Tờ Financial Times hôm 19/12 trích dẫn dữ liệu từ các văn phòng thống kê quốc gia đưa tin lĩnh vực doanh nghiệp trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi làn sóng phá sản, vốn xảy ra với tốc độ hai con số chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.
Tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp ở Mỹ tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái trong 12 tháng tính đến tháng 9. Trong khi ở Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), số vụ phá sản đã tăng 25% từ tháng 1 đến tháng 9 so với cùng kỳ năm trước.
Trên khắp EU, số công ty phá sản đã tăng 13% trong 9 tháng tính đến tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất trong 8 năm.
Vào tháng 10, Pháp, Hà Lan và Nhật Bản đã xảy ra số vụ phá sản tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Với phần lớn thành viên là các quốc gia giàu có, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gần đây cũng báo cáo rằng ở một số quốc gia thành viên, bao gồm các quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan, tỷ lệ phá sản đã vượt mức xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Anh và xứ Wales cũng chứng kiến tình trạng vỡ nợ cao nhất kể từ năm 2009 vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay.
Ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại công ty tài chính Capital Economics, nói với Financial Times rằng xu hướng này đã chủ yếu là do tình hình lãi suất cơ bản cao hơn và do các công ty được gọi là “xác sống”. Các công ty này vốn vượt qua thời khó khăn do COVID-19 chỉ nhờ sự hỗ trợ của chính phủ.
Nhiều chương trình hỗ trợ lớn của chính phủ dành cho các công ty và hộ gia đình trong thời kỳ đại dịch phần lớn đã bị hủy bỏ, trong khi các ngân hàng trung ương liên tục nâng lãi suất để nỗ lực kiềm chế lạm phát đang gia tăng.
Theo chuyên gia, xu hướng phá sản ồ ạt sẽ tiếp diễn do nhiều doanh nghiệp phải tái cấp vốn nợ với lãi suất cao hơn trong những tháng tới, bất chấp khả năng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương được dự báo đã lên đến đỉnh điểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.