Đừng trách Văn Trường
Với tất cả nỗ lực thi đấu vì màu cờ sắc áo, các tuyển thủ U19 Việt Nam gần như đã vắt kiệt sức để tạo nên một thế trận tốt trước đương kim vô địch U19 Hàn Quốc trong 45 phút đầu tiên. HLV Guillaume luôn đứng sát bên đường biên để nhắc nhở các học trò đến từng… chi tiết. Nhưng cuối cùng, có cố đến đâu đi nữa, U19 Việt Nam vẫn không thể khỏa lấp đi những hạn chế về thể hình, thể lực so với đối phương.
Khi còn khỏe, U19 Việt Nam đã giữ được bóng và khiến ý đồ đánh nhanh, thắng nhanh của đội bóng xứ kim chi thất bại. Và nếu may mắn hơn, cú đánh đầu của Tiến Dũng cuối hiệp 1 không bị xà ngang từ chối, U19 Việt Nam có bàn dẫn trước. Khi đó, có lẽ U19 Hàn Quốc sẽ phải mất nhiều sức lực hơn nữa để đi tìm chiến thắng trong trận mở màn, thay vì có thể chơi ung dung trong nửa sau của trận đấu.
Đến đây, có thể ai đó sẽ đồng ý với ý kiến của cựu tuyển thủ Phạm Như Thuần khi bình luận trên kênh VTV6 ngỏ ý trách thủ môn Văn Trường. Và đúng là Văn Trường chưa thực sự là một “người gác đền” xuất sắc thật. Nhưng về cơ bản, phải thừa nhận U19 Việt Nam đã thua một cách tâm phục khẩu phục. Trong một thế trận bị dồn ép liên tục, đối thủ rất nhanh và khỏe, hàng thủ U19 Việt Nam đã phải làm việc quần quật ngay từ những phút đầu tiên cho tới khi nhận bàn thua phút 45. Và rõ ràng nếu không có sự tập trung, tỉnh táo của bộ đôi trung vệ Tiến Dũng-Xuân Hưng, đến ngay cả đội trưởng Công Phượng cũng phải lùi về tham gia phòng thủ, thì có lẽ U19 Việt Nam sẽ còn thua sớm hơn.
>> Xem lại trận thua 0-6 của U19 Việt Nam trước U19 Hàn Quốc
Trận thua của cả nền bóng đá
Sau bàn thắng của Lee Jeongbin cuối hiệp 1, nhiều người hiểu trận đấu gần như đã khép lại với U19 Việt Nam. Chúng ta thua thiệt về nhiều mặt mà lại buộc phải chơi tấn công tìm bàn gỡ thì việc để thủng lưới thêm chẳng có gì lạ. 5 bàn thắng tiếp lần lượt đến với U19 Hàn Quốc theo một kịch bản rất dễ dàng lần lượt do công của Kim Gunhee (phút 55, 90’+1), Shim Jehyeok (60’), Hwang Heechan (66’), Paik Seung Ho (77’).
Trận thua 0-6 của U19 Việt Nam chiều qua khiến nhiều người nhớ lại trận thua 0-7 của thầy trò HLV Guillaume trước U19 Nhật Bản ở giải giao hữu quốc tế hồi đầu năm nay tại TP.HCM. Và trận thua chiều qua cũng là một minh chứng rõ nhất để tất cả cùng nhìn nhận lại U19 Việt Nam không phải là một điều gì đó đặc biệt để có thể mơ mộng hoang đường. Kết quả thua 0-1 trước U19 Nhật Bản ở trận chung kết giải U19 Đông Nam Á 2014 trên sân Mỹ Đình cách đây 1 tháng đơn thuần chỉ màn ý nghĩa khích lệ, động viên mà những “người bạn” dành cho nhau mà thôi.
Muốn thi đấu ngang ngửa được với những đối thủ hàng đầu châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, bóng đá Việt Nam không còn cách nào khác phải đưa được bóng đá vào trong trường học, nâng được “cái nền” thể lực, sự hứng thú của trẻ em với môn thể thao vua. Tiếp đến, cần có thêm nhiều Học viện như HAGL-Arsenal JMG, thì may ra 20-30 năm nữa mới bắt kịp trình độ bóng đá châu lục.
Phía trước, U19 Việt Nam sẽ tái ngộ U19 Nhật Bản ở lượt đấu thứ 2 vòng bảng C VCK giải U19 châu Á 2014 chiều 11.10 tới. Và thật khó để tin U19 Việt Nam có điểm, chứ đừng nói tới việc chiến thắng. Xem ra, đây là lúc thầy trò HLV Guillaume nên hướng tới mục tiêu thiết thực nhất là chơi một trận ra trò trước U19 Trung Quốc ở lượt trận cuối vòng bảng chiều 13.10. Một kết quả tốt sẽ giúp người hâm mộ hài lòng, và cũng là lời đáp trả không thể tuyệt vời hơn trước những lời phát biểu có ý coi thường U19 Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung của HLV Zheng Xiong bên phía U19 Trung Quốc ngay trước thềm giải đấu.
Giáo sư Dương Nghiệp Chí - nguyên Cục trưởng Cục TDTT, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT: “Để có được lứa U19 hiện nay, những người làm bóng đá của Học viện HAGL-Arsenal JMG đã phải vất vả tới 7 năm. Khi không có cái nền đào tạo từ thể thao trường học, phải đi nhặt nhạnh nhưng bằng tâm huyết đã làm được thế là quá giỏi”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.