Tuyển Việt Nam thắng Macau Trung Quốc: Thắng mà chưa vui

Thứ tư, ngày 29/06/2011 21:45 PM (GMT+7)
Dân Việt - Thắng đậm 6-0 trước Macau Trung Quốc song đội tuyển bóng đá Việt Nam vẫn để lộ ra căn bệnh trầm kha: Không biết chơi tấn công.
Bình luận 0

Diễn biến trận đấu tối 29.6 trên sân Thống Nhất, TPHCM cho thấy, đội tuyển Việt Nam khó có thể hy vọng trở thành một đội bóng đẳng cấp nếu bản thân các cầu thủ vẫn ám ảnh tâm lý cửa dưới. HLV Goetz đã làm tất cả những gì có thể để tạo tâm lý tự tin cho các cầu thủ nhưng những điều mà ông nhận được chỉ là: Di chứng của căn bệnh mang tên "Kẻ dưới cơ".

img
Đội tuyển Việt Nam dễ dàng thắng đậm trước đối thủ Macau Trung Quốc. Ảnh: Đức Đồng

Máy ép thiếu lực

Trái bóng trên sân Thống Nhất tối 29.6 thuộc quyền sở hữu của đội tuyển Việt Nam, các cầu thủ của chúng ta thoải mái rê dắt, vô tư sửa má ngoài, đủng đỉnh cứa lòng trong… nhưng chẳng toát lên điều gì. Căn bệnh cũ lại tái phát, người hâm mộ lại nhớ đến trận Việt Nam gặp Đông Timor ở SEA Games 25, Đông Timor khi ấy còn thiếu chuyên nghiệp gấp nhiều lần Macau bây giờ, nhưng phải đến phút thứ 53 chúng ta mới ghi được bàn thắng.

Tại trận đấu gặp Macau, bàn thắng đầu tiên mang đậm nét dấu ấn của đội tuyển vốn quen lối chơi “phòng ngự - phản công”. Phải từ một tình huống cố định, Thành Lương mới tạt bóng cho Công Vinh ghi bàn. Đến tận bàn thứ hai cũng vẫn kịch bản cũ, sau khi dẫn trước một bàn, Việt Nam ngay lập tức đá chùng lại và đột ngột phản công và Thành Lương lại tạt và để Công Vinh lao vào theo phương án “được ăn thua chịu”.

Khi thế trận đã an bài thì người hâm mộ vẫn thèm lắm một bàn thắng “có đường, có nét” thể hiện bài bản, mảng miếng rõ ràng. Và xét về mặt thực tế, với một đội bóng kém như Macau, những cầu thủ của chúng ta có đủ kỹ thuật để thực hiện những “bài tập” trên sân Thống Nhất với một tâm lý đàn anh rõ rệt.

Bàn thắng thứ ba đến theo motip cũ: Lao vào thủ môn để kiếm quả phạt đền. Chiếc máy ép mang tên Việt Nam quá thiếu lực dù những dòng dầu vẫn chảy, đơn giản vì nguyên liệu quá mềm.

Nếu không phải là Macau?

Nếu đối thủ không phải là Macau, có lẽ sẽ không có cú hatrick của Công Vinh, kể cả với các đối thủ ngay trong khu vực. Có thể khẳng định điều này vì ba bàn thắng của Vinh khó có thể thực hiện được trước những hậu vệ cao to, chơi bóng bổng tốt như Singgapore, Malaysia… Lại càng khó có thể ghi được bàn thắng ấy trước Thái Lan bởi việc ngăn chặn bóng xuống biên (để có bóng cho Thành Lương tạt) là sở trường của Thái Lan suốt bao lâu nay.

Lối chơi “đóng khung” là tìm mọi cách đưa bóng cho Thành Lương để cầu thủ này lao xuống biên tạt bóng là lối chơi không thể chấp nhận với một đội bóng cửa trên như Việt Nam trong trận vừa rồi. Không chỉ sợ bắt bài mà lối đá ấy tạo nguy hiểm cho các cầu thủ chủ chốt, nhất là Thành Lương.

Nếu các cầu thủ Macau “bạo chân” hoặc có “kinh nghiệm” hơn tí chút, có lẽ Thành Lương đã phải nhiều lần nằm sân. Chỉ những đội bóng ở thế yếu mới chơi lối bóng đá “trăm bó đuốc cũng bắt được con ếch” như thế.

Các bàn thắng sau đó đến tuần tự bởi Macau đã quá mệt mỏi. Macau quá mệt mỏi bởi đối phương của họ (tức chúng ta) cũng chẳng biết tiếc sức. Bấy lâu nay, ai cũng biết thể lực của cầu thủ Việt Nam có vấn đề, tuy nhiên vấn đề không phải là các cầu thủ Việt Nam yếu mà đơn giản là họ không biết phân phối sức một cách hợp lý.

Việc “cháy hết mình” với từng trận đấu là cần thiết nhưng không hợp lý trong một cuộc đua dài hơi, nhất là trước một đối thủ dưới cơ đứng thứ 180 thế giới như Macau.

Cảm ơn Goetz với đội hình 4-4-2, cảm ơn sự “hồi sinh” của Công Vinh và xin ngẫm nghĩ về lối chơi của đội tuyển Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem