Tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa trong những màn phù phép của CIA

Thứ năm, ngày 23/07/2020 08:31 AM (GMT+7)
Cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 đã kết thúc chương đầu tiên trong lịch sử can thiệp của Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ đã không từ bỏ mưu đồ để rồi phải nếm thêm "trái đắng" ở chương can thiệp tiếp theo.
Bình luận 0

Những thất bại nặng nề mà Mỹ gánh chịu đã bị phơi bày qua các tài liệu do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) giải mật, được sử gia T.A-hơn (Thomas L.Ahern, Jr.) tổng hợp trong cuốn sách có nhan đề  "CIA and the Generals" (CIA và các tướng lĩnh). Báo Quân đội nhân dân xin trích giới thiệu một số nội dung chính trong cuốn sách này.

Có một thực tế rõ ràng, đó là sau cuộc đảo chính dẫn tới cái chết của Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, CIA thật sự gặp rất nhiều khó khăn không chỉ từ việc bị Tòa đại sứ "kiểm soát" mà còn do tình hình rối ren của Sài Gòn khi các tướng lĩnh đấu đá lẫn nhau để tranh giành quyền lợi.

Tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa trong những màn phù phép của CIA - Ảnh 1.

Tướng Nguyễn Khánh (bên phải) trong cuộc họp báo ngày 30/1/1964. Ảnh tư liệu

"Anh em" đối đầu

Cho đến trước khi Ngô Đình Diệm bị sát hại, Tổng thống G.Ken-nơ-đi (John F.Kennedy) đã tăng nhân sự Mỹ từ con số 875 lên 16.000 người, trong đó nhân sự CIA hoạt động tại Trạm Sài Gòn khoảng 200 người và đóng vai trò lớn trong lịch sử ngắn ngủi của chế độ chính trị miền Nam Việt Nam. Vậy nhưng, thế sự đã đổi thay khó lường!

Chỉ một ngày sau đảo chính, ông Bùi Diễm, một chính trị gia gốc đảng Đại Việt có nhiều quan hệ với CIA cho CIA biết, các tướng đảo chính sẵn sàng nghe khuyến nghị của CIA trong việc xây dựng "chế độ mới". Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn C.Lốt-giơ (Cabot Lodge) không muốn CIA quan hệ quá cận kề với các ông tướng. CIA không còn được toàn quyền tự do hành động mà tất cả đều phải do Tòa đại sứ đóng vai trò chủ chốt. Một quy tắc mà Đại sứ C.Lốt-giơ đưa ra bắt buộc ai cũng phải thuộc nằm lòng là "chỉ được triển khai chiến thuật chứ không được tham gia hoạch định chiến lược". Trong khi đó, theo các báo cáo hằng ngày CIA gửi về trụ sở ở Lang-li (bang Vơ-gi-ni-a) thì sau đảo chính, không khí chính trị Sài Gòn rất bấp bênh.

Ngày 4/11/1963, do sự khẩn khoản của tướng Trần Văn Đôn, Đại sứ C.Lốt-giơ "cho phép" CIA báo cáo với tướng Dương Văn Minh về các chương trình bí mật mà CIA đang tiến hành và CIA muốn tận dụng cơ hội này cố vấn cho tướng Dương Văn Minh về một số vấn đề chính trị. Dẫu vậy, Đại sứ C.Lốt-giơ chỉ "cho phép" CIA cố vấn trong lĩnh vực tình báo và an ninh.

Ngày 5/11/1963, Trưởng phân cục Viễn Đông CIA U.Côn-bi (William Colby) đến Sài Gòn và có nhiều cuộc tiếp xúc chính trị với các tướng lĩnh. Qua chuyến công tác, ông U.Côn-bi báo cáo về Trụ sở rằng Đại sứ C.Lốt-giơ muốn chỉ huy mọi chuyện ở Sài Gòn theo ý mình. Giữa lúc đó, sáng 22/11/1963, Tổng thống G.Ken-nơ-đi bị ám sát tại TP Đa-lát (bang Tếch-dớt). Tổng thống L.Giôn-xơn (Lyndon B. Johnson) lên thay, quyết định giải quyết tình trạng bế tắc trong quan hệ giữa Tòa đại sứ và CIA ở Sài Gòn, trước lo ngại uy tín của chính quyền Oa-sinh-tơn sẽ bị tổn hại khi năm 1964-năm bầu cử tổng thống Mỹ, đang đến gần.

Ngày 2/12/1963, đích thân Tổng thống L.Giôn-xơn chọn P.Xin-va (Peer de Silva) làm Trưởng trạm CIA tại Sài Gòn thay thế G.Ri-chớt-xơn (John Richardson) về nước từ tháng 10/1963. Vào đêm trước khi bay sang Sài Gòn, P.Xin-va được Tổng thống Mỹ triệu tập đột xuất để dặn dò ông cẩn thận, tránh đối đầu với Đại sứ C.Lốt-giơ. Ngày 7/12, Tổng thống L.Giôn-xơn đánh điện cho Đại sứ C.Lốt-giơ với lời dặn rằng ông mong muốn có mối quan hệ tốt đẹp giữa Trưởng trạm CIA với Đại sứ: "Điều quan trọng trước tiên là giữa ông và ông ấy phải hoàn toàn hiểu nhau và hợp tác với nhau... Tôi không chỉ quan tâm đến sự hợp tác hiệu quả lâu dài mà còn muốn tránh để xảy ra những cuộc cãi vã ồn ào trên mặt báo".

Ai hơn ai?

Trước tình hình đó, các tướng Sài Gòn vẫn không ngừng chia rẽ và hất cẳng nhau. Giữa tháng 12/1963, tướng Dương Văn Minh thuyên chuyển tướng Nguyễn Khánh ra Vùng I chiến thuật ở Đà Nẵng. Đầu tháng 1/1964, tướng Dương Văn Minh tự phong làm Tổng tư lệnh quân đội. Theo nhận định của CIA, chỉ có tướng Dương Văn Minh là "có ấn tượng của một nhà lãnh đạo có khả năng liên kết nhóm tướng lĩnh võ biền với giới chính khách dân sự lại với nhau". Nhưng tướng Dương Văn Minh bị cho là "yếu đuối, ngây thơ về chính trị, nên có thể dễ dàng bị cấp dưới lật đổ".

Trong khi đó, Trưởng trạm CIA P.Xin-va vừa đến Sài Gòn đã được tướng Nguyễn Khánh săn đuổi ráo riết. P.Xin-va không muốn dính sâu vào chuyện đấu đá của các tướng nên lần lữa hẹn đến cuối tháng 1/1964, để rồi sau đó hủy cuộc hẹn do bị Đại sứ C.Lốt-giơ cấm! Tướng Khánh lập tức quay sang tiếp xúc với Đại tá G.Uyn-xơn (Jasper Wilson) thuộc Phái bộ viện trợ quân sự tại Việt Nam (MACV). Cuộc họp giữa G.Uyn-xơn với tướng Nguyễn Khánh nhận được cái gật đầu đồng ý của Đại sứ C.Lốt-giơ. Tại đây, tướng Nguyễn Khánh thông báo thành phần 5 tướng trong vụ án "các sĩ quan Đà Lạt", còn gọi là "nhóm tướng trung lập", gồm: Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân và Nguyễn Văn Vỹ, với cáo buộc nhóm tướng lĩnh này "âm mưu câu kết với người Pháp trung lập hóa miền Nam Việt Nam".

Vào lúc 15 giờ 15 phút ngày 30/1/1964, Đại tá G. Uyn-xơn từ Bộ chỉ huy Lữ đoàn Dù thông báo với Tòa đại sứ rằng, tướng Nguyễn Khánh cùng tướng Trần Thiện Khiêm sẽ làm đảo chính trong vòng vài giờ nữa để loại các tướng trung lập ra khỏi thành phần chính phủ, và rằng tướng Dương Văn Minh đã được thông báo và đồng ý. 20 phút sau, Phó đại sứ Đ.Nét (David Nes) triệu tập Trưởng trạm CIA P.Xin-va đến Tòa đại sứ để thông báo. "Nhóm tướng trung lập" cuối cùng bị đưa lên Đà Lạt giam lỏng trong khi tướng Dương Văn Minh được giữ lại làm Quốc trưởng.

Câu hỏi đặt ra đối với CIA là giúp tướng Dương Văn Minh, rồi giúp tướng Nguyễn Khánh, Mỹ có làm cho các tướng đoàn kết với nhau và có huy động được sự ủng hộ của quần chúng miền Nam trong công cuộc chống "Việt Cộng" hay không? Câu trả lời là "không". Chính vì vậy, CIA cam kết ủng hộ tướng Nguyễn Khánh, nhưng đồng thời vẫn tiếp tục duy trì tất cả các quan hệ với các nhóm chính trị đối lập, như đảng Đại Việt. Theo CIA, mọi nỗ lực của Mỹ đối với Ngô Đình Diệm trong năm 1955, cũng như sau này đối với tướng Dương Văn Minh, tướng Nguyễn Khánh chỉ có kết quả kéo dài một tình trạng không tránh được là sụp đổ.

Văn Dũng (Theo Quân đội Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem