Từ hôm nay, trước khi giết, mổ vật nuôi buộc phải làm gì?

Đông Hoàng Thứ tư, ngày 01/01/2020 08:18 AM (GMT+7)
Luật Chăn nuôi (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ hôm nay, 1/1/2020. Luật Chăn nuôi có nhiều điểm đáng chú ý như nguyên tắc đặt tên dòng, giống vật nuôi mới; phải gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ; dù là nông hộ khi nuôi vật nuôi phải kê khai với Ủy ban nhân dân cấp xã...
Bình luận 0

img

Ngỗng xám là 1 trong 17 giống vật nuôi mới năm 2019 theo Quyết định số 3616/QĐ-BNN-CN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Internet.

Lưu ý khi đặt tên cho dòng, giống vật nuôi mới

Tại Chương II, điều 29, Luật Chăn nuôi quy định về nguyên tắc đặt tên dòng, giống vật nuôi mới như sau:

1. Mỗi dòng, giống vật nuôi mới chỉ được đặt một tên phù hợp bằng tiếng Việt.

2. Việc đặt tên dòng, giống vật nuôi mới phải bảo đảm không thuộc trường hợp sau đây:

Thứ nhất: Không được đặt tên dòng, giống vật nuôi mới trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên dòng, giống vật nuôi đã được công nhận.

Thứ 2: Không được đặt tên dòng, giống vật nuôi mới chỉ bao gồm chữ số.

Thứ 3: Tên dòng, giống vật nuôi mới không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Thứ 4: Tên dòng, giống vật nuôi mới không được trùng với cách đọc hoặc cách viết tên của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân.

Thứ 5: Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để đặt tên cho dòng, giống vật nuôi mới, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

Dù là nông hộ, khi chăn nuôi vật nuôi phải kê khai với Ủy ban nhân dân cấp xã

Điều 54 Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ hôm nay, 1/1/2020 quy định về kê khai hoạt động chăn nuôi

1. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định loại, số lượng vật nuôi phải thực hiện kê khai, thời điểm kê khai và mẫu kê khai hoạt động chăn nuôi.

img

Theo Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ hôm nay, 1/1/2020, hoạt động chăn nuôi phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã...Ảnh: Internet.

Quy định về đối xử nhân đạo đối với vật nuôi, nhất là khi giết, mổ vật nuôi

Điểm mới của Luật Chăn nuôi có hiệu lực vào ngày hôm nay, 1/1/2020 là phần quy định về đối xử nhân đạo đối với vật nuôi, nhất là đối xử nhân đạo khi giết, mổ vật nuôi. Đây là nội dung mới của Luật Chăn nuôi nhằm thích hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và để minh bạch hóa quy trình chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ có quy định chặt chẽ đối với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu.

img

Từ hôm nay, 1/1/2020, theo quy định của Luật Chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi vật nuôi; vận chuyển vật nuôi, giết mổ vật nuôi phải đảm bảo vật nuôi phải được đối xử nhân đạo. Ảnh: Internet.

Tại Chương V, Mục 2 của Luật Chăn nuôi có 4 Điều quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi trong các trường hợp: Hoạt động chăn nuôi; vận chuyển vật nuôi; giết, mổ vật nuôi và dùng vật nuôi trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Điều 69. Đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi

Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

1. Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi;

2. Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh;

3. Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y;

4. Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.

Điều 70. Đối xử nhân đạo với vật nuôi trong vận chuyển

Tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

1. Sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi;

2. Cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi;

3. Không đánh đập, hành hạ vật nuôi.

Điều 71. Đối xử nhân đạo với vật nuôi trong giết mổ

Cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

1. Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ;

2. Hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi;

3. Có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ.

Điều 72. Đối xử nhân đạo với vật nuôi trong nghiên cứu khoa học và hoạt động khác

1. Vật nuôi sử dụng trong nghiên cứu khoa học và hoạt động khác phải được đối xử nhân đạo theo quy định tại các điều 69, 70 và 71 của Luật này.

2. Đối xử nhân đạo với vật nuôi phải tôn trọng, hài hòa với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống và được cộng đồng xã hội chấp thuận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem