Từ vụ ngư dân bị bắn chết: Đừng để cột mốc trên biển lung lay!

Đình Thiên Thứ năm, ngày 03/12/2015 06:51 AM (GMT+7)
Vụ việc ngư dân Trương Đình Bảy (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị bắn chết khi đang tham gia đánh bắt trên biển Trường Sa khiến cho không ít ngư dân lo lắng. Để ngư dân an tâm bám biển, để họ là những cột mốc di động bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, rất cần cơ quan chức năng có các giải pháp quyết liệt hơn để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho họ.
Bình luận 0

Cần bảo vệ ngư dân hiệu quả hơn

Đầy ý chí, đầy quyết tâm bám biển, nhưng ngư dân Lê Văn Chiến (Đà Nẵng) cũng không khỏi lo lắng khi trao đổi với PV NTNN về vụ ngư dân Trương Đình Bảy: “Lâu nay chuyện ngư dân bị ức hiếp trên biển vẫn xảy ra thường xuyên. Nhưng đến mức bị bắn chết thế này thì đúng là ngoài sức tưởng tượng. Việc này không khỏi khiến cho chúng tôi lo sợ.”

img

Ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt cá trên vùng biển Trường Sa. Ảnh: Minh thu 

Thuyền trưởng tàu dịch vụ hậu cần trên biển Lê Văn Sang cũng tâm sự: Hiện trên biển, chúng tôi được bảo vệ bởi Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư cùng các lực lượng khác. Nhưng với sự việc xảy ra vừa rồi, ngư dân chúng tôi vẫn thấy chưa thực sự  an tâm, và cần cơ quan chức năng phải chủ động đẩy mạnh việc thực thi pháp luật trên biển hơn nữa. Các lực lượng chấp pháp Việt Nam cần phải có giải pháp hiệu quả hơn để bảo vệ ngư dân ngoài khơi”.

Ông Bùi Tấn Nguyên- Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (thuộc Cục Hàng hải, Bộ GTVT đóng tại Đà Nẵng) cho rằng, việc ngư dân Bảy bị bắn chết với bất kỳ lý do nào đều là vô nhân đạo. Từ sau sự việc này, trước hết ngư dân cần tăng cường cảnh giác hơn khi ra biển, nhất thiết đi theo các tổ đội để có thể hỗ trợ nhau khi gặp các cuộc tấn công. Các tàu cũng nên thông tin mật thiết với các lực lượng thực thi trên biển để cầu cứu khi gặp tai nạn xảy ra”.

Đại tá Lê Tiến Hưng- Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, sau sự việc ngư dân của ta bị bắn chết trên biển, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng tăng cường động viên bà con ngư dân không nên hoang mang và phải bình tĩnh, tiếp tục bám biển để làm kinh tế, kết hợp bảo vệ chủ quyền. “Làm gì thì làm, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở ngư dân mình phải liên lạc liên tục với cơ quan chức năng. Qua đó chúng tôi mới biết vị trí, tình hình của ngư dân khi đánh bắt trên biển, để có những ứng cứu cần thiết khi xảy ra tai nạn” - Đại tá Hưng nói.

Ngư dân phải phản ứng nhanh hơn

Ông Bùi Thanh Hòa, cán bộ Chi đội Kiểm ngư 3 (đóng tại Đà Nẵng) cho biết: “ Chi đội 3 chúng tôi thực thi nhiệm vụ cấp trên giao trên vùng biển từ Quảng Bình đến Phú Yên. Chúng tôi đảm bảo trên vùng biển này luôn có tàu chấp pháp của ta thường xuyên có mặt để thực thi pháp luật và hỗ trợ ngư dân.  Lực lượng Kiểm ngư đã khuyến cáo cho ngư dân miền Trung biết những vùng biển dễ xảy ra va chạm với ngư dân nước ngoài để đề phòng và hạn chế đến”.

Ông Hòa khuyến cáo, để có thể tự ứng cứu khi gặp sự cố trên biển,  trước khi ra biển như dân cần thông báo và làm thủ tục đầy đủ để khẳng định việc mình đi đánh bắt thủy sản là hợp pháp. Đặc biệt khi gặp sự cố phải phản ứng nhanh, thông báo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền.

Theo ông Hòa, hiện nay,  ngư dân đánh bắt trên biển hiện đều có kênh thông tin liên lạc với đất liền và các cơ quan chức năng thực thi trên biển. “Nếu gặp sự cố, đầu tiên nên báo cho Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh. Trong trường hợp khẩn cấp, ngư dân nên gọi về cho lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển, đơn vị tìm kiếm cứu nạn, Biên phòng. Số điện thoại của những lực lượng này ngư dân đều đã được thông tin cụ thể” - ông Hòa nói.

Chia sẻ thêm về góc độ pháp lý liên quan đến việc ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết, luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng) cho rằng:  “Cần thu thập lời khai của nhân chứng trên tàu, vật chứng là vỏ đạn và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia lân cận phối hợp để làm rõ thủ phạm, và xử lý nghiêm minh. Khi đó ngư dân mới đủ niềm tin để có thể hành nghề, mưu sinh trên biển của mình”.

“Đã có nhiều vụ ngư dân bị chèn ép, hành hung, đâm chìm, bắn phá khi đang hành nghề trên biển nhưng phần lớn ngư dân tự chịu. Việc đòi công lý, đòi quyền lợi, đều đơn phương làm, chưa có nhiều kết quả. Như vụ tàu cá ĐNa - 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào tháng 5.2014. Chúng ta cần đưa những vụ việc như thế này ra công lý ” - luật sư Lê Cao dẫn chứng. 

Ông Nguyễn Mạnh Đông (Ủy ban Ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao): Cấm bạo lực với ngư dân

Dưới góc độ luật pháp quốc tế, hành động sử dụng vũ khí chống lại ngư dân hoạt động bình thường trên biển là hành động bị lên án. Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhiều điều ước quốc tế khác đều có điều khoản liên quan đến việc cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Theo Luật Biển quốc tế, thông thường, khi có căn cứ xác định tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển của quốc gia ven biển, các cơ quan chức năng có thẩm quyền và chỉ có các cơ quan chức năng, có thẩm quyền của quốc gia ven biển mới có quyền tiến hành các biện pháp cần thiết, kể cả kiểm tra, khám xét, bắt giữ, truy tố… hoặc buộc phương tiện vi phạm rời khỏi vùng biển của quốc gia ven biển. Đồng thời, Công ước Luật Biển 1982 còn quy định rõ “Các chế tài do quốc gia ven biển trù định đối với những vụ vi phạm các luật và các quy định về mặt đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế không bao gồm hình phạt tống giam, trừ khi các quốc gia hữu quan có thỏa thuận khác, và không bao gồm một hình phạt thân thể nào” (Điều 73).

Điều này khẳng định, trong mọi trường hợp,  ngư dân đều  phải được đối xử một cách nhân đạo, không là nạn nhân của việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đặc biệt là vũ khí.

Lê Chiên (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem