Từ vụ "đại án" AIC: Đi nước ngoài trước khi bị khởi tố có được xem là bỏ trốn?

Quang Trung Thứ năm, ngày 26/10/2023 11:16 AM (GMT+7)
Từ phiên tòa xét xử vụ án sai phạm đấu thầu tại Dự án Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh, có liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch AIC, bạn đọc đặt câu hỏi, đi nước ngoài trước khi bị khởi tố có được xem là bỏ trốn?
Bình luận 0

Luật sư cho rằng bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn không thuộc trường hợp bỏ trốn

Tại ngày làm việc thứ 3 của phiên tòa xét xử vụ án sai phạm đấu thầu tại Dự án Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ninh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC), luật sư Vũ Gia Trưởng - Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bày tỏ không đồng tình với một số nội dung trong bản cáo trạng.

Từ vụ "đại án" AIC: Đi nước ngoài trước khi bị khởi tố có được xem là bỏ trốn? - Ảnh 1.

Về quan điểm luật sư cho rằng bà Nhàn ra nước ngoài trước thời điểm bị khởi tố, đại diện VKS cho rằng, luật không quy định thời gian bỏ trốn trước hay sau khi bị khởi tố, đều xác định chung là bỏ trốn. Ảnh: AIC

Cáo trạng có nêu, hiện nay bị cáo Nhàn bỏ trốn ra nước ngoài, cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã đặc biệt nhưng không có kết quả.

Theo ông Trưởng, bị cáo Nhàn không thuộc trường hợp bỏ trốn vì thời điểm bà Nhàn xuất cảnh đi nước ngoài chưa có quyết định khởi tố.

"Nếu bị cáo Nhàn thuộc trường hợp không biết rõ ở đâu, theo quy định pháp luật thì cơ quan điều tra phải tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án hoặc tách vụ án đối với bị cáo Nhàn", luật sư Trưởng nêu quan điểm.

Đối đáp với quan điểm bào chữa của luật sư Trưởng, đại diện VKS cho biết, theo quy định pháp luật, cơ quan điều tra có thể ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, với lý do không biết bị can ở đâu.

Trường hợp trên chỉ áp dụng đối với các bị can, bị cáo bỏ trốn mà không liên quan đến các bị can, bị cáo khác.

Tuy nhiên, trong vụ án này, cơ quan điều tra đủ căn cứ xác định các bị can, bị cáo bỏ trốn đều liên quan đến các bị can khác trong vụ án, nên không tạm đình chỉ điều tra vụ án là đúng quy định của pháp luật.

Từ căn cứ pháp luật trên, VKS cũng không ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can bỏ trốn.

Về quan điểm luật sư cho rằng bà Nhàn ra nước ngoài trước thời điểm bị khởi tố, đại diện VKS cho rằng, luật không quy định thời gian bỏ trốn trước hay sau khi bị khởi tố, đều xác định chung là bỏ trốn.

Khi nào được xác định là bỏ trốn?

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, đi nước ngoài trước khi bị khởi tố có được xem là bỏ trốn?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật Việt Nam quy định quyền tự do cư trú của mọi công dân, công dân có quyền lựa chọn cho mình nơi cư trú, có quyền đi lại trong nước và ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về cư trú và Luật xuất, nhập cảnh.

Quyền tự do đi lại, cư trú của công dân chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp pháp luật có quy định và phải theo các quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ như trong trường hợp công dân đã có quyết định bị hạn chế xuất cảnh hoặc bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Vì vậy, khi công dân chưa có các văn bản quyết định hạn chế của cơ quan có thẩm quyền, họ có thể được thực hiện các quyền tự do của mình trong đó có tự do đi lại, tự do cư trú.

Tuy nhiên, theo ông Cường, nếu khi công dân đang học tập, làm việc, du lịch, công tác, chữa bệnh... ở nước ngoài mà bị cơ quan tố tụng trong nước truy cứu trách nhiệm hình sự, biết được thông tin mình bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị can đó có trách nhiệm phải về nước làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ cho công tác điều tra.

"Trường hợp công dân ra nước ngoài tự do chưa bị hạn chế đi lại, cư trú, chưa bị xử lý hình sự nhưng sau đó đã biết mình bị khởi tố, bị điều tra, biết mình bị cơ quan điều tra triệu tập nhưng cố tình không về nước để làm việc thì việc truy nã là có cơ sở. Thời điểm biết được mình bị triệu tập mà vẫn không về nước, có thể được xác định đó là bỏ trốn" – ông Cường nói.

Vị chuyên gia nói thêm, bỏ trốn khác với đi khỏi nơi cư trú là có động cơ mục đích, có ý chí, chủ động đi khỏi nơi cư trú nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý.

Còn đi khỏi nơi cư trú là khái niệm có nội hàm rộng hơn, không phải mọi trường hợp đi khỏi nơi cư trú cũng là bỏ trốn, chỉ trường hợp nào đi khỏi nơi cư trú có động cơ mục đích, nhằm trốn tránh trách nhiệm khi đã biết được trách nhiệm của mình mới là bỏ trốn.

Pháp luật quy định truy nã đối với bị can không chỉ áp dụng đối với bị can bỏ trốn mà còn áp dụng cả với trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không triệu tập được bị can mà không biết lý do sẽ vẫn có thể truy nã.

Như vậy, nếu cơ quan điều tra không biết bị can đang ở đâu sau khi đã có quyết định khởi tố bị can cũng có quyền truy nã chứ không nhất thiết phải có căn cứ cho thấy bị can bỏ trốn.

Đối với những người đi nước ngoài hợp pháp để du lịch, công tác, chữa bệnh hoặc vì lý do cá nhân khác mà bị cơ quan tố tụng trong nước khởi tố bị can, vẫn có thể bị truy nã theo thủ tục thông thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem