Tự sự của nhà báo đoạt giải A báo chí quốc gia

Thứ ba, ngày 21/06/2011 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Làm mất miếng ăn không sạch sẽ của kẻ khác và động chạm tới các mối quan hệ, quyền lực của nhiều người hiển nhiên là chẳng thú vị như trò chơi bi-a. Sự thật càng gai góc, áp lực càng ghê gớm.
Bình luận 0

Nhà báo Ngô Mai Phong (Báo Lao động) - Giải A báo chí quốc gia 2010 với đề tài “Vụ tổ chức cướp than động trời ở Quảng Ninh”.

Câu chuyện của chúng tôi đã bắt đầu từ lời than phiền của một người lái taxi về sự bạt mạng của những "chiếc xe mỏ" chở đầy than không phủ bạt toá ra từ phía mỏ Mạo Khê, chiếc ngược chiếc xuôi, phóng như điên trên quốc lộ 18A và có lúc chiếc taxi của anh ta phải táp hẳn hai bánh khỏi lề đường mới thoát bị nuốt chửng.

Đó là đêm mồng 2 Tết Canh Dần. Người lái taxi không biết nhiều năm nay thợ mỏ thường được nghỉ Tết 2 tuần bắt đầu từ sau ngày "ông Táo về trời" và chẳng có mỏ nào "ra quân" vào thời khắc "rượu thịt đang còn nồng nàn" như thế cả!

img
Nhà báo Ngô Mai Phong

Cho đến khi phóng sự đầu tiên về vụ cướp than động trời ở mỏ Mạo Khê được tung lên Báo Lao Động, nhiều người không muốn tin đó là sự thật. Những cánh cửa thông tin quan trọng lập tức bị khép chặt. Chúng tôi biết trước điều này và đã "đổ bộ" sớm hơn. Những gì cơ bản, cần thiết nhất đã được chuẩn bị. Tại sao thông tin ban đầu không phải là một cái tin mà là một phóng sự? Bố cục này giúp chúng tôi "nhàn" đi rất nhiều. Cái phóng sự tựa như chiếc ổ cứng khá hoàn hảo. Các bài viết và tin tức tiếp theo chỉ việc "giặm" đầy phần mềm cho nó mà thôi!

Làm mất miếng ăn không sạch sẽ của kẻ khác và động chạm tới các mối quan hệ, quyền lực của nhiều người hiển nhiên là chẳng thú vị như trò chơi bi-a. Sự thật càng gai góc, áp lực càng ghê gớm. Nhưng nếu anh xuất phát từ sự công tâm và lòng ngay thẳng thì không sợ. Bởi vì người đọc và đồng nghiệp của anh bao giờ cũng có con - mắt - xanh. Cái mà tôi luôn tự vấn: Ngòi bút của mình có bất công không?

Có phóng viên trẻ nhờ tôi gợi ý đề tài. Tôi bảo nghề của chúng ta vốn dĩ là một cái nghề "hở chuyện", chỉ có điều khi đi săn thì nhẹ chân một chút thôi. Vấn về quản lý hòn than ở vùng mỏ Quảng Ninh hơn 20 năm nay vẫn nóng bỏng. Rõ ràng là hiệu lực của Luật Tài nguyên rất mỏng manh.

Muốn biết tại sao lại mỏng manh, với tư cách người làm nghề, mỗi người nên tự tìm lấy. Đơn giản như khi nhìn một cái nhà kho, thóc gạo vẫn còn nguyên mà có những con chuột ở đó lại béo hú, có con lại còn biết ca hát nữa, thế mới hay. Vậy thì tốt nhất, chúng ta hãy lên đường đi!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem