Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Giới hạn đối với tuổi thọ của con người là một chủ đề hấp dẫn và tranh luận trong nhiều thế kỷ. Nhiều nền văn hóa cổ đại tin rằng con người chỉ có thể sống đến một độ tuổi nhất định, trong khi những nền văn hóa khác lại cho rằng con người có khả năng sống mãi mãi, nếu đạt điều kiện cần thiết.
Khi sự hiểu biết của loài người về y học và chăm sóc xã hội được cải thiện theo thời gian, ước tính của chúng ta về tuổi thọ tối đa của con người đã tăng lên. Người Do Thái ở cuối thời đại đồ đồng tin rằng 80 năm là tuổi thọ tối đa, sau đó 1.000 năm thì người La Mã tăng con số ước tính đó lên 100 năm.
Trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại, sự hiểu biết của chúng ta về y học và chăm sóc sức khỏe đã tiến xa hơn nữa, cho phép chúng ta tăng tuổi thọ và vượt qua giới hạn của những gì chúng ta từng nghĩ là có thể. Kỷ lục người cao tuổi nhất hiện nay thuộc về bà Jeanne Calment, qua đời năm 1997, hưởng thọ 122 tuổi.
Bất chấp những tiến bộ này, câu hỏi liệu có giới hạn tối đa cho tuổi thọ của con người hay không vẫn chưa được giải đáp. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy rằng chúng ta vẫn chưa đạt được điều đó.
Một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Nam Florida và Đại học Georgia đã phân tích dữ liệu lịch sử và hiện tại về những người từ 50 đến 100 tuổi ở 19 quốc gia công nghiệp hóa trên thế giới. Mục đích của họ là xác định liệu sự gia tăng liên tục về tuổi thọ trong thế kỷ qua có đạt đến một mức ổn định hay không, cho thấy rằng chúng ta có thể đang tiến đến giới hạn tối đa về tuổi thọ.
Phân tích thống kê của họ cho thấy rằng, một số người sinh trước năm 1950 có thể phá kỷ lục về tuổi thọ trong những thập kỷ tới, với điều kiện sức khỏe của họ được đảm bảo bởi sự ổn định chính trị và kinh tế.
Cụ thể, các tác giả nghiên cứu tin rằng rất có thể ai đó sinh vào những năm 1930 tới 1940 sẽ phá kỷ lục thế giới trong những thập kỷ tới. Họ cũng nhận định phụ nữ Nhật Bản, những người đã gần đạt được kỷ lục về tuổi thọ, là những người sẽ đi đầu trong hiện tượng này.
Trở lại năm 2021, một nghiên cứu khác cho rằng cơ thể con người có tuổi thọ tối đa là 150 tuổi. Nghiên cứu này đã giải quyết câu hỏi từ vị trí y sinh học, không giống như nghiên cứu mới nhất này chỉ xem xét các xu hướng thống kê.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không tranh luận rằng tuổi thọ của con người sẽ không ngừng tăng lên. Họ nghiêng về giả thuyết, con người có thể đạt đến độ tuổi tối đa, nhưng hiện tại vẫn chưa rõ độ tuổi đó có thể là bao nhiêu.
Trong khi một số nhà khoa học tranh luận rằng có một giới hạn tuổi thọ tối đa, những người khác cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy một rào cản cứng nhắc như vậy tồn tại. Trong trường phái tư tưởng này, những đột phá y sinh và tiến bộ công nghệ có khả năng cho phép con người bất tử.
Câu hỏi liệu con người có thể sống mãi mãi hay không đã khiến các nhà khoa học và triết gia tò mò trong nhiều thế kỷ. Trong khi một số người có thể tin vào khả năng trường sinh bất tử, bằng chứng khoa học cho thấy con người không thể sống mãi mãi.
Một trong những lý do chính cho điều này là quá trình lão hóa tự nhiên. Khi con người già đi, cơ thể họ trải qua một loạt thay đổi mà cuối cùng dẫn đến cái chết. Những thay đổi này có thể xảy ra ở cấp độ tế bào, phân tử và di truyền. Ví dụ, các tế bào trong cơ thể bắt đầu phân chia chậm hơn, dẫn đến suy giảm chức năng của các cơ quan. Ngoài ra, sự tích tụ của các đột biến gen và tổn thương DNA có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh liên quan đến tuổi tác như ung thư, bệnh Alzheimer và bệnh tim.
Một lý do khác khiến con người không thể sống mãi mãi có liên quan đến khái niệm entropy, một khái niệm khoa học, cũng như một thuộc tính vật lý có thể đo lường được, dùng để chỉ trạng thái mất trật tự, ngẫu nhiên hoặc không chắc chắn. Nó khẳng định xu hướng của vạn vật trong vũ trụ tiến tới trạng thái hỗn loạn và suy tàn. Trong trường hợp của cơ thể con người, entropy khiến các tế bào, mô và cơ quan bị phá vỡ và mất chức năng theo thời gian. Mặc dù có nhiều cách để làm chậm quá trình lão hóa, chẳng hạn như thông qua lối sống lành mạnh, can thiệp y tế và phương pháp điều trị chống lão hóa, nhưng không chắc rằng những phương pháp này có thể đảo ngược hoàn toàn tác động của entropy.
Cuối cùng, cũng có những hạn chế thực tế đối với sự bất tử. Khi dân số thế giới tiếp tục tăng, các nguồn tài nguyên như thực phẩm, nước và năng lượng sẽ ngày càng khan hiếm. Ngoài ra, dân số bất tử có thể dẫn đến các vấn đề kinh tế và xã hội, chẳng hạn như dân số quá đông, cạnh tranh tài nguyên gia tăng và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn giữa người già và người trẻ.
Bất kể có giới hạn tối đa cho tuổi thọ của con người hay không, rõ ràng là chúng ta đã tiến một bước dài trong việc tăng tuổi thọ trong thế kỷ qua. Và với những tiến bộ liên tục trong y học và chăm sóc sức khỏe, ai biết được chúng ta có thể vượt qua giới hạn hay không?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.