Tuyển thủ Việt Nam xuất ngoại: Ai thành công nhất, ai đắt giá nhất?

Đức Hiếu Chủ nhật, ngày 01/09/2019 09:10 AM (GMT+7)
Tính từ thời điểm bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với đấu trường khu vực và gây tiếng vang bằng tấm HCB SEA Games 18 vào năm 1995, đã có nhiều cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài chơi bóng đã họ cũng nếm đủ thăng trầm theo những cung bậc khác nhau.
Bình luận 0

Cầu thủ tiên phong trong việc ra nước ngoài thi đấu là cựu tiền đạo Lê Huỳnh Đức. Trung phong lừng danh một thời của bóng đá Việt Nam đã tới khoác áo Chongquin Lifan vào năm 2001.

Mặc dù vậy, ở thời điểm đó, cầu thủ Việt Nam chưa hề quen với khái niệm chơi bóng ở nước ngoài. Bản hợp đồng mà Huỳnh Đức ký với Chongquin cũng mang đậm tính thương mại khi đổi lại, Lifan đã tài trợ 60 xe đặc chủng cho Công an TP.HCM. Dẫu sao, trong 4 tháng thi đấu ở Trung Quốc, Lê Huỳnh Đức cũng để lại dấu ấn tương đối về chuyên môn với 4 bàn thắng.

img

Cựu danh thủ Lê Huỳnh Đức là người tiên phong trong việc ra nước ngoài thi đấu

Đến năm 2003, một cầu thủ Việt Nam khác là Lương Trung Tuấn sang Thái Lan chơi bóng. Nhưng khác với hợp đồng thương mại của Huỳnh Đức, hậu vệ Trung Tuấn khoác áo Cảng Thái Lan vì anh dính nghi án cá độ khi chơi cho HAGL ở cúp châu Á và bị LĐBĐ Việt Nam (VFF) treo giò 3 năm.

Mức lương mà Trung Tuấn nhận được khi ấy khoảng 400 USD/tháng. Sau quãng thời gian đá cho Cảng Thái Lan, Trung Tuấn về nước nhưng không còn giữ được phong độ đỉnh cao và dần đi vào quên lãng.

Cũng như Lương Trung Tuấn, tiền đạo Nguyễn Việt Thắng nhận án treo giò 3 năm từ VFF vì nghi án bán độ và được tạo điều kiện sang Porto B thi đấu để duy trì khả năng. Sau khi hết hạn treo giò tại V.League, Việt Thắng trở lại và chơi cực hay cả trong màu áo Gạch Đồng Tâm Long An cũng như ĐT Việt Nam. Anh chính là người có đóng góp rất lớn giúp ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2008.

img

Nguyễn Việt Thắng (giữa) từng sang Porto B và sau đó rất thành công khi trở lại Việt Nam

Cựu thủ quân của ĐT Việt Nam là Lê Công Vinh từng 2 lần xuất ngoại. Lần đầu tiên, CV9 chơi cho Leixoes của Bồ Đào Nha vào năm 2009 theo sự giới thiệu từ cựu HLV ĐT Việt Nam Henrique Calisto. Lần thứ hai Công Vinh ra nước ngoài là tới Consadole Sapporo vào năm 2013. Ở cả 2 CLB, Công Vinh đều có những dấu ấn nhất định và anh từng được coi là cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thành công nhất, đồng thời nhận lương cao nhất (nhận 7.000 USD/tháng trong 5 tháng chơi cho Consadole Sapporo).

img

Cựu tiền đạo Lê Công Vinh (trái) từng ghi dấu ấn trong màu áo Leixoes

Cầu từng gây tiếng vang cực lớn cách đây hơn 10 năm là cựu tiền vệ Nguyễn Hữu Thắng. Năm 2008, Thắng “Thòn” sang Mỹ thử việc ở Los Angeles Galaxy, đội bóng từng sở hữu vô số siêu sao như David Beckham, Landon Donovan, Robbie Keane... Tuy vậy, Hữu Thắng không tạo được nhiều dấu ấn trong các cuộc sát hạch và phải trở về Việt Nam sau vài tuần.

Trong vài năm gần đây, thế hệ cầu thủ trẻ tài năng của HAGL nổi lên rất nhanh và thường xuyên được ông bầu Đoàn Nguyên Đức tạo điều kiện cho ra nước ngoài thi đấu. Tiền vệ Tuấn Anh từng chơi cho Yokohama tại Nhật Bản. Tiền vệ Xuân Trường đã đá cho 3 CLB là Incheon, Gangwon của Hàn Quốc và Buriram thuộc Thai.League.

Nổi nhất trong số “những đứa trẻ của bầu Đức” là tiền đạo Công Phượng. Cầu thủ xứ Nghệ từng tới Nhật chơi cho Mito Hollyhock, sang Hàn khoác áo Incheon và hiện tại là thành viên của Sint-Truidense, đội bóng đang thi đấu ở giải VĐQG Bỉ.

Điểm chung của tất cả các cầu thủ HAGL ra nước ngoài là họ đều chơi theo dạng cho mượn. Bên cạnh đó, dù rất nỗ lực, nhưng bộ ra nói trên đều chưa tạo được thành công như kỳ vọng của bầu Đức cũng như người hâm mộ.

img

Công Phượng hiện là cầu thủ của lò đào tạo HAGL đang chơi bóng tại Bỉ

Tính đến thời điểm này, cầu thủ được coi là đắt giá nhất cũng như thành công nhất của bóng đá Việt Nam khi chơi bóng tại nước ngoài là thủ môn Đặng Văn Lâm. Sau thành công rực rỡ cùng ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, Đặng Văn Lâm trở thành “thỏi nam châm” có sức hút cực lớn với nhiều đội bóng nước ngoài.

Sau một thời gian theo đuổi, CLB Muangthong United của Thái Lan đã có được chữ ký của Đặng Văn Lâm. Theo nhiều nguồn tin, để chiêu mộ được Lâm “Tây”, Muangthong đã phải chi tới 500.000 USD. Mức lương thủ môn này nhận mỗi tháng là khoảng 10.000 USD kèm theo nhiều chế độ đãi ngộ khác.

“Đắt xắt ra miếng”, với cái mác thủ môn đắt giá nhất trong lịch sử đội bóng, Đặng Văn Lâm đã chơi cực xuất sắc và ổn định. Từ đầu mùa, Văn Lâm luôn là sự lựa chọn số một trong khung gỗ của Muangthong và có nhiều trận đấu, anh là người chơi hay nhất đội.

img

Đặng Văn Lâm (phải) hiện được coi là cầu thủ Việt Nam đắt giá nhất và thành công nhất khi chơi bóng ở nước ngoài

Lúc này, hậu vệ Đoàn Văn Hậu đang thu hút sự chú ý khi CLB Hà Nội xác nhận sẽ để anh sang Hà Lan chơi bóng cho Heerenveen theo hợp đồng cho mượn có thời hạn 1 năm. Với tài năng đã được kiểm chứng, cộng thêm thể hình rất lý tưởng và độ tuổi còn rất trẻ, Văn Hậu được kỳ vọng sẽ thi đấu tốt, tạo dấu ấn đậm nét tại môi trường bóng đá châu Âu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem