Đấy là những người đồng bào đang thèm khát một chiến thắng để họ quên đi cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề đẩy cả đất nước vào tình trạng kiệt quệ và phá sản. Những cảnh chiến thắng ấy, họ đã quen rồi. Euro 2008, World Cup 2010, và một chiến thắng nữa sau hai năm là điều được chờ đợi. Những đội bóng khác đã không làm được như họ.
Chẳng hạn Đức đã thất bại ở trận chung kết thứ ba liên tiếp năm 1976 trước Tiệp Khắc ở Euro, sau 2 lần đoạt Cúp ở Euro 1972 và World Cup 1974 cùng thế hệ Beckenbauer. Pháp đã thắng trong hai trận chung kết World Cup 1998 và Euro 2000, trước khi World Cup 2002 thành một ảo mộng tan tành vì thất bại ngay ở vòng bảng.
Thất bại kiểu ấy có thể là một cái dớp nặng nề, hệt như cái dớp không đội tuyển nào bảo vệ thành công danh hiệu vô địch trong các giải Euro. Bây giờ, 4 năm sau khi đánh bại Italia ở trận tứ kết Euro 2008 để từ đó chiến thắng giải năm ấy, mở ra một chu kì chiến thắng cho Tây Ban Nha, họ đang khao khát làm tất cả những gì có thể để lên đỉnh một lần nữa, trước một đội Italia mạnh mẽ hơn, và cũng khao khát chiến thắng không kém gì họ.
Nhưng đánh bại Italia bây giờ không dễ dàng (ngày đó họ cũng chỉ có thể thắng Italia trên chấm phạt đền). Từ năm 2008 đến giờ, Tây Ban Nha chưa từng thắng Italia, thậm chí đã thua Italia 1-2 vào tháng 8.2011. Nhưng đấy chỉ là một trận giao hữu, mà người Tây Ban Nha không coi trọng giao hữu.
Tuy nhiên, Prandelli và Italia thì có. Thắng lợi ấy được sản sinh từ chính tư duy bóng đá kiểu Tiqui-taca của Barcelona mà Tây Ban Nha đang áp dụng: cố gắng kiểm soát bóng nhiều, chuyền ban nhỏ và trung bình ít chạm, tìm mọi cơ hội để tấn công. Trận đấu ấy đã giúp vị HLV trưởng đội tuyển Italia tự tin hơn về con đường mà ông đã chọn cho những người thiên thanh.
Lối đá ấy đã phát huy mạnh mẽ ở giải đấu này, đưa Italia đến tận trận chung kết, và giờ hoàn toàn có thể mơ một chức vô địch. Giấc mơ ấy hoàn toàn có thể thành hiện thực, bởi Tây Ban Nha vẫn là những nhà vô địch châu Âu và thế giới, nhưng giờ là lúc họ chơi kém tỏa sáng nhất so với những chiến thắng ở hai giải trước đó.
Chưa bao giờ đội bóng của Del Bosque gây lo ngại cho các cổ động viên của họ, cũng như tạo ra sự nhàm chán lớn đến thế. Báo chí Tây Ban Nha giải thích rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy, là thể lực của các cầu thủ Tây Ban Nha không tốt. 23 cầu thủ Tây Ban Nha đã đá trung bình 52,6 trận mùa này, trong khi Italia chỉ 40,6 trận.
"Bộ ba xương sống" của hàng tiền vệ chính là những người phải đá nhiều nhất. Xabi Alonso đứng đầu với 66 trận (52 cho Real và 14 cho đội tuyển quốc gia), Xavi chơi 62 trận (51 cho Barcelona và 11 cho Tây Ban Nha), trong khi Iniesta cũng đã chơi cả thảy 58 trận.
Sự mệt mỏi của các cầu thủ nòng cốt đã dẫn đến việc Tây Ban Nha không làm chủ được khu trung tuyến trước lối chơi áp sát liên tục của Bồ Đào Nha trong một trận đấu kéo dài đến 120 phút. Del Bosque cũng không quay vòng cầu thủ, sử dụng hầu như chỉ một đội hình và nếu có sự thay đổi nào, thì là ở vị trí tiền đạo ảo.
Liệu điều ấy có gợi mở chút gì cho Italia, khi họ được nghỉ ít hơn một ngày, nhưng tâm trạng đang cực tốt? Trận chiến sẽ diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt ở trung tuyến, khi cả hai bên đều tìm cách kiểm soát thế trận. Xavi đối đầu với Pirlo và những tiền vệ còn lại đấu nhau trên sân chính là điều mà tất cả chờ đợi.
Người Italia sẽ khó có lợi thế về chiến thuật, một khi Tây Ban Nha mệt mỏi hơn, nhưng lại rất giỏi trong việc buộc đối phương phải chạy theo mình trong cả trận, bằng cách áp dụng kiểu...đá ma mà Barcelona đã biến thành một nghệ thuật.
Những con bài chiến thuật mà Del Bosque sử dụng khi đối phương đã mệt mỏi, là Jesus Navas và Pedro. Họ được tung vào sân để tăng tốc và diệt đối thủ sau khi các đồng đội của mình đã vờn cho kẻ thù mệt mỏi. Cách ấy sẽ lại được dùng khi đá với Italia.
Chiến thắng sẽ thuộc về ai? Các fan trung lập muốn Italia, trong khi người Tây Ban Nha không muốn mất đi vương miện đang đội trên đầu. 90 phút hoặc hơn sẽ trả lời tất cả.
Thiên Thanh (Kiev)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.