Từ việc sét đánh chết 229 con lợn ở Thái Bình, chuyên gia khuyến cáo gì để bảo vệ đàn vật nuôi?

Minh Ngọc Thứ tư, ngày 18/05/2022 17:45 PM (GMT+7)
Từ sự việc sét đánh chết 229 con lợn ở Thái Bình, các chuyên gia cho rằng, các trang trại cần quan tâm xây dựng chuồng trại, lắp đặt hệ thống chống sét đảm bảo.
Bình luận 0

Từ sự việc sét đánh chết 229 con lợn ở Thái Bình ngày 12/5, chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế chăn nuôi tại Tọa đàm trực tuyến chủ đề: "Bảo vệ đàn vật nuôi trước mùa mưa bão" do Báo NNNN/Báo điện tử Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức, hôm nay (18/5), ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, để ứng phó với những tác động của thiên tai trong mùa mưa bão, với kinh nghiệm hơn 20 năm chăn nuôi của tôi, bà con cần phải chủ động phòng tránh.

Ngày 12/5, sự việc sét đánh chết 229 con lợn ở Thái Bình là rất đáng tiếc, tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, phần nguyên nhân do chủ trang trại chủ quan trong vấn đề chống sét, bởi vì hiện nay lắp đặt hệ thống chống sét cho chuồng trại rất đơn giản nhưng dường như chưa được chủ trang trại này quan tâm, đầu tư.

Từ việc 229 con lợn bị sét đánh chết, chuyên gia khuyến cáo gì để bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa bão? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho rằng, để bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa bão, người chăn nuôi cần đầu tư hệ thống chuồng trại bài bài, có hệ thống chống sét để hạn chế thiệt hại. Ảnh: Trần Quang

Thực tế, tại các trang trại lớn họ đều thiết kế bằng tôn, có hệ thống chống sét rất bài bản, vì vậy khi xảy ra mưa bão thiệt hại không nhiều. Nhưng trong chăn nuôi nông hộ bà con vẫn còn chủ quan nên dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc như ở Thái Bình vừa qua.

Để bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa bão, ông Thắng cho rằng, ngoài việc đảm bảo hệ thống chuồng trại về chống sét thì bà con phải chủ động phòng tránh, thực hiện nghiêm biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

"Thời tiết ẩm, mưa bão, ruồi muỗi xuất hiện nhiều, đó chính là những tác nhân gây nên dịch bệnh trong chăn nuôi. Bản thân tôi cũng là người chăn nuôi với kinh nghiệm hơn 20 năm. Với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng, không cứ mùa mưa bão, đã bước vào chăn nuôi thì nông dân cần lưu ý môi trường nuôi đảm bảo vệ sinh, thông thoáng. Bên cạnh đó, phải chọn con giống tốt, đảm bảo vấn đề dinh dưỡng và thú y. Thực hiện tốt các khuyến cáo về vaccine. Đối với dịch tả châu Phi chưa có vaccine thì vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học vô cùng quan trọng, ai làm tốt sẽ thắng", ông Thắng chia sẻ.

Từ việc 229 con lợn bị sét đánh chết, chuyên gia khuyến cáo gì để bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa bão? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, mưa bão là nguyên nhân dẫn đến phát tán dịch bệnh. Ảnh: Trần Quang

Nhìn từ góc độ quản lý, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho hay, trước những diễn biến thất thường và ngày càng cực đoan của thời tiết, người chăn nuôi luôn luôn phải chuẩn bị ứng phó sẵn với kịch bản không may xảy ra. Người chăn nuôi cần chuẩn bị sẵn kế hoạch tái đàn, nhập đàn sau thiên tai.

Thời tiết mưa bão, mưa to có thể gây ngập úng cục bộ hoặc lụt trên diện rộng tạo cơ hội phát tán mầm bệnh cũ và mới xuất hiện. 

Điển hình là dịch tả Châu phi, heo tai xanh, viêm da nổi cục trên trâu bò, lở mồm long móng. Các chủng bệnh mới xuất hiện như H5N8 cũng có thể xuất hiện. Thực tế, tại Hà Nội đã xảy ra 2 ổ dịch. Cảnh báo tới đây một số bệnh mới xuất hiện như cúm lợn, liên cầu khẩu.

Để phòng dịch bệnh, chăm sóc đàn vật nuôi đặc biệt là trong mùa mưa bão, người chăn nuôi cần áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Với đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước, Hà Nội tập trung cao độ cho phòng chống dịch bệnh nói chung và trong mùa mưa bão nói riêng. Theo đó, Hà Nội chủ động tiêm phòng vaccine, chỉ đạo quan tâm thanh tra, kiểm tra xuất nhập đàn gia cầm.

Từ việc 229 con lợn bị sét đánh chết, chuyên gia khuyến cáo gì để bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa mưa bão? - Ảnh 3.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, để hạn chế thiệt hại đối với đàn vật nuôi trong mùa mưa bão, bà con nông dân cần gia cố chuồng trại, chuẩn bị đầy đủ thức ăn...Ảnh: Trần Quang

Tại buổi tọa đàm, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, mưa bão là yếu tố bất lợi, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe gia súc và gia cầm, đồng thời tạo cơ hội phát tán mầm bệnh.

Để phòng chống dịch bệnh cho gia súc và gia cầm trong mùa mưa bão, bà Hạnh cho rằng, bà con nông dân cần thực hiện tốt một số công việc như gia cố chuồng nuôi chắc chắn để tránh gió, bão làm đổ và gây tốc mái, đổ chuồng. Che chắn chuồng nuôi nhằm tránh mưa tạt, gió lùa và dột ướt. Với những nơi chuồng nuôi có khả năng bị ngập úng kéo dài cần chủ động tìm nơi cao ráo để đưa vật nuôi lên cao.

Kiểm tra hệ thống thoát nước chung của cả khu vực, đặc biệt phải củng cố hệ thống thoát nước thải và nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm khi mưa to hoặc ngập lụt; Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi để tăng sức khỏe, giúp chúng có đủ khả năng chống lại các tác động bất lợi từ môi trường. Đặc biệt, bà con nên cung cấp nguồn thức ăn tinh để gia súc tăng khả năng chống chọi với điều kiện thời tiết bất lợi.

Chú trọng bảo quản thức ăn tinh tránh bị ẩm ướt. Vì mùa mưa bão là điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển. Trước khi cho vật nuôi ăn, bà con chú ý kiểm tra kỹ mùi vị, chất lượng thức ăn. 

"Khi mưa bão, cây cỏ dễ bị ngập, đổ và chết. Vì vậy, bà con cần chủ động dự trữ nguồn thức ăn xanh bằng cách phơi khô, ủ chua cỏ hoặc thân cây bắp để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa mưa bão", bà Hạnh nói.

Ngoài ra, người chăn nuôi cần định kỳ vệ sinh, sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng trại để diệt mầm bệnh. Chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho vật nuôi trước mùa mưa bão.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem