Tư thế chết bất thường của người vợ và vụ kỳ án bí ẩn

Thứ ba, ngày 28/01/2020 08:35 AM (GMT+7)
Martin Frias suốt đêm nằm ngoài phòng khách với suy nghĩ vợ sẽ hết giận mình vào buổi sáng, nhưng người phụ nữ ấy không bao giờ tỉnh lại.
Bình luận 0

Sáng sớm 5/7/1984, cảnh sát thị trấn Wheatland, bang Wyoming nhận được cuộc gọi của Martin Frias báo tin vợ chết. Tại hiện trường, Ernestine Perea nằm ngửa trên sàn phòng ngủ chính, ổ bụng có vết thương do đạn bắn xuyên qua, bên cạnh là khẩu súng trường thường dùng đi săn. Mảnh vỡ của viên đạn bắn lên tường phía sau.

Martin kể Ernestine đưa con tới công viên chơi cả chiều rồi đi uống nước với bạn. 21h30-22h, cô đưa con về nhà rồi lên giường ngủ. Martin ra ngoài phòng khách nằm vì vợ chồng vẫn giận nhau từ mấy ngày trước.

img

Vị trí thi thể người chết. Ảnh: Filmrise.

Martin vừa chợp mắt thì bị tiếng động lạ như tiếng cành cây gãy đánh thức. Anh kiểm tra bên ngoài nhà và phòng các con nhưng không thấy gì nên đi ngủ trở lại. Tới khoảng 1h sáng, Martin nghe thấy tiếng khóc phát ra từ phòng ngủ, chạy vào xem thì thấy Ernestine nằm dưới đất, con gái ôm cổ mẹ khóc nức nở.

Khám nghiệm sơ bộ cho thấy nồng độ cồn trong máu nạn nhân cao gấp ba lần ngưỡng cho phép lái xe của pháp luật. Vì trong phòng không có dấu vết giằng co và đột nhập, điều tra viên ban đầu cho rằng đây là vụ tự sát.

Khám nghiệm tử thi, điều tra viên thấy rằng quần của Ernestine bị rách dọc đường khóa, cúc quần bị đứt, có thể là dấu hiệu giằng co. Trên thi thể, vết đạn ở bụng lớn hơn vết đạn ở lưng - dấu hiệu cho thấy Ernestine bị bắn từ phía sau. Viên đạn khi đi vào cơ thể sẽ để lại vết thương gọn hơn khi đi ra. Ngoài ra, trên áo nạn nhân không có muội súng, dấu vết thường thấy nếu nạn nhân tự nổ súng.

Bên cạnh chứng cứ pháp y, điều tra viên còn được biết hai năm trước Ernestine từng báo tin bị chồng đánh. Cả hai lần, Ernestine đều yêu cầu cảnh sát thu giữ khẩu súng trường của Martin. Mẹ Ernestine cho biết con gái dự định rời bỏ Martin để về quê. Một người bạn nam giới của Ernestine còn nói hôm đó "vật lộn" với Ernestine trên thảm cỏ công viên và bị Martin lái xe qua trông thấy.

Trước sự nghi ngờ của cảnh sát, Martin quả quyết không liên quan cái chết của vợ. Anh ta nói trước đó đã bị chấn thương tay, phải bó bột nên gặp khó khăn khi cầm súng ngắm bắn. Dù vậy, với những chứng cứ trên, Martin vẫn bị công tố viên khởi tố về tội Giết người với cáo buộc đã ghen tuông và lớn tiếng khi Ernestine vừa về nhà.

Hai người giằng co mạnh khiến Ernestine ngã ra sàn rách toạc quần. Khi Ernestine vừa bò dậy, Martin rút súng bắn vợ từ phía sau. Tác dụng lực của viên đạn khiến cơ thể Ernestine xoay ngược lại. Giả thuyết này giải thích được việc nạn nhân bị bắn từ phía sau nhưng thi thể vẫn nằm ngửa. Martin sau đó bỏ khẩu súng bên cạnh thi thể để dựng hiện trường giả về vụ tự sát.

img

Quần của Ernestine bị rách dọc khóa. Ảnh: Filmrise.

Trước những chứng cứ trên, năm 1984, bồi thẩm đoàn đã kết án Martin phạm tội Giết người cấp độ II, mức án 25-35 năm tù.

Sau khi Martin bị kết tội, luật sư do tòa chỉ định của Martin vẫn tiếp tục tìm kiếm chứng cứ gỡ tội cho thân chủ. Vì không tin vào kết luận của phòng giám định tiểu bang, luật sư mời chuyên gia độc lập về muội súng xem xét lại chiếc áo trên người thi thể.

Bằng kính hiển vi điện tử quét có hỗ trợ X-quang, thiết bị hiện đại và nhạy hơn, chuyên gia độc lập phát hiện dấu vết muội súng trên áo. Theo chuyên gia, muội súng rõ ràng đã đi từ phía trước, theo viên đạn ra sau lưng thi thể. Kết luận này trái ngược với nhận định của phòng giám định tiểu bang. Dựa trên chứng cứ mới, luật sư bào chữa đã có thể xin tòa tối cao bang Wyoming hủy bản án ban đầu để tổ chức xét xử tái thẩm.

Tại phiên tòa thứ hai, luật sư bào chữa trình ra một số chứng cứ mới là một số giấy tờ và lời khai nhân chứng cho thấy trước khi chết, Ernestine đã ít nhất 5 lần có hành động cố gắng tự sát (như uống thuốc quá liều hoặc cắt cổ tay).

Theo luật sư, kết luận giám định không thể xác định được trên cò súng có dấu vân tay của ai. Vân tay của Martin được tìm thấy trên báng súng, nhưng không xuất hiện ở những nơi mà Martin phải cầm vào để nổ súng, trong khi đó, vân tay của Ernestine có mặt trên ống nhòm.

Cán bộ quản giáo nơi Martin bị giam giữ cũng xác nhận bị cáo không thể giơ súng ngang vai phải và bóp cò. Theo quan sát của người này, cánh tay phải của Martin gần như vô dụng.

Luật sư cũng đưa ra cách lý giải tại sao Martin khai không nghe thấy tiếng súng nổ trong đêm hôm đó. Để thực nghiệm hiện trường, chuyên gia âm thanh do luật sư thuê đã phủ tấm vải có chất liệu tương tự áo nạn nhân lên xác con ngựa chết, sau đó dùng cùng loại súng trường bắn vào. Kết quả cho thấy nếu nòng súng được dí sát thi thể, tiếng súng giảm đi đáng kể, chỉ như tiếng chân đá vào tường hoặc đồ nội thất. Đây chính là tiếng động khiến Martin tỉnh dậy đêm hôm đó.

img

Thực nghiệm hiện trường cho thấy tiếng súng giảm đi đáng kể khi dí sát cơ thể. Ảnh: Filmrise.

Từ vết máu trên tường, một chuyên gia khác do luật sư mời tới làm chứng cho biết dấu vết này chứng tỏ nạn nhân đã ngồi hoặc quỳ trên sàn với nòng súng sát bụng khi viên đạn bắn ra. Chuyên gia cũng nhận định nếu Ernestine xoay ngửa người khi bị bắn, xung quanh thi thể (trên sàn, trần nhà và giường) sẽ có các tia máu phụt ra, trong khi hiện trường không có dấu vết nào như vậy.

Không những vậy, chuyên gia về vết thương súng bắn cũng làm chứng rằng quanh miệng vết thương của nạn nhân có vết cháy xém cùng bồ hóng, chứng tỏ mũi súng được dí sát cơ thể. Khi bị đặt nghi vấn tại sao mũi súng sạch không dính máu, chuyên gia chỉ ra rằng áo của nạn nhân đã ngăn máu dính vào. Về việc quần Ernestine bị rách, vị chuyên gia cho biết phần không khí thoát ra khi súng nổ có thể đã tạm thời vào trong bụng nạn nhân và đẩy tung quần.

Với chứng cứ mới, luật sư đặt giả thuyết cái chết của Ernestine là do tự sát. Theo vị này, trong lúc say, Ernestine ngồi trên sàn cong người về phía trước, một tay giữ súng sát bụng, tay kia đẩy cò súng.

Trước hai giả thuyết trái ngược nhau, bồi thẩm đoàn cũng tự thực nghiệm để xem một phụ nữ với ngoại hình như Ernestine có thể chạm tới cò súng trong tư thế ngồi trên sàn được không. Người này kể lại tay mình chạm vào ống nhóm khẩu súng đúng tại vị trí người ta tìm thấy vân tay của Ernestine và cũng có thể bóp cò.

Ngày 26/6/1986, qua hơn hai tiếng nghị án, bồi thẩm đoàn cuối cùng tuyên vô tội và trả tự do cho Martin sau hơn hai năm ngồi tù.

Quốc Đạt (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem