Từ học lực yếu, nam sinh “bứt phá” tốt nghiệp bằng giỏi Đại học Bách khoa Hà Nội

Thu Hương Thứ sáu, ngày 28/04/2023 06:43 AM (GMT+7)
Phùng Đức Minh (SN 1997), cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không, Đại học Bách khoa Hà Nội từng chỉ đạt mức điểm tích lũy 0.93/4. Nhờ sự quyết tâm và cố gắng, cậu đã tốt nghiệp bằng giỏi, ra trường sớm hơn một kỳ.
Bình luận 0

Kết quả học tập kém do nghỉ ngơi "quá đà"

Năm 2015, Đức Minh trúng tuyển vào ngôi trường ước mơ – Đại học Bách khoa Hà Nội với 24 điểm thi tốt nghiệp THPT. Với suy nghĩ lên đại học sẽ có nhiều thời gian rảnh nghỉ ngơi sau thời gian dài ôn thi vất vả, cùng với việc học các môn đại cương khiến cho Minh chán nản, bỏ bê học hành. 

Mỗi ngày, sinh viên cần lên lớp 6 tiết, nhưng Minh trốn học 5 tiết. Trong tiết học duy nhất, cậu cũng thường chọn ngồi bàn cuối để không bị thầy cô chú ý, chỉ đến điểm danh rồi về. Minh chủ yếu ngủ trên lớp, nếu thức, cậu sẽ "nghe gì ghi nấy" vào quyển vở được dùng cho tất cả các môn.

Từ học lực yếu, nam sinh “bứt phá” tốt nghiệp bằng giỏi Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh 1.

Chân dung cựu sinh viên Phùng Đức Minh

Minh chia sẻ do môi trường học tập mới khiến cho cậu chưa theo kịp và có phần chểnh mảng, vì thế Minh mới có kết quả học tập kỳ đầu tiên khá tệ so với lực học vốn có của mình. Học kỳ đầu tiên, Minh trượt môn Giải tích I, còn lại đạt loại D, tức 1/4 điểm. Do đó, điểm trung bình tích lũy (CPA) của Minh chỉ đạt 0.93 – mức kém. Dù đã nghiêm túc học tập hơn trong học kỳ sau nhưng cậu vẫn trượt tiếp môn Giải tích II, điểm trung bình đạt 1,82 - mức yếu.

"Mình cũng đã hụt hẫng khi từng đạt điểm 9 Toán thi đại học nhưng không nổi 3 điểm thi Giải tích tại Bách Khoa. Lúc đó mình thấy thực sự không thể chủ quan được, đại học không dễ như mình nghĩ. Mình bắt đầu cố gắng đi học đầy đủ và làm bài tập nhiều hơn, nhưng điểm vẫn chỉ cao hơn một chút. Mình không muốn bỏ cuộc, bản thân mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để đạt chỉ tiêu mình đề ra" – Đức Minh chia sẻ.

Hành trình "bứt tốc" từ kém lên giỏi

Nhận ra được hậu quả sau quãng thời gian nghỉ ngơi "quá đà", Đức Minh bắt đầu thay đổi chiến lược học tập, lập rõ kế hoạch với mục tiêu cải thiện điểm số, ra trường càng sớm càng tốt. Dù phải học lại đến 4 môn, có môn học lại đến 3 lần nhưng Minh vẫn không nản chí, cậu luôn cố gắng phấn đấu dành toàn bộ thời gian rảnh cho việc học ở các kì tiếp theo.

Từ học lực yếu, nam sinh “bứt phá” tốt nghiệp bằng giỏi Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh 2.

Phùng Đức Minh và gia đình trong lễ tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2020.

Năm thứ ba cũng là thời điểm bắt đầu học chuyên ngành nên Minh hào hứng hơn. Thay vì ngồi bàn cuối để "trốn" giảng viên, Minh bắt đầu phát biểu và tìm thầy cô để hỏi khi gặp vấn đề chưa hiểu. Tương tác nhiều hơn với bạn bè, cậu được hướng dẫn cách học, chia sẻ đề cương, tài liệu ôn tập. Song song với học chương trình mới, Minh tận dụng các kỳ hè để học lại những môn đã trượt hoặc điểm thấp. Có những môn khó như Giải tích III, Minh phải học đến 3 lần để cải thiện điểm, kết quả cuối cùng đạt được điểm B, kéo điểm trung bình cả khóa lên 3,22.

Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Đức Minh nằm trong top 6 sinh viên có học lực giỏi Khoa cơ khí động lực. Đồng thời, cậu thuộc nhóm 37% sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp sớm một kỳ với CPA đạt 3.22/4, TOEIC 890/990. Ý chí và tinh thần ham học giúp Minh hoàn thành mục tiêu sớm hơn dự kiến.

Từ học lực yếu, nam sinh “bứt phá” tốt nghiệp bằng giỏi Đại học Bách khoa Hà Nội - Ảnh 3.

Bảng điểm trung bình tích lũy 5 năm đại học của Đức Minh.

Nhìn vào bảng điểm của Đức Minh có thể thấy sự cố gắng qua từng giai đoạn, nam sinh duy trì điểm GPA trên 3.0 từ năm thứ ba, điểm tích lũy CPA từ 0.93 lên đến 3.22. Bảng điểm của Minh từng được chia sẻ trên diễn đàn học đường nhận được quan tâm của nhiều người, trở thành niềm cảm hứng cho nhiều sinh viên Bách khoa.

Chia sẻ về bí quyết học hiệu quả, nam sinh nói: "Để có thể đặt được mục tiêu CPA như mong muốn, mình phải lập bảng excel để tự tính điểm CPA hiện tại và dự đoán CPA tới khi ra trường. Nhờ đó, mình đã biết chính xác mức điểm cần cho các môn trong tương lai và biết được môn nào cần cải thiện. Mình đã phát hiện ra rằng cải thiện một điểm F lên A sẽ cải thiện CPA rất lớn so với việc đạt một môn điểm A mới. Đó cũng chính là bước ngoặt để mình bứt tốc lên mốc 3,2.

Trong quá trình học, mình luôn cố gắng làm bài tập của môn học trước để không bị dồn sang môn sau, tập trung nghe giảng và cố gắng thuộc bài ngay trên lớp. Việc này sẽ giúp tiết kiệm thời gian học tại nhà."

Cô Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc chương trình Kỹ thuật Hàng không và Cơ khí Hàng không, Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng thời là giáo viên chủ nhiệm của Minh chia sẻ: "Trước giờ tôi luôn đánh giá cao và thấy tự hào về quá trình cố gắng nỗ lực của Minh, em ấy là một sinh viên ngoan, có tố chất và tinh thần tự học rất tốt. Minh không phải sinh viên Bách khoa đầu tiên vượt khó, nhưng những gì em làm được vẫn xứng đáng được công nhận."

Minh từng nghĩ có thể ra trường với bằng xuất sắc nếu chuyên tâm học từ đầu. Dù vậy, Minh cũng thừa nhận nếu không có vấp váp, có lẽ bản thân cũng không có động lực để bứt phá. Sau sự cố gắng của bản thân, vượt qua 7 vòng thi tuyển, hiện nay cậu trở thành kỹ sư của Viện Hàng không Vũ trụ Viettel. Công việc này cho Minh áp dụng nhiều kiến thức đã học trong nghiên cứu, chế tạo các vật thể bay phục vụ an ninh quốc phòng với mức thu nhập khá hấp dẫn.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem