Bỗng chốc lên đời
Trong quá trình thực hiện loạt bài về những số phận sau khi trúng xổ số tiền tỷ, người viết được nghe rất nhiều câu chuyện đến Trần Kim Hùng (hay còn gọi Hùng “xe ôm”) ở Phường Tân Mai, TP.Biên Hòa. Dù chuyện của anh Hùng trôi qua đã gần chục năm, nhưng giai thoại và những lời đàm tiếu thì vẫn còn nguyên vẹn.
Khi chúng tôi lặn lội tìm đến địa chỉ nhà gặp nhân vật thuộc diện “đặc biệt” này thì rất ít người biết. Phải nhờ đến sự chỉ dẫn của những người quen từng một thời rong ruổi xe ôm với Hùng, phóng viên mới tiếp cận được “tỷ phú” xổ số một thời có tính cách khác người này.
Hàng ngày Hùng vẫn bám mặt chạy xe ôm kiếm sống
Ngồi vắt vẻo trên chiếc xe máy cà tàng, mắt đảo như rang lạc chờ đợi khách, người đàn ông khoác trên mình bộ quần áo cũ rích dường như chẳng có chút dáng vẻ gì của một… tỷ phú. Ngay ngã tư sầm uất giữa lòng thành phố Biên Hòa, sau cái bắt tay làm quen có phần gượng gạo, anh bảo: “Thời vàng son của đời tôi đã khép lại rồi. Giờ chạy ăn từng bữa mới thấy tiếc. Ngày ấy, tôi nông nổi quá, thích chơi trội nên giờ hối hận cũng đã muộn”.
Cái ngày ấy, theo như lời người đàn ông tuổi hơn 40 thì cũng cơ cực chẳng khác mấy so thời điểm hiện tại, có chăng chỉ là “một phút lóe sáng” trở thành tỷ phú rồi bỗng chốc vụt tắt.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, anh liên tục rít thuốc lá, đôi mắt mơ màng nhớ về kiếp đời chìm nổi: “Tôi quê gốc ở Bắc Giang, thất học từ bé nên lớn lên theo bạn bè vào đây sinh sống, lập nghiệp. Nói là lập thân cho oai chứ thực chất, thì tôi cũng chỉ biết mỗi việc làm thuê làm mướn cho người ta. Do có chút tay nghề làm thợ xây nên chỉ sau một thời gian ngắn đi phụ việc khuân vác nặng nhọc, tôi xin được vào một nhóm thợ hồ để làm tay thợ chính.
Mỗi ngày lao động, tiền kiếm cũng được trăm ngàn bạc. Nhưng cuộc sống chốn thành thị tốn kém, nhiều thứ chi tiêu, thành thử tôi làm mãi cũng chỉ vừa đủ ăn tiêu hàng tháng, không dư ra được đồng nào. Thậm chí, nhiều lúc tôi còn phải chạy ăn từng bữa, loay hoay đi mượn tiền để đóng phí thuê nhà.
Về sau, tôi tích góp, vay mượn mua được chiếc xe máy nên chuyển sang hành nghề xe ôm. Thời điểm những năm 2000, phương tiện xe buýt chưa thực sự hữu dụng như bây giờ nên cũng kiếm được kha khá. Khi có tiền, trong những lúc đứng chờ đợi khách, mấy người bạn xe ôm thường xuyên rủ tôi mua vé số tìm kiếm vận may. Và, tôi đúng là may thật…”.
Buổi chiều được xem là “vận may lớn nhất trong cuộc đời” của Hùng là lúc trên đường chở khách đi từ TP. Biên Hòa xuống huyện Nhơn Trạch. Trên đường đi, Hùng mau mồm trò chuyện mua vui, đến nơi vị khách hào phóng “boa” thêm cho anh hơn trăm ngàn tiền công. Cả ngày bám mặt với đường, Hùng phấn khởi trở về nhà và quyết định chiều đó không chạy xe nữa mà dành sức nghỉ ngơi.
Đang loay hoay đứng trước phòng trọ, có bà bán vé số đi ngang qua năn nỉ mời mua. Lúc đầu Hùng cố sức chối đẩy, nhưng thấy bà già đội áo mưa năn nỉ mãi, anh rút ví lấy 50.000 đồng tiền “lộc” khách cho mua mấy tờ vé số ủng hộ. “Nghĩ thấy tội nghiệp bà lão nên cũng mua vậy thôi. Nào ngờ vài hôm sau lúc rỗi khách, đến điểm bán vé số dò kết quả, tôi không tin nổi vào mắt mình nữa. “Trúng rồi (!)”. Tôi hét tướng lên khiến tất cả những người xung quanh tập trung dõi nhìn”, anh Hùng nhớ lại.
“Hơn 2 tỷ đồng”, anh bảo đó là số tiền cả đời làm xe ôm mình cũng chẳng dám mơ hay mảy may nghĩ đến, đã trở thành hiện thực. Chỉ trong thoáng chốc, anh tài xế ôm đã “lên đời”, thoát khỏi cảnh bầm giập cóp nhặt từng đồng tiền lẻ của nghề bám bụi mặt đường.
“Lên voi xuống chó”
Thói đời vốn dĩ cũng thật lắm trớ trêu, mà Hùng chính là trò đùa nghiệt ngã nhất của số phận may rủi. Ngày Hùng trúng số tiền tỷ, anh trở thành người nổi tiếng nhất khu vực này. Có ai ngờ mới ngày hôm trước, cánh xe ôm hành nghề còn thấy chàng trai 29 tuổi mặc cái quần xanh cũ mèm, khoác trên người chiếc áo sơ mi đầy bụi bặm, đầu lúc nào cũng đội nắng chang chang chạy ngoài đường.
Vậy mà ngay sáng hôm sau, Hùng đã “lột xác” hoàn toàn với áo sơ mi phẳng phiu, quần ủi li thẳng tắp, giày da bóng lộn đến ngay chỗ hành nghề xe ôm mọi ngày của mình, giả vờ đứng đợi bạn, thực chất là để khoe mẽ với mọi người.
Sự đổi thay của Hùng từ lúc có tiền cũng khiến nhiều người cũng choáng ngợp. Lúc ấy, dãy trọ nơi chàng trai thuê ở trong một con hẻm ở P. Tân Mai là cảm nhận rõ nhất. “Nói thật nha, lúc ấy mấy người công nhân cùng khu trọ cứ nhìn tôi giống như từ trên trời rơi xuống vậy. Có người còn nghĩ, tôi đi ăn cướp tiền hay sao mà mua sắm hết cái này cái nọ, bỏ hẳn nghề xe ôm. Mãi về sau, khi tôi mua nhà, chuyển đi chỗ khác, họ mới biết được nguồn cơn sự việc”, anh Hùng kể.
Có tiền trong tay, Hùng cũng chứng minh cho bà con xung quanh nơi "làm việc" của mình rằng: "Tui cũng chơi được lắm à nha, chứ không phải là chỉ biết chạy xe ôm". Việc chứng tỏ đầu tiên của chàng trai gốc Bắc là tậu ngay căn nhà khá khang trang nằm trên trục đường Nguyễn Ái Quốc (P. Tân Phong, TP. Biên Hòa). Tiếp đó, anh tìm đến gặp gỡ bạn bè thuở hàn vi.
Đặc biệt hơn, khi nghĩ lại cảnh ngộ éo le của đám bạn cùng quê một thời vắt ráo mồ hôi cực lực mưu sinh, Hùng cứ nghe ai than nghèo kể khổ là rút ngay xấp tiền dúi vào tay bạn rồi rủ mọi người đi nhậu, đi hát hò, đàn đúm cho thỏa nỗi thèm khát hưởng thụ bấy lâu nay.
Tuy nhiên, đó chưa phải là cách vung tiền “dị” nhất của Hùng “xe ôm” một thời. Đến tận bây giờ, giai thoại được nhiều người kể nhất chính là cách tiêu tiền thuộc dạng “có một không hai” của một tỷ phú xổ số. Người ta đồn rằng, sau khi mua nhà, còn dư rất nhiều tiền, Hùng nghe tin một hãng mì tôm đang có chương trình khuyến mãi “ăn mì tôm trúng xe máy” nên rất hào hứng. Muốn sở hữu được xe máy thì phải bóc từng gói mì tôm ra rồi cào thẻ trúng thưởng tìm vận hên xui.
Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, Hùng cũng tin răm rắp và mua cả đống mì tôm về chất đầy nhà rồi kỳ cạch ngồi bóc từng gói mì để hy vọng sẽ trúng thưởng. Thế nhưng, hết gói mì này đến gói mì khác bị bóc mà cơ duyên may mắn vẫn ngoảnh mặt. Bao nhiều tiền của đã đổ ra, nhưng nỗi thèm khát được sở hữu xe máy của Hùng thì vẫn xa vời. Hùng xác nhận: “Câu chuyện đó là có thật. Chẳng hiểu sao thời đó mình dại quá, số tiền mua mì tôm đủ để tui mua cả chục chiếc xe máy chứ đâu có ít, đến khi giật mình nhìn lại thì đã quá muộn”.
Khi số tiền dần vơi, Hùng lại tìm đến vé số, lô đề, bài bạc như một thứ bùa hộ mệnh nhằm cứu vớt lại những gì đã ném vào những sở thích vô bổ và các cuộc ăn chơi trác táng. Tuy nhiên, quy luật cuộc đời với câu nói: “Cờ bạc là bác thằng bần, lô đề ra đê mà ở” lại ứng nghiệm với Hùng. Sau khoảng thời gian “chói sáng” và ngập chìm trong những cuộc chơi vận mệnh đầy may rủi kia, Hùng trượt dốc thảm hại.
Ngày qua ngày, anh lún sâu thêm vào mà không thể rút chân ra khỏi những cuộc chơi, bỏ tiền đầu tư thì nhiều mà những lần thu về thì rất ít. Càng thua bài bạc, Hùng lại như con thiêu thân biết chết nhưng vẫn lao vào lửa, điên cuồng cố gắng tìm kiếm vận may nhằm hy vọng gỡ gạc và quay về những ngày sung sướng. Nhưng hy vọng ấy là quá xa vời, Hùng bán xe, nhà cửa, đồ đạc vung tiền vào những con số. Chỉ vỏn vẹn trong gần 2 năm, Hùng “tỷ phú” lại trở về cuộc sống túng bấn chưa hẹn ngày kết thúc…
Vẫn mơ trúng số
Lại đi thuê trọ, lại chật vật bám đường làm xe ôm..., kiếp nghèo vẫn đeo bám Hùng đằng đẵng cho đến tận bây giờ. Nhưng, có điều lạ là dù tay trắng, Hùng vẫn chưa mất kiên nhẫn với hành trình đi tìm vận may từ vé số. Hàng ngày, tiền kiếm được ngoài việc chi tiêu cá nhân, đổ xăng xe, tất cả đều được anh ta ném vào các xấp vé số. Đôi lần, Hùng cũng trúng, nhưng chỉ là giải thưởng vài trăm ngàn đồng khích lệ.
|
Hữu Huấn (Đời sống & Pháp luật)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.