Từ vụ tạp vụ bị Phó GĐ Sở choàng tay qua bụng: Quấy rối tình dục?

Chủ nhật, ngày 21/08/2016 14:04 PM (GMT+7)
Sau khi có việc nữ nhân viên tạp vụ của một đơn vị ở tỉnh Cà Mau tung clip tố cáo bị “sếp” quấy rối tình dục, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến về tòa soạn, phân tích ở các góc độ khác nhau.
Bình luận 0

Lâu nay, tình dục vẫn là vấn đề tế nhị nên ít người dám thẳng thắn đề cập. Thậm chí, có phụ nữ bị quấy rối tình dục (QRTD) ngay tại công sở mà vẫn không dám lên tiếng. Với cách nghĩ như vậy đã làm cho thủ phạm QRTD cứ nhởn nhơ.

Không chỉ là sờ mó, vuốt ve...

QRTD nơi công sở không còn xa lạ. Ở môi trường công sở, việc tiếp xúc gần gũi và thân thiện dễ làm cho hành vi QRTD xuất hiện. Công bằng mà nói, có trường hợp là trong sự vô tình nên người ta hiểu nhầm là khiêu khích, cũng có thể là do người quản lý (sếp) cố tình QRTD và cho phép mình được làm điều đó vì nghĩ chắc không sao đâu.

img

Hình ảnh cắt từ clip được nữ nhân viên tạp vụ tung lên mạngẢnh: Hoàng Triều

Hành vi QRTD ở công sở không đơn thuần là kiểu hành vi sờ mó hay đụng chạm trực tiếp. QRTD bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục, những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục. Khi hành vi này được đề cập nghĩa là nhu cầu tình dục hay biểu hiện QRTD xuất hiện.

Ngoài ra, QRTD bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được như mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay... Hình thức này bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục. Người bị QRTD hoàn toàn cần nhận ra mình đang bị quấy rối chứ không hẳn là sự vô tình.

Vụ một nữ nhân viên tạp vụ ở Cà Mau quay clip tố cáo bị một lãnh đạo thường xuyên QRTD mà dư luận đang quan tâm, cần đánh giá nhiều chiều, cần suy ngẫm, khoan vội kết luận là sự việc ở mức nào vì nhiều lẽ. Thứ nhất, người quản lý hay đồng nghiệp cần nhìn lại chính mình để có cách cư xử sao cho chừng mực. Thứ hai, người đang bị quấy rối cần xem xét vấn đề để nhận dạng hành vi quấy rối của đồng nghiệp hay người khác nơi công sở. Trên cơ sở đó để biết cách bảo vệ chính mình.

Có thể nói, việc một người lên tiếng rằng mình đang bị QRTD sẽ chẳng làm cho người trong cuộc hay người xung quanh vui. Nhưng sâu xa bên trong, đó là hành vi tranh đấu, là hành vi tự bảo vệ mình của người lao động, là hành vi tranh chấp khi mình đang bị đẩy vào thế khó xử...

Bạo lực tình dục và cả QRTD rất phức tạp. Ở công sở, biểu hiện của những hành vi này hiện diện với rất nhiều màu sắc. Bộ quy tắc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng QRTD có thể bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm. Với những biểu hiện dễ thấy và có bằng chứng, hành vi ấy hoàn toàn có thể bị xử phạt.

Về xử lý vi phạm hành chính, người QRTD thực hiện những hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình...

Hành vi QRTD nơi công sở cần được nhìn nhận và xem xét từ góc nhìn của hành vi lệch chuẩn. Đó là hành vi khó chấp nhận từ những biểu hiện thiếu văn minh của con người với con người.

Đừng biến thành cái bẫy

Hành vi QRTD nơi công sở gần đây xảy ra khá nhiều. Vấn đề là người trong cuộc có nghiêm túc và đấu tranh hết lòng hay không. Việc tự bảo vệ chính mình, việc lên tiếng đấu tranh là rất cần thiết. Ở góc độ văn minh, đó là hành vi có văn hóa để bảo vệ chính mình và còn là hành vi bảo đảm sự công bằng trong quan hệ công sở, là hành vi tích cực để xây dựng công sở có văn hóa.

Chuyện nữ nhân viên tạp vụ tố cáo “sếp” QRTD mà dư luận đang quan tâm có thể chưa phải vụ điển hình nhưng chắc chắn từ vụ này, những nữ nhân viên khác cần xem lại chính mình, nghĩ về cách bảo vệ mình. Cách thức bảo vệ bản thân bằng những hành động nghiêm túc và chính đáng thiết nghĩ cần được nhân rộng nhưng đừng biến nó thành cái bẫy. Đồng nghiệp cũng cần hiểu về sự chuẩn mực trong ứng xử để biết thiết lập mối quan hệ nhân văn, có văn hóa ở môi trường công sở, trong thời hiện đại ngày nay.

Để biết bệnh, cần giám định

Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM, một số lệch lạc tình dục được tâm thần học đề cập đến, ví dụ như các rối loạn trong sở thích tình dục.

Rối loạn trong sở thích tình dục bao gồm: loạn dục đồ vật, loạn dục phô trương, loạn dục nhìn trộm, loạn dục gây đau chủ động và bị động… Một số rối loạn trong số đó có thể dẫn đến hành vi gọi là quấy rối, ví dụ như người loạn dục phô trương thường tìm cách phô bày cơ thể, nhất là các bộ phận nhạy cảm; người bị loạn dục nhìn trộm sẽ tìm cách rình mò để xem người khác thực hiện hành vi tình dục, lại có người thích gọi điện thoại cho người khác và nói về các chủ đề nhạy cảm…

Hiện tượng QRTD còn có thể liên quan đến rối loạn thói quen và xung động, tương tự một người ăn cắp bệnh lý, thấy một chiếc điện thoại người khác để quên trên bàn là lấy, cho dù họ không dùng và cũng không cần tiền. Về mặt tâm thần, đó là một sự gia tăng hoạt động nhưng thường là có điều kiện, ví dụ người bị QRTD có một đặc điểm hay cử chỉ gì khiến họ cảm thấy bị thôi thúc.

Để xác định người thực hiện hành vi quấy rối có lệch lạc về tình dục không, nhất là trong tình huống xảy ra kiện cáo, cần có kết luận từ cơ quan có thẩm quyền giám định pháp y tâm thần.

Tại Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM từng có các ca trưng cầu giám định đối với người hay QRTD, nhiều trường hợp trong số đó cho kết quả hoàn toàn bình thường về mặt tâm thần và hành vi quấy rối ấy chỉ là vấn đề thuộc về đạo đức.

Kết quả giám định pháp y tâm thần chỉ đưa ra kết luận về khả năng điều khiển năng lực hành vi của người được giám định, còn việc xác định người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào phụ thuộc vào việc xét xử của cơ quan chức năng.

A.Thư

Luật sư Đặng Huỳnh Lộc, Đoàn Luật sư TP HCM: Cần xem xét nhiều khía cạnh

Tôi có xem clip được cho là của một nhân viên tạp vụ tố lãnh đạo QRTD. Theo tôi, để đánh giá thực chất vụ việc cần xem xét ở nhiều khía cạnh. Trước hết, bối cảnh clip là tại phòng khách, như cô này xác nhận với báo chí là chính cô đã đặt máy quay, vì cho là trước đó “sếp” đã nhiều lần sàm sỡ. Tuy nhiên, trong clip, khi cho là bị sàm sỡ thì cô này không có hành động phản ứng gì? Thứ hai, clip được quay từ vài tháng trước, khi cô này đang làm nhân viên tạp vụ của đơn vị và được tung ra sau khi đã nghỉ việc.

Tại thời điểm ghi hình, những hành vi được ghi nhận là hành động có ý thức hay chỉ là việc đùa giỡn giữa 2 người là điều cần được xem xét? Một vấn đề khác cũng cần được đặt ra: nếu cô này cho là bị “sếp” cố ý sàm sỡ, vì sao ngay sau khi quay xong clip và trước khi nghỉ việc không báo cáo sự việc với người có trách nhiệm khi đã có chứng cứ rõ ràng?

Vì sao sau khi nghỉ việc cô này tung clip ra đúng vào thời điểm đơn vị nơi cô ấy từng làm việc và những người có liên quan đang tiến hành củng cố nhân sự? Nếu có việc sàm sỡ xảy ra ngay tại phòng khách của đơn vị thì nhằm mục đích gì hay chỉ để đùa giỡn, dù hành vi này là không đúng mực.

Một khía cạnh khác cũng nên xem xét là “tính khí” của người Cà Mau vốn phóng khoáng. Với “tính khí” này, trong cuộc sống đời thường, nhiều người đã không cân, đong, đo, đếm về hành vi của họ khi bỡn cợt, đùa giỡn. Đó là chưa nói đến việc cô này đã “bẹo hình bẹo dạng” khi ghi hình. Như vậy, có cần thiết phải đánh giá hình ảnh được ghi trong clip là sự việc nghiêm trọng hay không?

Theo tôi, từ thời điểm ghi hình đến khi clip được tung ra là một khoảng thời gian khá dài, cho thấy ý chí của nữ nhân viên tạp vụ chưa thực sự khẳng định tính chất sự việc để kịp thời lên tiếng. Hơn nữa, hình ảnh trong clip cũng chưa nói lên được điều gì nếu không dùng đến suy luận và phỏng đoán. Như thế, chưa thể kết luận đây là hành vi sàm sỡ một cách cố ý hay chỉ là việc đùa cợt không đúng mực.

Luật sư Lê Minh Hải, Công ty Luật TNHH Đại Thành Chi nhánh Hà Tĩnh:

Chưa có chứng cứ chứng minh

Qua hình ảnh quay trong clip của nhân viên tạp vụ tố lãnh đạo QRTD chưa thể xác định được hành vi phạm tội vì chưa có chứng cứ chứng minh. Trong clip, tay của vị phó giám đốc sở bị che khuất nên chúng ta không thể khẳng định là tay ông ấy đang làm gì. Xét về hiện tượng là có nhưng xem clip và phân tích về lý thì do không thấy tay ông ấy ở đâu nên không thể kết luận được là ông ấy có hành vi sàm sỡ hay đã phạm tội hay chưa.

L.Duy - Đ.Ngọc ghi

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn (Người Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem