14 năm và 1 bài học
Cách đây 14 năm, tại giải U16 châu Á 2000 tổ chức trên sân Chi Lăng (Đà Nẵng), U16 Việt Nam với nòng cốt là những điểm sáng lò SLNA: Văn Quyến, Như Thuật, Ánh Cường, Minh Đức, Lâm Tấn… từng thắng Trung Quốc 3-2 để xếp hạng 4. Ngày ấy, người hâm mộ nước nhà cũng lên cơn sốt với bao kỳ vọng về một lứa cầu thủ đầy tài năng. Nhưng kết cục chẳng ai ngờ tới là “cậu bé vàng” Văn Quyến cùng những đồng đội đã dính tiêu cực ở SEA Games 2005. Một kết thúc chóng vánh và quá đau lòng với các cổ động viên chân chính.
Giờ đây, đến lượt U19 Việt Nam với nòng cốt là các thành viên Học viện Bóng đá HAGL-Arsenal JMG thu hút sự chú ý của dư luận. Sức nóng còn mãnh liệt hơn khi trong khoảng 5 năm qua, kể từ sau danh hiệu vô địch AFF Cup 2008, BĐVN xuống dốc không phanh ở mọi cấp độ. Nói cách khác, nhiều người yêu môn thể thao vua đã coi U19 như cái phao cứu vớt niềm tin, để có thể tiếp tục sát cánh cùng bóng đá nước nhà. Nói không quá, nếu không có U19 thì có lẽ lúc này đã có một làn sóng đòi tẩy chay bóng đá chuyên nghiệp vốn tiêu tốn “núi tiền” mà chỉ mang lại những nỗi đau, sự thất vọng!
Vậy thì ủng hộ U19 Việt Nam là đúng. Lối chơi bóng vị nghệ thuật của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Đông Triều, Văn Sơn… xứng đáng nhận được những tràng pháo tay biểu dương. Nhưng cũng không nên quá tô vẽ để rồi lại rơi xuống đáy vực của sự thất vọng. Cần nhận rõ họ cũng chỉ là lứa U19 của một nền bóng đá thuộc “vùng trũng”.
Quan trọng là cái gốc
Việc U19 Việt Nam thua U19 Myanmar 3-4 ở trận chung kết giải U22 Đông Nam Á diễn ra ở Brunei cuối tháng 8 vừa qua đã giúp giới chuyên môn có cách nhìn chân xác hơn về những “hạt ngọc” của BĐVN. Trao đổi với phóng viên NTNN, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh bày tỏ: “Bầu Đức là một cánh chim đầu đàn, làm tấm gương kéo theo những con chim khác đi về đúng hướng. Trong tương lai, BĐVN cần có thêm nhiều Học viện như HAGL-Arsenal JMG thì mới có thể phát triển bền vững, mới “bay” đi xa được”.
Còn ngôi sao Lê Công Vinh nói: “Tôi không bất ngờ về kết quả của U19 Việt Nam tại giải U22 Đông Nam Á. Thực tế, đào tạo trẻ của Việt Nam còn thua nhiều so với Thái Lan. Trong bóng đá, thắng-bại ở một giải đấu cụ thể không nói lên được nhiều điều. Chúng ta cần phải biết rõ bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… có một khoảng cách lớn đối với BĐVN. Cái “nền” đào tạo trẻ ở những nước này đều tốt hơn chúng ta rất nhiều. Tại giải U19 Đông Nam Á sắp tới, U19 Việt Nam sẽ còn có dịp nhận rõ hơn năng lực của mình, trước khi bước vào giải U19 châu Á ở Myanmar vào tháng 10”.
Minh chứng rõ nhất là theo ghi nhận của phóng viên Báo NTNN trong những lần tác nghiệp tại Bangkok (Thái Lan), có thể thấy thể thao trường học ở xứ chùa vàng thực sự là mơ ước đối với thể thao Việt Nam. “Hầu hết trẻ em đều được học ở trường với các HLV tới từ các câu lạc bộ chuyên nghiệp. Thái Lan có rất nhiều giải đấu phong trào để kiểm tra chất lượng, sàng lọc các vận động viên “nhí”. Chỉ tính riêng môn bóng đá, chúng tôi có 4 giải đấu của trường học lớn bao gồm Trường Bangkok Cristian, Suan Kularb, Debsirin, Assumsion. Ở giải đấu này, có rất nhiều trẻ em tự nguyện tham gia và số lượng lên đến hơn 10.000 em” - nhà báo Krisana Payung của kênh truyền hình FBS (Thái Lan) chia sẻ.
Ông Somsak Sirithum - Trưởng đoàn U19 Thái Lan dự giải U19 ĐNÁ cho biết: “Chúng tôi đã có thêm 5-6 sự bổ sung và hoàn toàn tự tin vào khả năng của mình. Chúng tôi hy vọng sẽ tái ngộ U19 Việt Nam ở bán kết để trả “món nợ” thua 0-1 ở bán kết giải U22 ĐNÁ vừa qua”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.