Từ vụ F88: Lỗ hổng pháp lý trong hoạt động cầm đồ, cho vay tiêu dùng
Từ vụ F88: Lỗ hổng pháp lý trong hoạt động cầm đồ, cho vay tiêu dùng
Gia Bình
Thứ hai, ngày 13/03/2023 08:36 AM (GMT+7)
Chuyên gia so sánh, cùng cho vay nhưng ngân hàng chịu điều chỉnh bởi một loạt quy định pháp luật, trong khi đó các công ty tài chính tiêu dùng đang hoạt động tự do, theo đúng tinh thần “việc dân sự cốt ở đôi bên” nên dẫn tới nhiều hệ lụy.
Đầu năm 2022, anh Nguyễn Văn Cường (quê Ninh Bình) nghe tin bạn gái, cùng làm công nhân với mình ở Bắc Ninh bị tai nạn xe. Lương tháng chưa có lại xa nhà nên không nhờ được ai, anh tới cửa hàng F88 ở Bắc Ninh hỏi vay tiền bằng cách "cắm" giấy tờ xe.
Trước đó anh đã nhận quảng cáo "vừa có tiền vừa có xe đi" và thực tế, chỉ cần để lại giấy tờ, cung cấp số chứng minh của mình, số điện thoại của người thân là anh được duyệt khoản vay 10 triệu đồng.
Bên cho vay cũng cấp một giấy biên lai nhận đăng ký xe, để anh Cường có thể "trình" CSGT khi cần. "Thủ tục nhanh, không cần thẩm định nhưng lãi cao", anh cho hay phải gom tiền, trả gần 16 triệu đồng sau 3 tháng.
Cảnh sát khám xét địa điểm của Công ty F88 tại TP.HCM.
Nhu cầu vay tiền "nhanh gọn" như anh Cường nói trên đang rất phổ biến. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2010 – 2020, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế.
Số liệu của năm 2022, dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 2,42 triệu tỷ đồng, chiếm gần 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 145 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước từng đánh giá, với 60% người dân có thu nhập thấp và trung bình, nhu cầu vay tiêu dùng ở Việt Nam còn rất lớn.
Ngược lại, lĩnh vực cho vay tiêu dùng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự, như việc một số cửa hàng của F88 bị khám xét tuần trước. Hoặc vụ Công ty Luật Pháp Việt "đòi nợ thuê" cho một số ngân hàng thể hiện, người vay sẽ bị "khủng bố" khi chưa hoặc không trả được tiền.
Luật sư Nguyễn Thị Thúy, Công ty Luật Hoàng Thái nhận định, bản chất vấn đề nằm ở chỗ chưa có quy định cụ thể nào điều chỉnh hoạt động cho vay theo hình thức cầm đồ, "cắm" giấy phép lái xe hoặc tín chấp qua các App…
Nữ luật sư phân tích: "Luật dân sự quy định lãi cao nhất là 20% nhưng không có quy định về các loại phí liên quan như quản lý tài sản, thẩm định hồ sơ, phạt hợp đồng… khiến lãi thực tế cao hơn nhiều. Cần có quy định về không cho phép hoặc nếu cho phép, mức thu các loại phí này là bao nhiêu".
Nhu cầu của người dân là cao và các ngân hàng không đáp ứng được loại hình cho vay tiêu dùng nhanh, trừ những người có thu nhập trung bình trở lên được dùng thẻ tín dụng với hình thức tiêu trước trả sau. "Cơ quan quản lý cần xây dựng quy định cụ thể điều chỉnh loại hình tài chính tiêu dùng, sao cho dịch vụ này đáp ứng nhu cầu người dân và không gây hậu quả như việc đòi nợ kiểu khủng bố", luật sư Thúy nói.
Chung quan điểm, luật sư Bùi Phan Anh, Công ty Luật VNA, so sánh, cùng cho vay nhưng các ngân hàng hoạt động dưới sự điều chỉnh của một loạt luật, thông tư, nghị định… còn các tổ chức cầm đồ, tín chấp, cho vay tiêu dùng gần như chưa có quy định điều chỉnh hoặc có cũng chỉ "chung chung". Giữa các tổ chức này và người vay gần như giao kèo với nhau theo hình thức "việc dân sự cốt ở đôi bên".
"Nhu cầu vay nhanh gọn, không cần thẩm định năng lực là phổ biến nhưng khuôn khổ pháp lý vẫn chưa đầy đủ dẫn tới nhiều hệ lụy không mong muốn. Như công an đã triệu tập 2 thanh niên ở Bắc Giang do bị đòi nợ nhiều nên chuyển các cuộc gọi đe dọa tới đường dây nóng của Bộ Công an", luật sư lấy ví dụ.
Luật sư Phan Anh nói thêm, từng tư vấn cho người vay tiền qua App tài chính trên điện thoại rồi người này và gia đình, đồng nghiệp bị "khủng bố cuội gọi" dù đã trả hết nợ.
Thủ tục vay qua App rất "nhanh gọn", chỉ cần cài đặt, tải lên giấy tờ tùy thân và cho phép App truy cập danh bạ. Sau đó, người của "công ty tài chính" sẽ gọi lại người vay, xác nhận thông tin là khoản vay được duyệt.
"Người vay và công ty cho vay thỏa thuận với nhau để chia sẻ danh bạ là sai. Do vậy, cần có quy định hạn chế việc này, ví dụ người vay chỉ cần cung cấp số điện thoại 3 người thân nếu họ đồng ý", luật sư nói, thêm rằng đây chỉ là một trong số rất nhiều vấn đề cần điều chỉnh liên quan hoạt động cầm đồ, cho vay dưới chuẩn ngân hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.