Iran có lực lượng quân đội đông hàng đầu tại khu vực Trung Đông (ảnh: Reuters)
Mặc dù các bước đáp trả tiếp theo của Iran vẫn chưa rõ ràng, nhưng Tổng thống Donald Trump đã có bước đi củng cố tâm thế quân sự của Mỹ tại Trung Đông. Mỹ đã huy động hệ thống tên lửa đất đối không Patriot và điều thêm 3.500 nhân viên quân sự tới Trung Đông.
Mỹ đang theo dõi sát sao các hành động tiếp theo của đối thủ. Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, mới đây đã công bố một báo cáo toàn diện và chi tiết về tiềm năng quân sự của Iran, cùng bản dự báo chiến lược của nước này.
Lực lượng quân đội chính quy của Iran có khoảng 420.000 người, Lực lượng Vệ binh Cách mạng có khoảng 125.000 người.
Một trong các thế mạnh lớn nhất của Iran là kho vũ khí tên lửa. Kho tên lửa của nước này lớn nhất và tiên tiến nhất ở Trung Đông. Iran cũng nhận được sự hỗ trợ từ rất nhiều nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Shiite thù địch với Mỹ, cùng các đồng minh khác trong khu vực.
Mối quan hệ giữa Iran cùng các đồng minh được đánh giá là sẽ ngày càng khăng khít, sau vụ tướng Qassem Soleimani bị Mỹ tiêu diệt. Hai quan chức cấp cao của Iraq cũng đã thiệt mạng trong vụ không kích, vì vậy, Iraq nhiều khả năng sẽ đứng về phía Iran và đối đầu với Mỹ.
Iran đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc sản xuất vũ khí (ảnh: Reuters)
Theo Hệ thống xếp hạng chỉ số sức mạnh hỏa lực toàn cầu năm 2019 của Mỹ, Iran đứng ở vị trí thứ 14, cao hơn các đối thủ khác trong khu vực như Israel (thứ 18) và Ả Rập Saudi (thứ 25). Mỹ, Nga và Trung Quốc lần lượt giành ba vị trí cao nhất.
Iran đã ưu tiên sản xuất vũ khí quân sự trong nước kể từ năm 2010, sau khi phải chịu những đòn trừng phạt từ quốc tế.
Phần lớn kho vũ khí nhập khẩu của Iran bị coi là đã lỗi thời. Tuy nhiên, nước này đã tìm cách khắc phục những điểm yếu. Ví dụ, hải quân Iran được tổ chức thành các đội tàu nhỏ, tấn công nhanh, được huấn luyện để đổ bộ và áp đảo các tàu chiến lớn hơn.
Iran cũng đã có những bước tiến quan trọng trong việc phát triển vũ khí. Nước này đã tự sản xuất được các hệ thống tên lửa phòng không đáng gờm như Khordad 3. Loại tên lửa này được cho là đã được sử dụng để bắn hạ máy bay không người lái Global Hawk tiên tiến của Hải quân Mỹ vào hồi tháng 6.
Sức mạnh của những tổ hợp tên lửa khác của Iran như Mersad-16 và Bavar-373 cũng không thể xem thường.
Sức mạnh tên lửa của Iran (ảnh: Reuters)
Iran rất tự hào về kho vũ khí tên lửa của mình. Trong đó, có cả các loại pháo phản lực như Fajr-5 và Zelzal. Nước này cũng sở hữu nhiều loại tên lửa đạn đạo, với phạm vi từ ngắn đến trung bình, ví dụ loại tên lửa Khorramshahr mới, có thể bay gần 2.000km. Tên lửa hành trình tầm xa Soumar của nước này được cho là có tầm bắn vươn tới châu Âu.
Iran cũng đầu tư rất nhiều vào máy bay không người lái, bao gồm các loại máy bay trinh sát, máy bay chiến đấu. Đặc biệt, nước này đã phát triển loại "máy bay không người lái tự sát" Raad 85.
Tên lửa và máy bay không người lái của Iran đã được chuyển cho các nhóm phiến quân đồng minh trên khắp khu vực, tại Lebanon, Iraq, Syria và Yemen. Những khí tài này đã tạo cho Tehran thứ gọi là “chiều sâu chiến lược”, nhằm chống lại kẻ thù của nước này là Mỹ, Israel và Ả Rập Saudi.
Trong nỗ lực chống lại sự cô lập của Washington, Tehran cũng đã tìm cách phát triển các mối quan hệ mới. Vào tháng trước, Iran đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung lần đầu tiên với Nga và Trung Quốc tại Ấn Độ Dương và Vịnh Oman, thể hiện vị thế cường quốc quân sự của mình. Rõ ràng, sức mạnh quân sự của Iran là không thể xem thường.
(PLO)-Phản ứng của Iran trước việc Mỹ sát hại chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Guds là không thể lường trước được trong...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.