Tuyển sinh đại học 2022: Biến động các hình thức tuyển sinh lớn khiến thí sinh e ngại

Tào Nga Thứ ba, ngày 10/05/2022 16:36 PM (GMT+7)
Tuyển sinh đại học năm 2022 dự báo đẩy mức cạnh tranh vào đại học bằng điểm thi THPT lên cao hơn những năm trước.
Bình luận 0

Dự báo tuyển sinh năm 2022

Theo TS Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT có 4 mục đích, cụ thể là: phục vụ cho công tác xét tốt nghiệp; đánh giá chất lượng dạy học của nhà trường; đánh giá việc quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chỉ đạo địa phương; các cơ sở giáo dục đào tạo sử dụng để tuyển sinh.

Tính đến ngày 8/5 đã có trên 688.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến thành công. Trong đó có 135.000 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm khoảng 20%, trên 7.000 thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển đại học, chiếm trên 1%. Thí sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng kết quả xét tuyển đại học có 537.000, chiếm gần 79%.

Có 52% thí sinh chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), 30% thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học).

Thí sinh sẽ còn tiếp tục được đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến đến 17h ngày 13/5. Năm nay là năm đầu tiên Bộ GDĐT yêu cầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến 100%.

Tuyển sinh đại học năm 2022: Biến động các hình thức tuyển sinh lớn khiến các thí sinh e ngại - Ảnh 1.

Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2022. Ảnh: Tào Nga

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội cho biết: "Thống kê các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 cho thấy, năm nay số thí sinh chọn tổ hợp KHXH vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất tương tự năm 2020 và 2021.

Với học sinh chỉ xét tốt nghiệp hoặc xét tuyển đại học bằng khối D thông thường sẽ chọn khối KHXH vì khối này học sinh học đỡ vất vả hơn khi ôn tập. Do đó khối KHXH được chọn nhiều nhất là điều dễ hiểu. 

Năm nay số thí sinh tự do giảm mạnh chỉ còn chiếm 1%, thông thường hàng năm thì con số này chiếm 4-5%. Điều này đến từ 2 lý do, thứ nhất các thí sinh định hướng rõ hơn trong nghề nghiệp, thứ hai là biến động các hình thức tuyển sinh lớn khiến thí sinh e ngại nhiều hơn. 

Số thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp cho xét tuyển tương đương 2 năm vừa qua, điều này chắc chắn sẽ đẩy mức cạnh tranh vào đại học bằng điểm thi THPT lên cao hơn những năm trước, do nhiều trường đã giảm mạnh tỉ lệ xét tuyển bằng điểm thi THPT, nhất là các trường tốp trên". 

Còn thầy Nguyễn Chiến, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội, đồng tác giả cuốn sách Bộ đề chinh phục kỳ thi Đánh giá năng lực nhận xét: "Tổ hợp KHXH gần gấp đôi tổ hợp KHTN phản ánh rõ tình trạng học sinh sau thời gian dài học online kiến thức bị hổng rất nhiều. Các môn KHTN đòi hỏi gốc kiến thức từ trước và đề thi liên quan nhiều đến lớp dưới. Học sinh dịch chuyển sang tổ hợp xã hội với hi vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn, đề thi chủ yếu là học thuộc, không cần quá nhiều kiến thức từ lớp dưới.

Dự báo việc tuyển sinh các trường sẽ có nhiều thay đổi điểm chuẩn các ngành tuyển tổ hợp KHXH sẽ nhỉnh hơn năm trước. Tuy nhiên các trường tốp trên có điểm đầu vào cao sẽ không ảnh hưởng nhiều".

Phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ là chủ yếu

Liên quan đến tuyển sinh đại học năm 2022, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ GDĐT khẳng định: "Số lượng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT có giảm đi nhưng chỉ là sự dịch chuyển giữa hai phương thức chính là xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Hầu hết trường vẫn sử dụng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT bên cạnh nhiều phương thức khác, trong đó có các trường lớn".

Theo thống kê của Bộ GDĐT trong những năm gần đây cho thấy 90% chỉ tiêu vào đại học vẫn xét bằng hai phương thức quen thuộc này, chỉ 10% xét bằng các phương thức khác như sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực hay kết hợp chứng chỉ quốc tế.

Vụ trưởng Giáo dục đại học khẳng định, phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ vẫn là chủ yếu, sẽ không ảnh hưởng lớn đến thí sinh ở các vùng khó khăn.

Các trường đại học sẽ dần chuyển xu thế sang đánh giá năng lực với những phương thức tuyển sinh khác phù hợp với yêu cầu của từng trường và lĩnh vực đào tạo. Tuy nhiên hiện tại, các phương thức tuyển sinh đại học vẫn khá ổn định và rất thuận lợi cho thí sinh.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, mùa tuyển sinh năm nay, phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ vẫn là phương thức xét tuyển cơ bản và chủ yếu nhất ở hầu hết các trường. Do đó, tâm lý cho rằng các trường thu gọn chỉ tiêu đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là không chính xác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem