Mê tuồng từ tấm bé
Dù Thái Bình là đất của chèo nhưng hát tuồng đã từ lâu trở thành món ăn tinh thần không thế thiếu đối với người dân làng Vũ Hạ (xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ). Mỗi khi có hội diễn văn nghệ trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ, ngoài những tiết mục chèo tiêu biểu của các xã như Quỳnh Hải, Quỳnh Khê, Quỳnh Bảo... thì điều khiến bà con trầm trồ mong đợi, nán lại sân khấu chính là để xem những tiết mục tuồng cổ của đội tuồng Bắc làng Vũ Hạ biểu diễn. “Thú thật, nghe hát tuồng hay tới mức khán giả “chết ngất” cả đi! Lại cứ muốn được xem tiếp, xem mãi” – đó là tâm sự của bà Trần Thị Mận – một khán giả khi xem đội tuồng Bắc diễn xong vở tuồng “Lý Thân”.
Diễn viên đội tuồng Vũ Hạ biểu diễn trên sân khâu huyện nhà tại một liên hoan nghệ thuật quần chúng. M.L
Gắn bó hơn nửa đời người với đội tuồng Bắc, cụ Nguyễn Quốc Doanh (88 tuổi) cho hay: Tuồng làng Vũ Hạ không biết có từ bao giờ. Trước năm 1945, trong làng có khoảng 6 - 7 gánh tuồng hoạt động. Có nhiều người hát tuồng, hát chèo để mưu sinh, kiếm sống. Đến khi chiến tranh xảy ra, các gánh tuồng ở Vũ Hạ tuy có bị tan rã nhưng nghệ thuật tuồng cổ nơi đây vẫn được vẫn được duy trì. Cuối năm 1971, từ nhu cầu về đời sống văn hóa, những người tâm huyết với hát tuồng được quy tụ lại và xây dựng thành đội tuồng Bắc.
“Phải nói bà con Vũ Hạ mê tuồng lắm! Đi xem tập cũng đông như lúc xem diễn. Có nhiều vở tuồng cổ như “San hậu đệ nhị”, “Đào Tam Xuân loạn trào”, “San hậu đệ tam”, “Phụng nghi đình”… diễn viên diễn trên sân khấu, khán giả ở dưới hát theo. Nếu kêu gọi đóng góp ủng hộ thì mọi người nhiệt tình lắm! Kẻ góp mấy đồng, người góp nắm gạo nuôi tuồng hoạt động” – cụ Doanh bày tỏ.
Tham gia vào đội tuồng Bắc từ khi tuổi mới đôi mươi, cô Nguyễn Thị Thanh Tú và chú Đoàn Xuân Bầy phải lòng nhau từ lúc hai người diễn vai Lữ Bố - Điêu Thuyền. Cô Thanh Tú tâm sự: “Ngày trước chưa có điện, tối đến cả đội tuồng Bắc thắp đèn măng xông tập diễn. Có hôm chúng tôi sáng ra chưa kịp ăn gì, trời mưa vẫn lội bùn đến đầu gối đi tập tuồng rồi trưa về ăn lưng bát cháo vẫn thấy vui. Đội tuồng diễn là cứ được nhất, khán giả ở dưới cứ hô: Diễn lại đi! Diễn lại đi!…Diễn viên nghe thấy vậy là quên hết mệt mỏi, quên cả cái bụng đang sôi vì đói!”.
Ngoài việc phục vụ nhân dân địa phương các ngày lễ, tết, giao lưu văn nghệ, đội tuồng Bắc còn đi lưu diễn nhiều tỉnh như: Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định… được đông đảo nhân dân gần xa biết đến. “Đội tuồng Bắc đã biểu diễn trong và ngoài tỉnh hàng trăm đêm. Không ít lần đội tham gia hội thi, hội diễn nghệ thuật cấp huyện, cấp tỉnh và đạt được nhiều giải cao” - ông Trần Thế Vinh - nguyên Bí thư chi đoàn, Trưởng ban Văn hóa xã An Vũ cho biết.
Lá đơn 11 năm không hồi đáp
Quan điểm
Không nhất thiết cái gì cũng phải có tiền mới duy trì được, nhưng nếu không nhanh thì một vài năm nữa thôi có đầu tư cũng khó dựng được tuồng cổ. Khi đó có tiếc nuối mai một những điệu tuồng cổ thì cũng đã quá muộn màng”.
Trước đây, đội tuồng Bắc làng Vũ Hạ nhận được quan tâm hỗ trợ của Nhà hát Tuồng Trung ương về trang phục, đạo diễn. NSND Nguyễn Ngọc Như, nghệ sĩ Xuân Yến, nghệ sĩ Mẫn Thu từng về xã chỉ đạo dàn dựng các vở như “Đề Thám”, “Lý Ông Trọng”, “Lý Thân”... Tuy nhiên, vài năm trở lại đây lịch biểu diễn của đội tuồng Bắc đã trở lên thưa dần. Nói về điều này, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã An Vũ cho hay: “Ngay bản thân tôi cũng là thành viên tham gia đội tuồng từ lúc 20 tuổi. Đến thời điểm hiện tại, tuồng không mất hẳn nhưng đã và đang trên đà mai một. Cái khó lớn nhất là không có kinh phí để đầu tư duy trì cho đội tuồng hoạt động”.
Cũng vì khó khăn kinh phí nên trang phục cho diễn viên tuồng chủ yếu là đi mượn. Bà Nguyễn Thị Hương- đào chính đội tuồng Bắc chia sẻ: “Trong khi diễn cần có đạo cụ như bộ râu, cái mũ… thì diễn viên đều phải tự túc trang bị. Đôi khi đi mượn quần áo không hợp cũng vẫn phải diễn. Nếu mặc đúng thì mới hay, mới toát lên được đẹp của vở tuồng”.
Điều khiến những thành viên tâm huyết của đội tuồng Bắc lo lắng là đào tạo thế hệ kế cận tiếp nối nghệ thuật hát tuồng cổ. Ông Trần Thế Vinh cho biết thêm: Ngày 29.4.2004, ban lãnh đạo địa phương đã có tờ trình lên Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) về việc xin đầu tư, khôi phục đội tuồng. Lá đơn đã đề đạt nguyện vọng của địa phương: ‘Để đội tuồng Bắc thôn Vũ Hạ xã An Hạ tiếp tục duy trì và phát triển, thể theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân trong xã, Ban Văn hóa thông tin xin làm tờ trình kính trình Bộ Văn hóa Thông tin tạo mọi điều kiện giúp đỡ một số vấn đề sau: Kịch bản, đạo diễn và dàn dựng vở “Đề Thám”; quần áo diễn viên, một số trang phục khăn áo, một số nhạc cụ tuồng chèo và kinh phí hỗ trợ dựng vở”. Tuy nhiên, cho đến nay, lá đơn này vẫn không nhận được sự phản hồi từ Bộ VHTTDL.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.