Vụ mất nước sạch tại khu đô thị Thanh Hà: Ai phải chịu trách nhiệm?
Vụ mất nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà: Người dân hoàn toàn có thể khởi kiện
Quang Trung
Thứ tư, ngày 25/10/2023 10:27 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia pháp lý, khi xảy ra tình trạng mất nước hoặc nước không đảm bảo chất lượng, trách nhiệm không chỉ thuộc về đơn vị cung cấp mà chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm xác minh làm rõ nguyên nhân và có hướng xử lý.
Người dân Khu đô thị Thanh Hà có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường
Liên quan đến tình hình nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai (Hà Nội), trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết: Việc cung cấp nước sạch giữa doanh nghiệp với các hộ dân được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dịch vụ cung cấp nước sạch.
Theo đó, đây là hợp đồng song vụ, có sự thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Nếu một bên vi phạm nghĩa vụ, gây thiệt hại cho bên kia, bên bị thiệt hại có quyền chấm dứt hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Hợp đồng cung cấp dịch vụ nước sạch không chỉ là hợp đồng thông thường mà còn liên quan đến vấn đề an sinh xã hội. Bởi vậy, việc tổ chức thực hiện hợp đồng này không chỉ có hai bên là bên cung cấp nước và bên sử dụng nước mà còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo sức khỏe, đời sống của nhân dân.
Khi xảy ra tình trạng mất nước hoặc nước không đảm bảo chất lượng, trách nhiệm không chỉ thuộc về đơn vị cung cấp mà chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm xác minh làm rõ nguyên nhân và có hướng xử lý, phối hợp với đơn vị cung cấp nước sạch để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Ông Cường cho rằng, theo phản ánh của các hộ dân, khu vực này không chỉ mất nước mà còn phải sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh an toàn, nhiễm khuẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ chất lượng nguồn nước, làm rõ nguyên nhân của việc nước có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn, nhiễm khuẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Trong trường hợp có kết luận của cơ quan chức năng cho thấy nguồn nước không đảm bảo vệ sinh an toàn, có nhiễm khuẩn, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, đơn vị cung cấp nước sạch này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nếu gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã xảy ra đối với các hộ dân.
Thiệt hại ở đây có thể là chi phí khám chữa bệnh, chi phí điều trị, chi phí để mua nguồn nước sạch thay thế và các chi phí khác phát sinh do chất lượng nguồn nước không đảm bảo gây ra...
Ngoài ra, sự gián đoạn trong việc cung cấp nước cũng gây ra xáo trộn đời sống, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của nhiều người dân. Vì vậy, các hộ dân cũng có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp nước sạch bồi thường thiệt hại phát sinh khi không đảm bảo đủ nước để sinh hoạt trong quá trình thực hiện hợp đồng .
Theo vị chuyên gia, hai bên có thể thỏa thuận với nhau về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng cung cấp nước sạch hay chấm hợp đồng, đồng thời có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại. Trường hợp không thỏa thuận được, các hộ dân có quyền khởi kiện để được tòa án giải quyết theo thủ tục Tố tụng dân sự.
Chính quyền địa phương cũng cần có trách nhiệm trong việc lựa chọn đơn vị cung cấp nước sạch. Trong trường hợp doanh nghiệp này không đảm bảo điều kiện, năng lực để cung cấp nước cho các hộ dân, có thể lựa chọn đơn vị thay thế. Đồng thời xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ việc này.
Hàng nghìn người dân Khu đô thị Thanh Hà viết đơn kêu cứu
Cũng liên quan đến vấn đề này, đêm ngày 23/10, theo ghi nhận của PV Dân Việt, hàng nghìn người dân Khu đô thị Thanh Hà đã đồng loạt ký tên vào đơn kêu cứu khẩn cấp gửi tới nhiều cơ quan ban ngành để phản ánh về những vi phạm của Công ty Cổ phần nước sạch Nam Hà Nội - Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà (Công ty Thanh Hà và Công ty Nam Hà Nội) liên quan đến quy chuẩn Bộ Y tế, chất lượng nước sinh hoạt tại đây thời gian qua.
Theo đơn kêu cứu, hai công ty cung cấp nước nêu trên được sự chấp thuận đồng ý của Chủ đầu tư Công ty cổ phần đầu tư phát triển địa ốc Cienco 5 để cùng đầu tư, sử dụng chung một cơ sở hạ tầng cấp nước cho cư dân trong Khu đô thị Thanh Hà.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua người dân đang được cung cấp nguồn nước không đảm bảo chất lượng, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của hàng nghìn người dân.
Cũng theo đơn kêu cứu, cho đến nay, các đơn vị cung cấp nước vẫn chưa có một phương án nào để giải quyết sự việc, chấm dứt việc cung cấp nước không đảm bảo chất lượng cho người dân. Cụ thể nguồn nước mà cư dân đang được cung cấp không đảm bảo quy chuẩn, chất lượng.
Trong quá trình sử dụng nước do Công ty Thanh Hà và Công ty Nam Hà Nội cung cấp, kể từ năm 2017 đến nay người dân luôn nhận thấy nguồn nước mà mình được cung cấp có những biểu hiện bất thường như nước đục, mùi hôi tanh, mùi clo nồng nặc, nghiêm trọng hơn, khi sử dụng gây ra sự ngứa ngáy khó chịu, bị tróc da như tiếp xúc với hóa chất.
Trong suốt gần 6 năm qua, cư dân tại Khu đô thị Thanh Hà đã phản ánh và đối thoại nhiều lần với các công ty nước nêu trên nhưng không nhận được sự thay đổi tích cực về chất lượng nước cung cấp.
Đỉnh điểm là ngày 05/10/2023 hàng loạt cư dân xuất hiện những dấu hiệu ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe như: nổi mẩn ngứa, phồng rộp da, cay mắt, cay mũi, chảy nước mắt nước mũi, rụng tóc, tức ngực, khó thở, viêm nhiễm phụ khoa, đau mắt, chóng mặt, buồn nôn,…khi sử dụng nguồn nước do các công ty trên cung cấp. Đối với vật nuôi, hàng loạt cá, rùa và các sinh vật sống trong nước bị chết…
Trước việc nghi ngờ nguồn nước sạch không đảm bảo, người dân đã lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả thử nghiệm mẫu nước từ Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) thể hiện, hàm lượng Amoni trong nước là 11,46 mg/lít, gấp 38,2 ngưỡng giới hạn cho phép; hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng cho phép hàng chục lần.
Sau đó, đồng loạt các hộ dân đã tiến hành xét nghiệm mẫu nước của gia đình mình thì kết quả cho thấy mẫu nước tại các tòa đều vượt quá các quy chuẩn cho phép.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.