Từ vụ hiệu trưởng trường cấp 2 tử vong: Cần làm ngay điều này khi bị ong đốt
Từ vụ hiệu trưởng trường cấp 2 tử vong: Cần làm ngay điều này khi bị ong đốt
Gia Khiêm
Thứ tư, ngày 16/10/2024 14:39 PM (GMT+7)
Từ vụ việc hiệu trưởng trường THCS Đoàn Thị Nghiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) bị ong đốt tử vong, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã lên tiếng cảnh báo mọi người cách xử lý khi gặp trường hợp tương tự.
Mới đây, ông L.H.P, hiệu trưởng trường THCS Đoàn Thị Nghiệp, thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang bất ngờ tử vong sau khi bị ong đốt.
Cụ thể, sáng 11/10, ông P. chạy xe máy từ nhà đến trường thì bất ngờ bị một con ong bám vào người, sau đó đốt một mũi vào cổ. Khi đến trường, ông P. phát hiện trên người bị dị ứng, rất khó chịu và được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện đa khoa khu vực Cai Lậy nhưng đã tử vong.
Theo người thân của ông P., ông đã nhiều lần bị ong đốt, sau mỗi lần đều có dị ứng phải uống thuốc điều trị vài ngày. Nhiều người cho rằng người nhà và bản thân người đàn ông này đã quá chủ quan, chính vì vậy đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 16/10, trao đổi với PV Dân Việt, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, ong thường chứa chất độc, một số loài chứa độc tố nguy hiểm. Vì vậy việc phản ứng nhanh sau khi bị ong đốt là rất quan trọng.
Theo ông Nguyên, có 2 trường hợp bệnh nhân nên đến cơ sở y tế gần nhất sau khi bị ong đốt đó là bị ong đốt từ 10 nốt trở lên. Thứ 2, bị ong đốt vào vùng nguy hiểm như đầu, mặt cổ, mạch máu (dù chỉ 1 vài nốt). Qua giải phẫu tử thi ông P., cơ quan pháp ý đã phát hiện một cây kim của con ong đốt bỏ lại trên cổ nạn nhân (chưa rõ loại ong gì).
Bác sĩ Nguyên cũng nhấn mạnh, bệnh nhân bị ong đốt từ 10 nốt trở lên là có nguy cơ nhiễm độc nặng. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp có loài chứa độc tố nguy hiểm thì chỉ cần đốt một vài nốt đã khiến bệnh nhân nhiễm độc nặng…
"Còn tại các vị trí đốt nguy hiểm như vùng đầu, mặt, cổ, mạch máu dễ khiến bệnh nhân bị sưng nề, co thắt đường thở, nếu không được xử lý kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng", ông Nguyên nêu.
TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên cũng cho biết, ngoài 2 trường hợp nêu trên thì đối với bệnh nhân có tiền sử dị ứng cũng cần lưu ý khi bị ong đốt. Với những trường hợp bệnh nhân này, dù chỉ bị ong đốt 1 nốt cũng có thể tiến triển rất nặng. Bệnh nhân có thể gặp phản vệ sau khi bị ong đốt như sốc, tụt huyết áp, co thắt phế quản, phù nề đường hầu họng, chít hẹp, co thắt thanh môn… gây khó thở.
Những bệnh nhân đã từng bị ong đốt, có những biểu hiện tương tự thì không được phép do dự khi bị ong đốt ở lần tiếp theo. Nếu không nhanh chóng đến cơ sở y tế rất có thể sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng như suy thận, thậm chí tử vong.
Giám đốc Trung tâm chống độc cũng nhấn mạnh, sau khi bị ong đốt, bệnh nhân cảm thấy cơ thể có biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu thì phải đến cơ sở y tế ngay để được bác sĩ kiểm tra và đánh giá. Việc thực hiện các biện pháp điều trị khẩn cấp cho bệnh nhân ở tuyến đầu là rất quan trọng và cần thiết.
"Bệnh nhân cần được truyền đủ dịch, đi tiểu được nhiều để thải trừ chất độc từ nọc ong ra khỏi cơ thể. Điều trị tốt ở giai đoạn đầu, sẽ giúp phòng ngừa các biến chứng nặng, nếu không bệnh nhân có thể bị suy thận, thậm chí tử vong", ông Nguyên phân tích thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.