Tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường cho nông dân

Thứ hai, ngày 21/05/2012 05:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Văn Lâm là huyện ở phía bắc tỉnh Hưng Yên, giáp thủ đô Hà Nội, có các khu công nghiệp Phố Nối A, Đại Đồng... đang phát triển mạnh.
Bình luận 0

Với dân số 97.519 người, đại bộ phận người dân Văn Lâm có trình độ dân trí khá cao, đổi mới cách nghĩ cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, tích cực ủng hộ xây dựng nông thôn mới...

Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển kinh tế, các khu làng nghề ở Văn Lâm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Điển hình, thôn Đông Mai (xã Chỉ Đạo) có nghề tái chế chì từ nhiều năm, mỗi ngày thải ra không khí hàng tấn khói bụi.

Nguyên liệu nấu chì là phế thải từ bình ắc quy đổ bừa bãi, vứt bỏ khắp đường làng ngõ xóm. Còn làng Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh) có 900 hộ dân thì có tới 99% số hộ làm nghề tái chế rác. Hầu hết các cơ sở sản xuất ở đây đều chưa có ý thức trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường.

Vì vậy, Hội Nông dân huyện Văn Lâm đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ mội trường cho người dân. Hội các cấp đã tổ chức các lớp học, vận động bà con tham gia các buổi tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Thụ-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Lâm cho biết: “Hội ND Văn Lâm coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động nông dân chấp hành pháp luật, nhất là các quy định về bảo vệ môi trường trong các làng nghề, khu công nghiệp. Năm 2011, các cấp hội tổ chức 24 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 2.845 lượt hội viên, nông dân.

Tại Hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật và xây dựng nông thôn mới” tỉnh Hưng Yên năm 2011, vượt qua gần 40 thí sinh, các thí sinh thuộc đoàn Hội ND huyện Văn Lâm đã đoạt giải nhất... Thông qua các hoạt động này, bà con nông dân đã hiểu biết hơn về các yêu cầu, quy định về bảo vệ môi trường”.

Hiện nay, toàn huyện Văn Lâm có 3 câu lạc bộ pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nông dân ở các xã Lạc Đạo, Đại Đồng, Trưng Trắc đang duy trì tốt và có hiệu quả. Nhiều hoạt động của câu lạc bộ thu hút được đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân, đặc biệt là việc xây dựng môi trường sống an toàn. Từ đó, mỗi nông dân lại là tuyên truyền viên tích cực, có nhiệm vụ vận động, tư vấn, giải thích những vướng mắc cho nông dân tại cơ sở, đó cũng là cách giúp dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Ông Nguyễn Ngọc Thụ cho biết thêm: "Trước đây đa phần người dân chưa hiểu luật nên làm gì cũng e dè, không biết có vi phạm luật hay không? Sau khi tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ pháp luật, được phổ biến, nghiên cứu các tài liệu, hiểu biết về pháp luật của bà con được nâng lên, góp phần đảm bảo an ninh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương".

Thấy rõ hiệu quả nên thời gian tới, Hội ND Văn Lâm sẽ mở rộng thêm mô hình câu lạc bộ pháp luật, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, đưa pháp luật dần trở thành thói quen trong ứng xử hàng ngày của nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem