hi ép Quang Tự gọi mình là phụ thân vốn cũng là nhằm mục đích xác lập vị trí trụ cột cho bản thân, khẳng định địa vị của mình chẳng khác gì phụ hoàng của vua. Điều này giúp Từ Hi có cảm giác có được uy nghiêm của một vị hoàng đế.

Quả thực, Từ Hi rất hài lòng khi được người khác gọi mình với những danh xưng dành cho đấng nam nhi. Điều này đã được chứng minh qua cách mà những tên nô tài bên cạnh Từ Hi gọi bà là là "Lão phật gia". Cách gọi này vốn là do thái giám kề cạnh thái hậu – Lý Liên Anh khởi xướng để làm vui lòng bà dù trong tiếng Mãn thì từ "phật gia" thường được dùng để gọi đấng nam nhi có công lao vĩ đại.

Qua việc Từ Hi yêu cầu Quang Tự gọi mình là phụ thân cũng như việc đám nô tài gọi bà là "Lão phật gia" có thể thấy đó không chỉ là hành động tỏ ra coi trọng địa vị của bà. Mà đây còn là cách để Từ Hi thể hiện dã tâm muốn thâu tóm quyền lực về tay của mình.

PV (Theo Pháp luật và Bạn đọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem