Tuổi xế chiều của gia đình 4 người tàn tật và nỗi đau: “Muốn chết lắm nhưng không được”

Chủ nhật, ngày 08/09/2019 11:46 AM (GMT+7)
Cái nghèo len lỏi vào từng góc nhỏ của ngôi nhà, hằn lên trên khuôn mặt khắc khổ của những con người đã ở bên kia sườn dốc của cuộc đời.
Bình luận 0

Những phận đời “hoàng hôn”

Chúng tôi tìm đến nhà của ông Huỳnh Văn Thọ (72 tuổi, ngụ Cần Đước, Long An) vào một chiều tháng 9. Căn nhà lọt thỏm lại trong một căn hẻm nhỏ, quanh co, ẩn hiện dưới cái nắng buồn hiu hắt còn sót lại sau một cơn mưa rào. Bên trong, 3 con người tàn tật là ông Thọ, bà Huỳnh Thị Trường (80 tuổi, chị gái ông) và anh Huỳnh Phú Tỷ  (36 tuổi, con trai ông), mỗi người ngồi một góc nhà với hàng vạn những cơn đau buốt đang chực chờ sẵn cứ như chỉ cần một cử động nhẹ sẽ ập đến.

Đôi mắt họ buồn đăm chiêu nhìn ra khe cửa. Người duy nhất trong gia đình 4 người có thể cử động là bà Nguyễn Thị Mà (72 tuổi, vợ ông Thọ) thì tâm trí lại không bình thường, ánh mắt vô hồn, đôi tay không ngừng quờ quạng, miệng thỉnh thoảng lại mấp máy những từ ngữ không ai nghe rõ.

img

Đôi chân với mang vết tích chiến tranh của ông Thọ.

Khẽ đưa tay xoa bóp hai bên cẳng chân dày đặc những vết sẹo lồi lõm mà bên trong là hàng trăm mảnh vỡ đạn, vết tích của một lần lọt vào ổ phục kích thời chiến tranh, ông Thọ kể về cuộc đời mình bằng chất giọng khàn đặc, đậm chất miền Tây. “Chiến tranh kết thúc, tôi trở về lại quê nhà với đôi chân không lành lặn khi còn quá nhiều mảnh vở đạn ghim trong chân. Làm thuê đủ việc để kiếm sống, ít lâu sau tôi nên duyên vợ chồng với cô gái hàng xóm cùng tuổi. 2 vợ chồng cố gắng làm lụng, chắt chiu để nuôi 4 đứa con, 3 trai, 1 gái”, ông Thọ nói.

img

Muốn di chuyển, bà Trường phải vịn vào đồ vật rồi nhích từng bước một

img

Cơn đau dày đặc bủa vây, chân yếu dần, ông Thọ không còn khả năng di chuyển.

Lên 3 tuổi, đứa con trai út của ông Thọ là anh Tỷ phải nhập viện sau một lần lên cơn sốt cao. Bênh viện bảo con ông bị sốt xuất huyết nên cần nằm theo dõi. Ít lâu sau, bệnh không rõ thuyên giảm chưa nhưng tay chân anh Tỷ cứ ngày càng teo rút, lúc này bác sĩ mới phát hiện anh Tỷ bị bại liệt. Từ đó, cả tuổi thơ của người đàn ông 36 tuổi là đoạn đường lết từ đầu này sang đầu kia của chiếc giường, mọi sinh hoạt, vệ sinh đều phụ thuộc vào gia đình, ngay cả việc giao tiếp, anh Tỷ cũng không nói được.

Gia cảnh khó khăn, thu nhập của cả gia đình 8 người (cả bà Trường và mẹ ruột của ông) đổ dồn lên vai đôi vợ chồng trẻ. Áp lực kinh tế, nỗi buồn khi nhìn đứa con trai duy nhất mang bệnh tật khiến bà Mà ngày càng rơi vào bế tắc. Những lần quên lặt vặt cứ dần tăng lên, có khi đi chợ vừa trả tiền xong, bà đã móc tiền để trả tiếp. Ít lâu sau, bà bước vào thế giới của những ánh mắt vô hồn, những câu từ bập bẹ chả rõ nghĩa, bà quên hết mọi thứ xung quanh, quên cả tên chồng, tên con, thậm chí cả tên mình. Người phụ nữ hơn 60 tuổi khi ấy một lần nữa trở thành trẻ con, ăn uống, vệ sinh, mọi thứ đều không ý thức được.

img

Anh Tỷ, 36 tuổi mang căn bệnh bại liệt từ những năm mới lên 3.

img

"Nhiều khi muốn chết lắm mà không chết được".

Cái khổ, cái nghèo dường như vẫn chưa chịu buông tha gia đình ông Thọ. Không lâu sau ngày mẹ ruột ông qua đời, bà Trường, chị gái ông trải qua cơn thập tử nhất sinh sau một lần tai biến, chân ông thì ngày càng teo tóp dần, đi không vững, bao nhiêu lần thời tiết thay đổi là bấy nhiêu lần ông cắn môi bật cả máu vì đau.

“Bác sĩ bảo cả tôi và chị mình đều không thể chữa trị gì nữa, chỉ uống thuốc cầm chừng vì đã quá lớn tuổi, không phù hợp phẫu thuật. Giờ tôi cũng giống như con trai mình, lết từ nhà trên xuống nhà dưới. 3 người tỉnh táo thì không thể đi lại, vận động, người duy nhất có thể vận động thì lại không tỉnh táo. Có nhiều khi vợ tôi lên cơn rồi bỏ đi khắp nơi, muốn mà tôi cũng không chạy theo kịp”, rưng rưng nước mắt, ông Thọ nói.

Hiện tại, mọi sinh hoạt trong gia đình có 4 người bệnh tật đều dựa vào một tay chị Huỳnh Thị Trang, con gái thứ 2 của ông Thọ. Kể về hoàn cảnh hiện tại của gia đình, ông nói:  “Ngày trước con gái tôi đi làm thuê ở Sài Gòn, cha mẹ và bác đều đổ bệnh, không ai chăm nên nó nghỉ, về nhà phụ đỡ đần gia đình, chăm mẹ, nuôi anh. Cả nhà 7 miệng ăn giờ chỉ phụ thuộc vào tiền lương của đứa con gái lớn và đứa kế út ở Sài Gòn”.

Kiệt quệ

Trở về nhà sau khi rước cậu bé hàng xóm vừa tan học, chị Huỳnh Thị Trang lại lao vào dọn dẹp nhà cửa, hết đút cơm cho mẹ lại quay sang lấy thuốc cho cha. Việc ăn uống, thuốc men, vệ sinh của 4 thành viên trong gia đình do một tay chị Trang lo liệu, thế nhưng khi được hỏi có khi nào thấy đuối sức, chị bảo không. “Vì đó là tình thân”, mỉm cười, chị nói.

img

Chị Trang và mẹ.

Hiện tại mỗi ngày cả 4 thành viên còn lại trong gia đình đều phải cầm cự bệnh bằng thuốc. Chỉ cần một hôm thiếu thuốc, những cơn đau thi nhau kéo về, bà Trường và ông Thọ không tài nào cầm cự nổi. Thương người chị và em gái nặng gánh lo toan, ngoại trừ thời gian chăm sóc gia đình, chị Trang vẫn hay nhận việc làm thêm kiếm thêm tiền mua thuốc cho cha, mua thức ăn cho mẹ.

“Mỗi ngày đi rước bé đi học giúp hàng xóm, tôi được 15 nghìn. Đủ mua ít gạo trữ dần. Thương cha mẹ, tự ti cảnh nghèo, cả 3 chị em gái không ai lập gia đình cả. Mọi thứ đều đã được an bài, giờ tôi chỉ còn biết cố gắng”, chị Trang cho biết.

Mưa tạnh, những vệt nắng cuối cùng của ngày vội lóe lên trước khi nhường chỗ cho màn đêm tịch mịch. Phản xạ tự nhiên, bà Trường đưa tay che mắt rồi bất chợt thở dài: “Cuộc đời của chúng tôi cũng như hoàng hôn vậy, đã tới chặng đường cuối cùng rồi. Nhưng khác ở chỗ hoàng hôn xuống thì bình minh lên, còn tôi thì chỉ có thể cắn chặt mấy cơn đau rồi chờ ngày chết. Nhiều khi muốn chết cho nhanh lắm, nhưng mà không được”.

Huy Vân (Khám phá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem