Từ tranh cãi các khoản thu đầu năm, câu hỏi được quan tâm nhất: Có nên bỏ Ban phụ huynh học sinh?
Từ tranh cãi các khoản thu đầu năm, câu hỏi được quan tâm nhất: Có nên bỏ Ban phụ huynh học sinh?
Tào Nga
Thứ sáu, ngày 27/09/2024 06:00 AM (GMT+7)
Trước những bức xúc về các khoản thu đầu năm học, nhiều phụ huynh bày tỏ nên bỏ ban/hội phụ huynh học sinh hoặc không nên bầu trưởng ban phụ huynh là... người giàu.
Mới đầu năm học nhưng hàng loạt câu chuyện về quỹ trường, quỹ lớp, các khoản thu xã hội hóa... gây bức xúc dư luận. Đặc biệt, vấn đề này xảy ra ở nhiều địa phương, ở nhiều cấp học với các khoản thu khác nhau. Nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm nên bỏ ngay ban/hội phụ huynh hay còn gọi ban/hội cha mẹ học sinh vì nhóm này thực chất chỉ đi thu tiền của lớp rồi chi "mạnh tay", thậm chí có người còn tố mập mờ, không công khai trong các khoản chi. Một quan điểm được nhiều người đồng tình là trưởng ban phụ huynh đừng nên bầu… người giàu vì họ không tiếc tiền nên không ai theo được.
Tuy nhiên, mới đây cũng có phụ huynh bày tỏ nỗi lòng rằng ban phụ huynh "toàn ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng".
Cụ thể, phụ huynh này cho biết: "Sự kiện nào diễn ra cũng là ban phụ huynh bỏ công bỏ việc chạy khắp nơi mua đồ cho các con, đến trang trí lớp cho các con, hô cả lớp mấy chục phụ huynh thì được vài phụ huynh nhiệt tình đến hỗ trợ cùng. Rèm hỏng, cửa sổ hỏng, tường tróc sơn, vân vân hỏng thì trước tiên ban phụ huynh mà biết sửa thì phải tự xử trước. Nếu làm không được thì hô hào cả nhóm phụ huynh của lớp xem có ai giúp được thì giúp (không công - để giúp lớp tiết kiệm quỹ). Còn nếu không ai làm được thì phải thuê, thuê thì mất tiền.
Đương nhiên ban phụ huynh cũng có người này người kia. Nhưng không phải tất cả đều thế! Phụ huynh cứ mạnh dạn mà lên tiếng, xử lý nội bộ, chứ đừng có kiểu đăng khắp nơi mắng nhiếc toàn bộ ban phụ huynh như vậy. Làm thế là bất lịch sự lắm, vô ơn lắm".
Tồn tại hay xóa bỏ hội phụ huynh?
PV báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội xoay quanh vấn đề gây tranh cãi về Ban phụ huynh và những khoản đóng góp đầu năm. "Từ những năm 1980, Ban phụ huynh đã phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục như tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động dã ngoại, sinh hoạt văn nghệ cho học sinh.
Cho tới thời nay, rất nhiều các Ban phụ huynh trên cả nước đã nhiều lần đứng ra tổ chức những lớp học ngoại khóa vô cùng bổ ích cho học sinh như giáo dục giới tính, rèn luyện kỹ năng ứng phó… Họ cũng chính là lực lượng nhiệt tình nhất trong công tác xây dựng tủ sách cho lớp học".
Bà Hương cho rằng, vấn đề ở đây không phải là sự tồn tại hay xóa bỏ ban phụ huynh. Rõ ràng một số nhà trường hiện hoạt động méo mó, không còn giữ được các nét đẹp truyền thống của ngành giáo.
Một việc vô cùng đơn giản là chúng ta hãy nghiêm túc xử lý tình trạng các hoạt động sai lệch, không theo quy định của Bộ và của Nhà nước. Nếu việc này được tiến hành triệt để, chúng ta không cần có thêm bất kể một đề xuất nào.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh thẳng thắn, một số ban đại diện cha mẹ học sinh đang bị lạm dụng thái quá, trở thành cánh tay nối dài của nhà trường. Tuy nhiên, không nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh bởi họ là những người góp phần quan trọng kết nối giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục học sinh.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: "Mục đích ra đời và vai trò của hội cha mẹ học sinh rất tốt, rất quan trọng. Đặc biệt là lứa tuổi tiểu học và THCS cần huy động sự tham gia, hỗ trợ của cha mẹ học sinh. Thế nhưng nhiều nơi hội lập ra chỉ để thu tiền mà không có đồng thuận cao của phụ huynh. Vì vậy cần rà soát, giám sát trong việc thu chi, nếu như phát hiện có những khoản thu chi không hợp lý phải xử lý ngay. Cần nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu để đủ sức răn đe. Chúng ta cần chấn chỉnh chứ không nên xóa bỏ, phải thực sự ý nghĩa, đúng mục đích chứ không phải hoạt động không tốt là bỏ đi".
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, giáo dục học sinh là sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi đơn vị đều có chức năng nhiệm vụ nhất định, không thể thiếu để chăm lo tốt nhất cho học sinh.
Ban đại diện cha mẹ học sinh là nơi kết nối giữa phụ huynh và giáo viên trong lớp để chăm lo, quan tâm học sinh. Do đó, việc duy trì hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường học là cần thiết. Tuy nhiên, muốn ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động được thì cần có kinh phí. Điều quan trọng là kinh phí này phải hợp lý, vừa phải và nhận được sự đồng thuận của phụ huynh. Đồng thời, kinh phí này cũng không đổ đồng, cào bằng vì trong tập thể lớp, không phải điều kiện kinh tế ai cũng giống ai.
Cũng theo ông Ngai, hiện nay các quy định đều nêu rất rõ ràng vai trò, trách nhiệm của phụ huynh học sinh ở lớp và ở trường. Sở GDĐT TP.HCM cũng có rất nhiều văn bản, hướng dẫn cụ thể, nhưng việc thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn xảy ra nhiều sai sót trong thời gian gần đây.
"Hiệu trưởng các trường phải theo dõi hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Nếu có xảy ra tình trạng lạm thu, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên, không được đổ thừa trách nhiệm cho ban đại diện cha mẹ học sinh. Còn với giáo viên chủ nhiệm thì vấn đề nào quá tầm cũng phải báo cáo cho hiệu trưởng", ông Ngai cho biết.
Theo quy định, ban đại diện cha mẹ học sinh trường được tổ chức mỗi năm học, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục.
Nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường:
- Phối hợp với Hiệu trưởng tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học và các hoạt động giáo dục theo nội dung được thống nhất tại cuộc họp đầu năm học của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường;
- Phối hợp với Hiệu trưởng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục đối với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh;
- Phối hợp với Hiệu trưởng tổ chức giáo dục học sinh hạnh kiểm yếu tiếp tục rèn luyện trong dịp nghỉ hè ở địa phương;
- Phối hợp với Hiệu trưởng giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác; vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục đi học;
- Hướng dẫn về công tác tổ chức và hoạt động cho các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.