Từ vụ cô dâu bóc phốt thợ ảnh, nhiếp ảnh gia chia sẻ kinh nghiệm làm nghề chụp ảnh
Từ vụ cô dâu bóc phốt thợ ảnh, nhiếp ảnh gia chia sẻ kinh nghiệm làm nghề chụp ảnh
Nhật Hà
Thứ tư, ngày 25/09/2024 07:30 AM (GMT+7)
Chụp ảnh để lưu giữ kỷ niệm là một cách tuyệt vời để ghi lại những khoảnh khắc quý giá trong cuộc sống. Những bức ảnh không chỉ giúp ghi lại hình ảnh mà còn gợi nhớ cảm xúc, tâm trạng, là thanh xuân, là năm tháng không thể quay trở lại.
Mới đây, một cô dâu (ở Ninh Bình) bóc phốt thợ ảnh trên mạng xã hội bởi theo cô, thợ ảnh chụp xấu từ bố cục tới góc mặt khiến cô không chọn được kiểu ảnh nào. Sau bài phốt, anh Trần Gia (một nhiếp ảnh gia, ở Hà Nội) đã chia sẻ lại kinh nghiệm làm nghề cho các bạn vào nghề nhiếp ảnh và cả khách hàng dự định thuê thợ ảnh.
Theo anh Trần Gia, trước tiên khi chụp khách hàng, hãy luôn hỏi họ xem họ thích góc chụp nào nhất, góc nào xinh nhất. Hoặc bạn nên dành chút thời gian, xem ảnh trước ảnh của khách để tìm ra góc đẹp nhất. Khi chụp, cứ góc xinh mà chụp, và sau đó quan sát, tìm thêm những góc đẹp khác để làm phong phú bộ ảnh.
Nếu khách hàng nói: "Em không biết góc nào đẹp, tùy anh/chị," thì tùy vào cách họ nói mà xử lý cho khéo. Khách nói nhẹ nhàng thì không sao, cứ chụp thử vài kiểu trước, sau đó cho họ xem ảnh và hỏi thêm ý kiến của họ, rồi cùng nhau thống nhất.
Nhưng nếu khách nói với thái độ căng thẳng; kiểu như "Anh là nhiếp ảnh, anh là thợ... anh phải biết" thì bạn phải hết sức lưu ý. Ca này khó đấy, không ai có thể ngay lập tức biết góc nào là đẹp nhất cho người khác mà không qua thử nghiệm. Phải chụp nhiều mới có thể tìm ra được. Nên cố gắng bình tĩnh mà giải thích, không thì thôi đóng máy đi về.
Kinh nghiệm tiếp theo đó là hạn chế chụp từ góc dưới lên, nhất là khi đứng quá gần. Góc này thường khiến cằm của các bạn nữ trở nên vuông và thô hơn, trông không được tinh tế.
Kinh nghiệm thứ 3 là các góc thẳng mặt và đánh cả đèn flash cần hết sức chú ý; vì có thể làm cho mặt của chị em sẽ to hơn bình thường và bị bẹt vì do flash đánh thẳng không có khối.
Kinh nghiệm thứ 4 là sau buổi chụp, thợ ảnh cần xem xét kỹ lưỡng và loại bỏ những bức ảnh mà khách hàng nhắm mắt hoặc biểu cảm không tốt. Đối với ảnh bị cháy sáng, hãy chỉnh sửa cẩn thận trước khi gửi cho khách. Nếu không, khách dễ dàng đánh giá cả bộ ảnh chỉ dựa vào vài tấm đầu tiên mà họ không hài lòng.
Bố cục và thẩm mỹ là kinh nghiệm thứ 5, đó là kỹ năng mà bạn cần học hỏi. Không phải chỉ cần có máy ảnh là có thể làm nghề. Để có những bức ảnh thực sự đẹp, cần phải trau dồi khá là nhiều đó. Sai lầm của rất nhiều người có ý định làm nghề là cứ nghĩ mua 1 cái máy rồi tự học, tự tìm hiểu là được.
Kinh nghiệm thứ 6 là nếu khách hàng liên tục yêu cầu bạn chụp ở những góc họ chọn, phải hết sức thận trọng. Trong tình huống này, bạn có thể nhẹ nhàng giải thích rằng: "Góc này không đẹp lắm đâu." Nếu khách vẫn khăng khăng, hãy chụp theo ý họ, nhưng nhớ nhắc nhở rằng, ảnh có thể xấu và do họ yêu cầu.
Nhiều khách hàng thích đưa ra ý muốn riêng của họ, điều này cũng đúng thôi vì họ trả tiền mà. Nhưng đôi khi họ thường không hiểu rằng một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sẽ biết góc nào nên chụp và góc nào không. Nhiếp ảnh gia tốt sẽ luôn tham khảo ý kiến khách hàng, nhưng cứ chạy theo ý của khách hàng muốn, thì xác định luôn là bạn không có giá trị thể hiện sự khác biệt của bạn.
"Tôi có những khách hàng đứng cạnh thùng rác họ cũng muốn chụp vì thấy... đẹp, trong trường hợp này thì thôi cũng xin phép đóng máy đi về", anh Trần Gia tâm sự.
Kinh nghiệm cuối cùng, đối với những khách hàng lần đầu chụp hình, hoặc thường xuyên dùng app trên điện thoại để chỉnh sửa bóp mặt, bóp mũi, và muốn ảnh chụp bằng máy ảnh có thể giống hệt ảnh qua app… thì đây đúng là một ca "khó nhằn"!
Hy vọng 7 kinh nghiệm được chia sẻ trên đây sẽ giúp những ai đang hoặc dự định làm nghề có thêm kinh nghiệm và tự tin hơn trong công việc!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.