Tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh học: Bình thường hay không?

Anh Tuấn Thứ tư, ngày 09/03/2022 13:00 PM (GMT+7)
Một số trường đại học Y trên cả nước đã công bố thông tin tuyển sinh, trong đó, ngành Y ngoài tổ hợp xét tuyển truyền thống là Toán, Hóa, Sinh thì xét tuyển một số tổ hợp khác. Dư luận đang tranh cãi trước thông tin này.
Bình luận 0

Vậy việc tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh học là bình thường hay không? Những người đã, đang và sẽ theo ngành Y nói gì về việc này?

Các trường tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh học

Năm 2022, ngoài tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) để xét tuyển ngành Y khoa, Đại học Y dược Thái Bình lần đầu tuyển ngành này với tổ hợp B08 (Toán, Sinh, Tiếng Anh) và D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh), trong đó, tổ hợp D07 không có môn Sinh học.

Tương tự như trên, trong đề án tuyển sinh năm 2021 của ĐH Y Dược  - ĐH Thái Nguyên, ngoài tổ hợp khối B00 và B08 trường còn xét tuyển tổ hợp D07 vào các ngành là Y khoa, Dược học, Y học dự phòng, Răng - Hàm - Mặt, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học và ngành Hộ sinh.

Tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh học: Bình thường hay không? - Ảnh 1.

Sinh viên ngành Dược của Đại học Đại Nam trong một giờ thực hành. Ảnh minh họa: DNU

ĐH Y Dược Hải Phòng xét tuyển tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) vào ngành Y khoa và Dược học. Ngành Dược học của trường cũng xét tuyển thêm tổ hợp D07 – không có môn Sinh học - trong năm 2021.

ĐH Y tế Công cộng cũng sẽ xét tuyển tổ hợp không có môn Sinh học với ngành Y tế công cộng - xét tuyển tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh).

Ngoài ra, ngành Dược học của khoa Y (ĐH Đà Nẵng) dự kiến tuyển sinh tổ hợp A00 và D07 - hai tổ hợp không có môn Sinh học.

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Ngô Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học, Trường Đại học Y Dược Thái Bình cho rằng, việc tổ hợp môn thi Y khoa theo hướng không có môn Sinh là không quá quan trọng. Trường sử dụng thêm hai tổ hợp chứa môn tiếng Anh, D07 và B08, vì nhận thấy tầm quan trọng của Tiếng Anh trong lĩnh vực Y Dược. Hơn nữa, mỗi tổ hợp, trường đảm bảo giữ lại 2/3 số môn theo tổ hợp gốc, để thí sinh không bị sốc hay trở tay không kịp, ảnh hưởng đến kế hoạch ôn tập.

Trong khi đó, một số lãnh đạo trường Y khác cho rằng, việc không tuyển sinh đầu vào môn Sinh học vào ngành Y là chưa phù hợp, không thể vội vàng thay thế hoặc không tuyển sinh khối ngành có môn Sinh học một cách đặc thù.

Tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh học - bình thường hay không?

Trước việc một số trường đại học tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh học, trao đổi với Dân Việt, bác sĩ Hoàng Huy Toàn, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Bỏng và Phẫu thuật tạo hình, Học viện Quân y Kirov (Saint Petersburg, Nga) cho biết, thực ra đây là thông tin không mới.

"Ở Việt Nam có trường tuyển sinh bác sĩ đa khoa cả khối A (không có môn Sinh - PV) và khối B lâu rồi, chẳng qua ít người để ý. Tôi đồng ý có kiến thức Sinh học sẽ là nền tảng cho việc học Y, nhưng chỉ là 1 nền tảng cực kì nhỏ. Vì trong chương trình học cấp 3, môn Sinh sẽ được dạy gồm sinh học thực vật, sinh học động vật, sinh học di truyền, sinh học tế bào,... Khi vào trường Y, có lẽ chỉ "vận" đến kiến thức sinh học tế bào và di truyền.

Môn Sinh trong trường Y được dạy ở năm 1 để làm cơ sở phát triển các môn y học cơ sở những năm sau (như là sinh lý, hóa sinh, mô phôi...), trong đó, những kiến thức cơ bản được học ở cấp 3 so với khối lượng kiến thức đồ sộ và chuyên sâu ở trường Y không là gì, phải học từ đầu hết. Tất nhiên bạn nào có kiến thức tốt về môn Sinh thì có thể tiếp thu nhanh hơn, thi qua môn dễ hơn, nhưng Sinh chỉ là 1 trong rất nhiều môn cần phải học, phải thi".

Anh Toàn dẫn chứng, dù là học sinh giỏi Sinh và được tuyển thẳng vào Học viện Quân y (của Việt Nam – PV) nhưng khi  học ở trường, anh vẫn phải học môn Sinh một cách nghiêm túc. Bên cạnh khối lượng kiến thức khổng lồ sau các năm học, thì môn Sinh "chỉ như một hạt cát".

"Quan trọng nhất vẫn là khả năng tư duy, tính logic và nỗ lực của của mỗi người", anh Toàn nhận định và cho rằng, việc xét tuyển đầu vào không có môn Sinh là bình thường. Đây chỉ là khâu chủ yếu để chọn ra những người có đủ khả năng nhận thức và tư duy học Y, còn khi đã "qua" được, tất cả phải bắt đầu lại từ con số 0.

Anh Toàn cũng khẳng định, môn Sinh có thể cần có để xét tuyển đầu vào ngành Y, tuy nhiên nó không quá quan trọng bởi đầu vào tốt không đồng nghĩa với đầu ra cũng tốt.

"Bạn nào có đầu óc, chăm chỉ, dù không thi Sinh đầu vào thì cũng phải học được hết", anh Toàn cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Như Điền – người từng theo học tại Đại học Y Thái Bình hiện đang công tác tại một cơ sở y tế ở Phú Thọ cũng đồng ý với ý kiến trên và cho biết, việc các trường Y có tuyển sinh ngành Y có môn Sinh học hay không là do quy chế và quyết định tuyển sinh của trường đó cũng như Bộ chủ quản.

Bác sĩ Điền cho rằng, kể cả các thí sinh xét tuyển khối có môn Sinh hay không thì đều có một năm để nạp lại kiến thức các môn cơ bản, trong đó có Sinh học.

"Bạn nào chịu khó và có tố chất thì sẽ nạp kiến thức nhanh thôi", anh Điền nói với Dân Việt.

Song, vị bác sĩ này cũng khuyên, nếu thí sinh nào không xét tuyển môn Sinh đầu vào, phải thực sự cố gắng để bắt kịp các môn nền tảng như sinh hóa, vi sinh, giải phẫu bệnh, sinh lý, sinh lý bệnh.... Nếu những môn đó không tốt, khi học chuyên ngành rất khó phân biệt được bệnh, bệnh nào cũng có cơ chế của nó.

Thảo Linh, học sinh lớp 12 một trường THPT ở Ninh Bình đang xem xét giữa việc chọn tổ hợp xét tuyển B00 (Toán, Hóa, Sinh) hay D07 (Toán, Hóa, Anh) vào Đại học Y Thái Bình. Nữ sinh tìm hiểu và được biết thông tin rằng năm đầu tiên học trường Y, thí sinh không xét tuyển tổ hợp có môn Sinh vào trường vẫn học các môn cơ bản, gồm cả môn Sinh học.

Vì vậy, chọn tổ hợp nào để xét tuyển, Thảo Linh cũng xác định, vào được ngành Y thì phải học một cách chỉn chu với tất cả các môn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem