Từ ngày 8.3, chương trình nghệ thuật “Tứ Phủ” chính thức biểu diễn 12 buổi/tháng tại rạp Công Nhân (Hà Nội) với mỗi buổi là 2 suất diễn, từ 6 giờ đến 6 giờ 45 phút và 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 15. Nghệ thuật hầu đồng sẽ chính thức được đưa lên sân khấu như một nghệ thuật trình diễn. Phóng viên NTNN/Dân Việt trò chuyện với đạo diễn Việt Tú về chương trình này.
Được biết, chương trình “Tứ Phủ” đã được anh thai nghén, tâm huyết trong 3 năm, với những nét đẹp tinh tế nhất của đạo Mẫu, nghi lễ hầu đồng. Vậy, sau buổi công diễn, anh đã nhận được sự phản hồi gì từ giới chuyên môn và khán giả?
- Có thể đánh giá, “Tứ Phủ” được coi là một chuyến du hành vào cõi tâm linh ấn tượng với sự kết hợp giữa những nét đẹp tinh tế nhất của tinh thần Đạo Mẫu, nghi lễ hầu đồng với hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, hình ảnh trình chiếu độc đáo trong suốt 45 phút trình diễn. “Tứ Phủ” gồm 3 chương: Chầu Đệ Nhị - ông Hoàng Mười - Cô Bé Thượng Ngàn. Tôi nghĩ, “Tứ Phủ” có hai đối tượng quan trọng là khán giả và truyền thông. Để khách quan trong đánh giá “Tứ Phủ”, độc giả có thể truy cập vào facebook của Viet Theatre để xem các ý kiến đánh giá dành cho chương trình.
Nhiều khán giả tiếc vì thời gian ít, không được nghe hát trọn vẹn nghi thức giá chầu ông Hoàng Mười. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, với chương trình “Tứ Phủ” thiên về trình diễn nhiều nên mất đi nguyên gốc của chầu văn. Anh có đồng quan điểm?
“Cô Bé Thượng Ngàn” trong chương trình “Tứ Phủ” diễn ra tại rạp Công Nhân (Hà Nội). Ảnh: Thanh Hà
- Tôi xin phép không đưa ra bất kỳ giải thích hay lập luận nào, vì ý kiến khán giả dành cho “Tứ Phủ” rất đa dạng. Bên cạnh đó, các khán giả quốc tế lại đưa ra các phản hồi thiên về cảm xúc khi được tiếp cận với một bộ môn văn hoá dân tộc hoàn toàn mới mà họ chưa từng được biết của Việt Nam.
Anh có thể chia sẻ thông điệp gửi tới khán giả qua chương trình này?
- Tôi nghĩ mình được “chọn” để làm dự án này, và những gì tôi thực hiện đều hướng đến một đích là hiện thực hoá “Tứ Phủ” cũng như ra đời Nhà hát Việt. Chỉ riêng tên Nhà hát Việt, tôi đã phải thuyết phục một bạn trẻ yêu văn hoá Việt, người sở hữu tên miền đó nhượng lại cho tôi với điều kiện tôi cần làm đúng cam kết với bạn ấy là sẽ dùng cái tên Nhà hát Việt để thực hiện những dự án văn hoá dân tộc có chất lượng nghệ thuật.
Giới chuyên môn e ngại, những người biểu diễn “Tứ Phủ” trên sân khấu chưa chuyên nghiệp. Anh nghĩ sao?
- Toàn bộ diễn viên biểu diễn trên sân khấu “Tứ Phủ” đều là diễn viên chuyên nghiệp của Nhà hát Chèo Việt Nam, không chỉ đơn thuần là diễn viên mà vào mùa lễ hội đầu năm như hiện tại, họ còn là những Thanh đồng, Cung văn đích thực của các điện, phủ. Tôi cũng đã từng thử nghiệm một số Thanh đồng đúng nghĩa nhưng không phải là diễn viên trên sân khấu Tứ Phủ nhưng đều không thành công, vì không phải cứ lên sân khấu là diễn được.
Một giá đồng có hàng trăm chi tiết phải nhớ, hệ thống hoá một cách chuyên nghiệp, chưa kể phải phối hợp với những người xung quanh. Một phần khăn áo 7 phút của “Tứ Phủ” trông rất đơn giản, Thanh đồng và hai hầu dâng lên xuống nhịp nhàng, tinh tế, nhưng đằng sau đó là những ngày tháng tập luyện không ngừng.
Có ý kiến hầu đồng đồng nghĩa với mê tín và có tư tưởng né tránh. Việc khai thác nghi lễ hầu đồng dưới góc độ văn hóa của Tứ Phủ có phải là một quyết định mạo hiểm đối với anh?
- Tôn giáo về mặt bản chất là trong sáng, và hướng thiện, không tôn giáo nào dạy con người ta những điều tà tâm, mê tín dị đoan. Không thể bắt tôn giáo chịu trách nhiệm cho những sai lệch cá nhân của một bộ phận thiểu số những người thực hành nghi lễ.
Giá hầu Chầu Đệ Nhị - Ông Hoàng Mười - Cô Bé Thượng Ngàn trong chương trình Tứ phủ được diễn ra ngày 27.2 tại rạp Công nhân, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hà.
Điểm thuận lợi của “Tứ Phủ” là vào ngày 28.3.2015, Việt Nam đã gửi hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” tới Tổ chức UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các chuyên gia UNESCO sẽ cho ý kiến vào tháng 6.2016. Hồ sơ sẽ được UNESCO xem xét đánh giá vào tháng 12.2016 tại kỳ họp thứ 11 tổ chức ở Ethiopia.
Bên cạnh đó tôi cho rằng, trách nhiệm truyền thông và duy trì tất cả những nét hay, nét đẹp và sự trong sáng nguyên bản của tôn giáo, bài trừ mê tín dị đoan không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chủ quản mà là trách nhiệm của mỗi chúng ta, những người làm văn hoá, cũng như những người thực hành tín ngưỡng.
Xin cảm ơn anh!
"Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật dân tộc để có thể nhận ra rằng Việt Nam có một kho tàng những di sản văn hoá tuyệt vời. Tôi muốn đóng góp một phần nhỏ bé trong việc quảng bá những di sản đó đến đông đảo du khách trong nước quốc tế khi đến Việt Nam” - Đạo diễn Việt Tú.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.