Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Hà Nội.
"Từ quản lý sang phụng sự, định danh của doanh nhân đã khác trước rất nhiều"
An Vũ
Thứ tư, ngày 13/10/2021 07:00 AM (GMT+7)
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Hà Nội định danh của doanh nhân đã khác trước rất nhiều. Ngày xưa, chính quyền đặt quyền quản lý lên doanh nghiệp (DN) nhưng hiện đã dần chuyển sang phụng sự, lấy DN làm trung tâm, vì sự phát triển của DN.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Hà Nội xung quanh về những vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho cộng đồng doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, đã có hơn 90.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020; 94% doanh nghiệp trên cả nước đang lâm vào tình trạng khó khăn.
Cơ sở để doanh nhân nuôi dưỡng niềm tin vượt khó khăn
Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm “biến mất” số lượng lớn doanh nghiệp (DN), là những “đứa con” của doanh nhân, ông cho rằng điều gì sẽ giúp họ nuôi dưỡng niềm tin để vượt qua giai đoạn khó khăn này?
- Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, dù đã có rất nhiều DN rút khỏi thị tường nhưng vẫn có nhiều cơ hội để DN phát triển, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Niềm tin đó hoàn toàn có cơ sở, bởi những năm qua Chính phủ đã tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) và ký kết các FTA với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, RCEP… sẽ giúp cho các DN Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác, giao thương với các thị trường năng động.
Bên cạnh đó, Chính phủ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam từ đó giúp DN Việt có cơ hội hợp tác với các DN FDI nhiều hơn.
Ngoài ra, việc dịch bệnh kéo dài đã làm cho các DN xây dựng các phương án thích ứng với tình hình mới. Nhiều DN đã thực hiện tái cơ cấu bộ máy, xây dựng lại chiến lược phát triển, ứng dụng CNTT vào quản trị và sản xuất kinh doanh, xây dựng đội ngũ nhân viên đáp ứng được các yêu cầu mới… Những doanh nghiệp này hoàn toàn có thể tìm kiếm và tận dụng tốt các cơ hội để đầu tư, phát triển.
Bên cạnh những chính sách doanh nghiệp đang được hỗ trợ, nếu được kiến nghị thêm, ông sẽ đề xuất gì để DN phục hồi?
Việc tiêm vaccine cần được đẩy nhanh để từng bước tạo miễn dịch cộng đồng. Trong đó, tôi đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng lao động của các doanh nghiệp, vì đây là lực lượng rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần có chính sách cụ thể hỗ trợ DN nâng cao năng lực y tế tại chỗ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện thích ứng với dịch.
Thứ hai, chính quyền cần tiếp tục duy trì các chính sách tài khóa, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Theo tôi Nhà nước có thể kéo dài các chính sách miễn, giảm, giãn hoãn thuế, lãi suất đến cuối 2022 để doanh nghiệp có đủ thời gian hồi phục.
Thứ ba, dịch Covid-19 đã làm cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều đơn hàng bị hủy ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường của DN. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ, các cấp Chính quyền hỗ trợ, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các DN trong việc xúc tiến thương mại, ra nhập thị trường mới.
Thứ 4, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ các DN, tuy nhiên, các kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất để DN thực hiện.
Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội kinh doanh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hậu đại dịch Covid-19?
- Những hệ lụy do đại dịch Covid 19 đối với các doanh nghiệp là vô cùng lớn. Bởi vậy, để vượt qua thử thách này, nhiều doanh nghiệp sẽ phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng với đại dịch toàn cầu. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, các doanh nghiệp của Hiệp hội vẫn có thể thấy được những cơ hội để phát triển và cải thiện năng lực.
Có thể thấy, dịch COVID-19 đã gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Đây là khoảng thời gian vàng để các doanh nghiệp có thể chú trọng vào việc đào tạo nhân sự hay khai thác các lợi thế từ việc chuyển đổi số nhằm tạo ra những đột phá trong sản xuất và kinh doanh.
Cũng do đại dịch nên các tập đoàn lớn trên thế giới đã chuyển hướng đầu tư và mở nhà máy tại Việt Nam, ví dụ như tập đoàn Apple của Mỹ. Điều đó đã giúp thúc đẩy được các chuỗi giá trị cung ứng, giải quyết được tình trạng thất nghiệp đặc biệt là thời kì sau đại dịch khi mà việc làm trở thành một trong những mối quan ngại của các cấp chính quyền. Thêm vào đó, các doanh nghiệp trong nước cũng có những cơ hội kinh doanh mới như đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ viễn thông hay các ngành dịch vụ khác.
Ông cho rằng doanh nhân hiện nay đòi hỏi những điểm gì khác so với doanh nhân các thế hệ trước? Họ có lợi thế gì?
- Một điểm đáng chú ý, trước đại dịch xảy ra, doanh nhân gần chỉ chăm lo cho doanh nghiệp của họ, nhưng trong đại dịch và sau đại dịch, tính xã hội, tính cộng đồng của họ bắt đầu hình thành và dần lớn hơn trông thấy.
Hiện giờ, họ không chỉ lo cho nhân viên, gia đình của mình mà còn chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp khác, với người gặp khó khăn…
Từ trong khó khăn ta lại thấy rõ hơn tính đoàn kết, gắn bó, lòng trắc ẩn… ở các doanh nhân.
Nói về điểm khác so với thế hệ trước, có lẽ doanh nhân hiện nay được hưởng rất nhiều từ các DN lớn, DN đàn anh, được hỗ trợ rất tốt, tạo ra chuỗi giá trị cung ứng bền chặt.
Đặc biệt, hiện nay các doanh nghiệp non trẻ rất được ưu ái về chính sách, cơ chế. Doanh nghiệp được coi là vị trung tâm của đổi mới sáng tạo.
Định danh của doanh nhân đã khác trước rất nhiều. Vị thế, vai trò của DN, doanh nhân - với chính quyền cũng đã bình đẳng hơn. Ngày xưa, chính quyền đặt quyền quản lý lên doanh nghiệp nhưng hiện đã dần chuyển sang phụng sự, lấy DN làm trung tâm, vì sự phát triển của DN. Bởi chính doanh nhân là người làm ra của cải vật chất, đóng góp cho ngân sách, gián tiếp cung cấp lương bổng cả hệ thống quản trị.
Từ những gì đã trải qua, nếu đưa ra lời khuyên cho các doanh nhân trẻ, ông sẽ khuyên gì?
-Doanh nhân trẻ giờ rất giỏi, tiếp cận nhanh nhưng tính gắn kết chưa được cao. Bởi vậy, các bạn cần mở lòng đoàn kết, chia sẻ nhiều hơn, như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ".
Các bạn trẻ giờ được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển công nghệ 4.0. Bởi vậy, cần áp dụng công nghệ tiên tiến nhất, đi tắt đón đầu. Cần sáng tạo, chủ động hơn nữa. Chủ động trong chính sách, hội nhập và đóng góp.
Đặc biệt, họ cần phải tích lũy. Thế hệ chúng tôi từ 6X, 7X khác rất nhiều so với doanh nhân thời nay về tính tích lũy. Chúng ta cần tích lũy quan hệ, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, tích lũy vốn và phải tích lũy dự phòng rủi ro. Đừng làm được một chút mà hào phóng chi tiêu hết, vì biết đâu khoảng 5-10 năm nữa, xuất hiện một con virut khác, nếu không có quỹ rủi ro thì “sập tiệm” là điều khó tránh khỏi.
Cần xây dựng doanh nghiệp có tầm nhìn, từ ngắn, trung đến dài hạn, nhìn xa hơn từ 5-10 năm. Để làm sao mình có đủ sức cạnh tranh, hội nhập quốc tế. Cần phải đưa doanh nghiệp ra khỏi tầm của Việt Nam.
Và một điều mà tôi rất muốn nhắn nhủ tới các doanh trẻ, đó là dù làm bất cứ việc gì cũng cần phải đúng luật! Đừng chưa làm đã nhăm nhe tính trốn thuế, né luật, như vậy sẽ không bền vững được…
Nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông có nhắn nhủ hay gửi thông điệp gì tới cộng đồng doanh nghiệp nước nhà?
-Cách đây 15 năm Thủ tướng Phan Văn Khải chọn ngày 13/10 là ngày Doanh nhân Việt Nam, để hằng năm lực lượng doanh nhân được tôn vinh, ca ngợi vì những đóng góp lớn lao. Kể từ đó, cộng đồng doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò của mình trong nước cũng như trên trường quốc tế.
Năm 2021 là một năm với rất nhiều khó khăn, thử thách dành cho cộng đồng DN Việt Nam. Do đó, ngày doanh nhân Việt Nam năm nay sẽ không chỉ giúp tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp mà còn là dịp để động viên, cổ vũ các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục nỗ lực, cố gắng chinh phục các mục tiêu đã đặt ra.
Nhân dịp này, thay mặt Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội tôi xin được gửi lời chúc đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân luôn mạnh khỏe, bình an, bản lĩnh, giữ vững nhiệt huyết để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chiến thắng đại dịch, đóng góp công sức cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.