Tưởng Giới Thạch và 3 lần nhận hối lộ khiến người Trung Quốc căm giận
Tưởng Giới Thạch và 3 lần nhận hối lộ khiến người Trung Quốc căm giận
Thứ ba, ngày 04/08/2020 19:31 PM (GMT+7)
Trong cuộc đời của Tưởng Giới Thạch không biết đã nhận hối lộ bao nhiêu lần, nhưng có 3 lần gây nhiều tai tiếng bởi những quà biếu không phải là vật phẩm thông thường mà là vàng bạc châu báu.
Trường hợp nhận hối lộ gây tai tiếng đầu tiên là vào năm 1928. Người hối lộ là Tôn Điện Anh, Quân đoàn trưởng Quân đoàn thổ phỉ số 12. Thời điểm đó, Tôn Điện Anh đóng quân tại vùng Mã Thân Kiều, huyện Kế, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc địa giới hành chính thành phố Thiên Tân) cách khu lăng mộ Thanh Đông không xa.
Tháng 6/1928, mượn cớ tổ chức diễn tập quân sự, Tôn Điện Anh đã cho quân bí mật đào mộ Từ Hy Thái Hậu và mộ Vua Càn Long, lấy đi nhiều báu vật. Tin tức về vụ trộm lan ra khắp nước, các tổ chức quần chúng sôi sục lên tiếng đòi phải nghiêm trị những kẻ phạm pháp.
Diêm Tích Sơn chỉ thị cho Tỉnh trưởng Hà Bắc phải điều tra cẩn thận vụ này. Tưởng Giới Thạch cũng phát lệnh truy nã đặc biệt gửi đi các địa phương. Sư đoàn trưởng Đàm Ôn Giang, thuộc hạ của Tôn Điện Anh, đóng quân tại Bắc Bình (nay là Bắc Kinh) đã bị bắt giữ.
Nhận thấy tình hình có phần nghiêm trọng, Tôn Điện Anh tìm trăm phương ngàn kế hòng thoát tội, nhưng không có kết quả, liền nhờ Từ Nguyên Tuyền cấp trên của mình vào "cửa" Tống Mỹ Linh và "biếu" một số quà.
Trong món quà đó có chuỗi hạt ngọc to đính trên mũ phượng của Từ Hy Thái Hậu. Tống Mỹ Linh, một lần sang thăm Mỹ đã điểm suyết viên ngọc đó lên chiếc giày, khiến Tổng thống Mỹ nhìn thấy vô cùng ngạc nhiên.
Ngoài ra, Tôn Điện Anh còn biếu Tưởng Giới Thạch thanh bảo kiếm "Cửu Long" và một số báu vật khác lấy được trong mộ Vua Càn Long, kết quả là Tôn Điện Anh vô tội.
Lần nhận hối lộ tai tiếng thứ hai là vào năm 1935, người đưa hối lộ là Mã Bộ Phương, một người được gọi là "vua ở Thanh Hải".
Mã Bộ Phương là thuộc hạ của Phùng Ngọc Tường, trong chiến dịch Trung Nguyên. Mã đã phản bội chủ chạy sang hàng ngũ của Tưởng Giới Thạch và được cử giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9.
Tuy nhiên, với mưu đồ khống chế sự phát triển các thế lực ở địa phương, Tưởng Giới Thạch chỉ cho phiên hiệu nhưng không cấp phát lương. Mã Bộ Phương cử đoàn công tác đi Nam Kinh với nhiệm vụ chủ yếu là xin cấp tiền lương cho đơn vị, nhưng không đạt kết quả.
Nhận được báo cáo về tình hình công việc của đoàn công tác, mượn cớ chúc thọ Tưởng Giới Thạch, Mã Bộ Phương gửi tới Nam Kinh 200 con tuấn mã để tặng Tưởng Giới Thạch. Sau khi nhận được quà, Tưởng cấp cho đoàn công tác một ít tiền gọi là chi phí đi đường nhưng đơn vị vẫn không có lương.
Đoàn công tác nhận thấy Tưởng Giới Thạch thích nhận quà, nên đã tìm mọi cách mua được mấy tấm da Hải Long (da con rái cá) và may một chiếc áo khoác. Sau đó chuyển tới tay Tưởng Giới Thạch qua Tưởng phu nhân.
Mấy hôm sau, đại diện ủy ban Quân sự truyền đạt ý kiến của Tưởng Giới Thạch cho đoàn công tác biết: "Dự toán hàng năm đã hết thời hạn, năm nay không còn tiền nhưng đã ghi vào dự toán sang năm. Các anh từ xa tới, chờ đợi đã lâu, nay tạm cấp cho 100.000 tệ...".
Lần nhận hối lộ tai tiếng thứ 3 là vào năm 1939, người đưa hối lộ là Lý Phẩm Tiên, Tổng tư lệnh Tập đoàn quân số 11.
Tháng 1/1938, Lý Phẩm Tiên đóng quân ở huyện Thọ, tỉnh An Huy. Tại địa phương có ngôi mộ Vua Sở Hoài, trong mộ chắc chắn là có chôn theo nhiều vàng bạc châu báu. Mượn cớ diễn tập quân sự, Lý Phẩm Tiên cho quân bí mật khai quật mộ cổ, lấy được 1 viên ngọc màu xanh, 2 thanh kiếm đồng cán nạm vàng, mấy chục chiếc bát bạc và một số cổ vật lạ.
Quý giá nhất là chiếc quan tài, Lý Phẩm Tiên tìm cách chuyển cỗ quan tài về quê ở tỉnh Quảng Tây, sau đó đưa sang Hồng Công bán cho người Anh.
Tin tức về việc Lý Phẩm Tiên cho quân đào trộm ngôi mộ cổ đến tai Tống Mỹ Linh. Nhớ lại chuyện Tôn Điện Anh trước đây, Tống Mỹ Linh vô cùng tức giận nên đã vội vã biên thư cho chồng. Tưởng Giới Thạch chỉ thị cho thuộc hạ phải điều tra và báo cáo ngay.
Sau hành động phạm pháp, Lý Phẩm Tiên lo lắng đứng ngồi không yên. Được biết Tưởng Giới Thạch đã cho người điều tra, nên đã chủ động viết một bản báo cáo gửi Tưởng Giới Thạch tường trình rằng việc đào mộ cổ là để bảo vệ báu vật của quốc gia không rơi vào tay quân địch.
Kèm theo bản báo cáo là những món quà rất hậu, trong đó có viên ngọc xanh, 2 chiếc bát bằng vàng và 2 chiếc bát bạc. Nhận được quà, Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh đã bỏ qua sự việc và không truy cứu trách nhiệm của Lý Phẩm Tiên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.