Từ vụ thanh niên bị tâm thần chém chết 4 người thân: Quản lý lỏng, hậu quả lớn

Diệu Linh Thứ ba, ngày 05/08/2014 08:15 AM (GMT+7)
Cả nước có từ 9-14 triệu người bị tâm thần và rối nhiễu tâm trí các thể. Thực tế đang có hơn 154.000 người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến cộng đồng đang đi lang thang hoặc bị nhốt, xích tại gia đình...
Bình luận 0

Đó là những con số rất đáng chú ý - cũng là những lời cảnh báo sau vụ án chấn động khi một thanh niên có tiền sử tâm thần chém chết cả 4 người ruột thịt trong gia đình mình tại huyện Thanh Hà (Hải Dương) ngày 3.8 vừa qua.

Giấu bệnh... chết người

Trao đổi với PV về vụ thảm sát kinh hoàng ở Hải Dương, ông La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, Trưởng ban điều hành dự án phòng chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng-bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em, cho biết, để có thể kết luận Phạm Duy Quý có bị tâm thần phân liệt hay không cần phải có giám định pháp y về tâm thần.

Theo lời cán bộ y tế xã Phượng Hoàng, sau khi xem xét các biểu hiện bệnh tâm thần của Quý, nhân viên y tế xã đã từng khuyên gia đình nên cho Quý đi điều trị. Tuy nhiên, gia đình muốn giấu mọi người, chỉ cho Quý uống thuốc tại nhà. “Nếu trì hoãn điều trị, giấu giếm điều trị không đúng phác đồ, không đủ thuốc thì nguy cơ tái phát bệnh rất cao và lần sau mức độ nguy hiểm lại càng cao hơn, có thể dẫn đến giết người, tự sát. Mà người dễ gặp nguy hiểm nhất là những người gần gũi như người thân, hàng xóm”- ông Cương nói.

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM nhận định: “Nếu người trong gia đình quan tâm thì không khó nhận biết các biểu hiện khác lạ của người tâm thần khi bệnh tái phát. Họ thường mất ngủ, ăn không ngon, có hành vi bất thường, nói lảm nhảm, hay kêu chán đời, buồn bực hoặc trầm cảm, trốn tránh người khác, ánh mắt lờ đờ hoặc giận dữ…”. Tuy nhiên, do cuộc sống bận rộn, ít người để ý các biểu hiện này, hoặc biết nhưng lờ đi.

Một thực tế nguy hiểm nữa, theo nhiều chuyên gia y tế, hiện chưa có văn bản nào quy định về việc “cưỡng chế” người tâm thần đi điều trị. Nếu cán bộ y tế có phát hiện người tâm thần có biểu hiện nguy hiểm thì chỉ vận động gia đình đưa đối tượng đi bệnh viện nhưng nếu gia đình không đồng ý thì cũng không ép được.

“Quản lý người tâm thần ở cộng đồng rất khó khăn. Người bệnh đã ổn định, trở về cộng đồng không được cộng đồng đón nhận, người nhà cũng nghi ngại, coi như là đồ bỏ đi, đồ ăn hại. Do đó, người tâm thần thường dễ bị buồn bực, kích động, giận dữ. Theo tôi, cần có chế tài cưỡng chế chữa bệnh tâm thần. Gia đình không thi hành là vi phạm, còn giấu bệnh của bệnh nhân thì phải chịu trách nhiệm về hành vi nguy hiểm sau này” – ông Cương cho biết.

Số liệu người tâm thần: Không thống nhất

Theo ông Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH), hiện nay, số người bị rối nhiễu tâm lý ở Việt Nam khá lớn, ước tính khoảng 10% dân số, tương đương với gần 9 triệu người, trong đó, người tâm thần nặng ước tính khoảng 2,5% số người rối nhiễu tâm lý, tương đương 200.000 người. “Số người tâm thần nặng cần phải chăm sóc rất lớn. Tuy nhiên, đến nay, cả nước mới có được 26 trung tâm, chăm nuôi cho 10.000 đối tượng, đáp ứng được 5% so với nhu cầu” – ông Đức nói. Ông Đức cũng cho biết, các trung tâm cũng chỉ là nơi nuôi dưỡng lâu dài, “nuôi dưỡng cho đến chết” chứ chưa đầu tư vào việc chia sẻ tâm lý, phục hồi chức năng cho người tâm thần...

Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ người Việt Nam bị mắc 10 loại rối loạn tâm thần thường gặp tương đương với 14,9% dân số (khoảng 13 triệu người). Tỷ lệ người bệnh tâm thần mãn tính đang được đặc biệt quan tâm chiếm 0,81% dân số (tương đương 730.000 người), trong đó tâm thần phân liệt chiếm 0,48% (430.000 người), động kinh chiếm 0,33% (290.000 người).

“Chỉ có 40% người bệnh tâm thần mãn tính được đặc biệt quan tâm, khỏi bệnh và ổn định tốt, còn có đến 60% người bệnh hay bị tái phát, sa sút” – bác sĩ Cương cho biết. Theo ông Cương, điều nguy hiểm là người dân và cộng đồng cùng sống chung với “nguy cơ” nhưng lại yếu về kiến thức phòng ngừa, giám sát, nhận biết các biểu hiện tái phát bệnh tâm thần.

 Ngày 4.8, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo xây dựng chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2015-2020 tầm nhìn 2030. Hội thảo cũng hướng tới việc xây dựng luật về sức khỏe tâm thần, nhằm tăng cường dịch vụ chăm sóc người tâm thần, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh tâm thần cũng như kỹ năng chăm sóc họ. Đồng thời, sẽ đưa việc “cưỡng chế” điều trị đối với người tâm thần nặng, tránh nguy hiểm cho cộng đồng.
     Số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần: Hơn 6.000 (thường xuyên quá tải). Hơn 10.000 đối tượng đang được chăm nuôi tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Tính tổng cộng thì chỉ có hơn 16.000 người bệnh tâm thần nặng đang được quản lý, điều trị (chưa được 2,2%). Như vậy, đang có khoảng 724.000 người tâm thần sống tại cộng đồng, trong đó có hơn 440.000 người có nguy cơ cao trong việc tái phát bệnh. 
Đối tượng giết 4 người thân đã chết 

Ngày 4.8, thông tin từ lãnh đạo Công an tỉnh Hải Dương cho biết, Phạm Duy Quý (ảnh, SN 1993, trú tại  thôn Ngoại Đàm, xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) - đối tượng dùng dao rựa ra tay thảm sát 4 người tối 2.8 đã chết trong trại tạm giam của tỉnh này. Hiện lãnh đạo Công an an tỉnh Hải Dương đang tiến hành chỉ đạo công tác khám nghiệm hiện trường nơi đối tượng Phạm Duy Quý chết.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 14 giờ ngày 4.8, Quý đã dùng màn tuyn trong trại tạm giữ để thắt cổ tự tử.

Nạn nhân của hung thủ Phạm Duy Quý chính là 4 người trong gia đình Quý, gồm bà nội, bố đẻ, mẹ đẻ và chị họ. Ngay sau khi gây án, Quý đã đến cơ quan công an đầu thú. Qua điều tra, cơ quan công an xác định, Quý có dấu hiệu bị tâm thần, đã từng được gia đình đưa đi chữa trị nhưng không có bệnh án... 
Mạnh Thắng
Những vụ án kinh hoàng 

Tháng 7.2014
Tại thôn 10, xã Triệu Thành, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, bà Lê Thị Toàn (SN 1964) và bà Vũ Thị Nguyệt (SN 1926) bị giết chết bởi chính con trai cụ Nguyệt và cũng là chồng của chị Toàn - là Hoàng Văn Thanh (SN 1963) - một người có tiền sử của bệnh tâm thần đã nhiều năm nay. 

Ngày 6.10.2013
Đối tượng Đỗ Văn Ngọ - có tiền sử bệnh tâm thần - đã dùng kéo đâm 14 nhát giết chết vợ mình là chị Hà Thị Phượng tại nhà riêng ở thôn Chùa, xã Xương Giang, TP.Bắc Giang.

Tháng 7.2013
Tại xóm Mu, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình, ông Bùi Văn Khởi (SN 1953) đang ngồi hóng mát tại nhà thì bị con trai chém nhiều nhát từ phía sau gây tử vong. Kẻ gây án là Bùi Văn Xiển (SN 1989), đang mắc bệnh tâm thần. 

Tháng 3.2013
Tại thôn 3, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội, khi đang ở nhà chơi với chú ruột là Nguyễn Phí Tuấn (SN 1979, vừa đi chữa bệnh tâm thần về), cháu Nguyễn Thị N.A (SN 2005) đã bị chú mình cầm dao chém 4 nhát vào gáy và vai khiến cháu A bị thương nặng. 

Tháng 7.2011
TAND TP. Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Tuấn Dũng (SN 1984) ở phường Bồ Đề, quận Long Biên về hành vi giết người. Dũng đã giết cô ruột mình ngay tại nhà. Tòa tuyên phạt Dũng mức án 10 năm tù do bị cáo mắc bệnh tâm thần.  

Ngọc Lương (tổng hợp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem