U22 Trung Quốc 0-2 U22 Việt Nam: Tiền nhiều có mua được thành công?

Thứ ba, ngày 10/09/2019 07:10 AM (GMT+7)
Đổ tiền tấn vào giải VĐQG trong nước và hệ thống đào tạo trẻ quy mô, song đến hiện tại, bóng đá Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Bình luận 0

Bóng đá Trung Quốc đã chi tiêu rất mạnh tay trong vòng một thập kỷ trở lại đây, với mong ước "hóa rồng" ở châu lục cũng như thế giới. Thế nhưng, họ lại thua trước một nền bóng đá "đi lên từ khó khăn" như Việt Nam...

img

Từ giải vô địch quốc gia...

Chinese Super League (Giải VĐQG Trung Quốc - CSL) được xem như là một trong những giải đấu hàng đầu châu Á, cả về quy mô, độ phủ sóng, cũng như về tiền bạc. Chính những yếu tố đó đã nâng cao chất lượng của giải đấu trong 3-4 năm trở lại đây.

Ban đầu, chỉ những ngôi sao đã qua thời kì đỉnh cao như Drogba, Tevez... mới rục rịch chuyển sang thi đấu đến đất nước tỉ dân. Dần dần, ngay chính những ngôi sao thực thụ, đang ở vào độ chín sự nghiệp cũng tìm đến với Trung Quốc. Có thể nêu ra một vài cái tên như Oscar, Ramires, Cedric Bakambu, Graziano Pelle hay mới đây là Fellaini.

img

Nói họ sang CSL vì tiền cũng có một phần đúng, nhưng như Pelle đã phát biểu: "CSL là một giải đấu có nền tảng để trở thành một giải đấu tầm cỡ quốc tế". Mà nền tảng đó, đến từ chính những đồng tiền của những tỉ phú, những ông trùm bất động sản có máu làm bóng đá.

Trong khi đó, giải VĐQG Việt Nam (V.League) vốn đã nhuốm màu tiêu cực trong quá khứ. Các đội bóng không có đủ tiềm lực tài chính thi nhau giải thể, một số ông bầu "chán" bóng đá" và bỏ mặc CLB trong đống hoang tàn.

Ở bối cảnh ấy, các học viện bóng đá trẻ ra đời, với mục tiêu là rèn giũa một lực lượng, đủ sức kế cận lớp đàn anh.

Nói về kinh tế, Việt Nam chẳng bằng một phần trăm của người Trung Quốc, vậy thì sao có thể so bì được giải VĐQG? Từ quy mô giải đấu, tiền bạc, cho đến mức độ truyền thông, chúng ta đều thua họ.

img

...cho đến chất lượng các đội tuyển

Quay trở lại Chinese Super League (CSL), mặc dù sở hữu toàn những "sao số", nhưng ban tổ chức lại có một điều luật đặc biệt đó là: Chỉ được phép đăng kí 4 ngoại binh trong danh sách, và tối đa 3 người được thi đấu trên sân. Ngoài ra, đội hình xuất phát phải có ít nhất 1 cầu thủ dưới 23 tuổi đá chính (U23).

Oái oăm nhất, đó là điều luật vừa mới bổ sung đầu mùa giải 2019: Thủ môn các CLB tham dự giải phải là người Trung Quốc! Có nghĩa là những Petr Cech, Gianluigi Buffon hay Iker Casillas sẽ chẳng bao giờ có cơ hội đặt chân lên đất Trung Quốc để chơi bóng!

Những điều luật kì quặc và độc đáo kể trên được LĐBĐ Trung Quốc (CFA) đặt ra, đều hướng đến mục đích cuối là nhằm "nâng tầm" các cầu thủ bản địa. Và tất nhiên, người hưởng lợi không chỉ là các thủ môn nội.

img

Tuy nhiên, vài năm dốc sức đầu tư tiền bạc và tâm sức vừa qua vẫn chưa thể giúp Trung Quốc nhanh chóng "thay da đổi thịt". 

Ở giải U23 châu Á năm 2018, U23 Trung Quốc bị loại ngay từ vòng bảng, dù được thi đấu trên sân nhà. Ở các giải trẻ châu lục, Trung Quốc cũng không có được thành tích tốt khi đều phải dừng chân sớm, thậm chí còn không qua được vòng loại như giải U16 châu Á năm 2018.

Tại các cấp độ ĐTQG, mọi chuyện cũng chẳng khá hơn. Vòng loại World Cup 2018, Trung Quốc xếp gần chót bảng vòng loại cuối cùng, chỉ hơn được Qatar và thua cả ĐT Syria ngay trên sân nhà.

Đến Asian Cup 2019, mặc dù Trung Quốc cũng vào tới tứ kết, nhưng màn trình diễn của thầy trò HLV Marcelo Lippi là khá nhạt nhòa. Họ cũng nhận không ít chỉ trích sau khi để thua 0-3 trước Iran ở tứ kết.

img

Vậy, tiền nhiều có thể mua được thành công?

Tỉ phú người Nga - Roman Abramovich, ông chủ của CLB Chelsea từng chia sẻ một câu nói bất hủ: "Cái gì không thể mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng... rất nhiều tiền!". Song nếu nhìn sang hai nền bóng đá Trung Quốc và Việt Nam, có lẽ ông sẽ phải suy nghĩ lại.

Nền bóng đá Việt Nam đã thực sự xuống đáy trong giai đoạn 2012-2013, khi mà từ ĐTQG đến U23 đều không qua được vòng bảng AFF Cup và SEA Games. Cho đến khi lứa cầu thủ trẻ của lò đào tạo HAGL - Arsenal JMG "ra ràng" với những cái tên như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... thì phong trào phát triển đào tạo trẻ, cũng như bóng đá học đường dần dần được phổ biến. Có thể kể ra những lò đào tạo trẻ ưu tú như Hà Nội, PVF, hay Viettel...

Chẳng cần phải vung ra quá nhiều tiền để làm lũng đoạn thị trường cầu thủ, giải VĐQG Việt Nam (V.League) vẫn dần lấy lại được vị thế, mang đến các trận cầu  với chất lượng chuyên môn ngày một cải thiện, thu hút được số lượng khán giả đến sân ngày một khởi sắc hơn.

Những yếu tố đó, chính là tiền đề tạo ra những quả ngọt trong hai năm 2018 và 2019.

img

Bắt đầu từ giải U23 châu Á năm 2018 diễn ra trên chính đất Trung Quốc, U23 Việt Nam đã khiến những nhà lãnh đạo bóng đá của đất nước tỉ dân cảm thấy xấu hổ. Sau chiếc HCB ở giải trẻ châu lục, với lứa cầu thủ đầy tài năng này, chúng ta đã bổ sung thêm những chiến tích: Bán kết ASIAD 2018, tứ kết Asian Cup 2019.

Đặc biệt, chức vô địch AFF Cup 2018 sau 10 năm chờ đợi là một sự khẳng định không thể thuyết phục hơn của một nền bóng đá "đi lên từ đống tro tàn".

Những thành công vang dội ở mọi đấu trường từ trẻ đến lớn cho thấy rằng, mọi thành tích chỉ có thể được xảy ra nếu như chúng ta biết cách đầu tư đúng đắn và phù hợp (không đồng nghĩa phải tốn rất, rất nhiều tiền).

img

Mới đây, CLB Hà Nội với lực lượng nòng cốt cho ĐTQG đã lập kì tích là đội bóng Việt Nam đầu tiên lọt vào một trận chung kết liên khu vực AFC Cup. Dần dà, sự khẳng định vị thế của bóng đá Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian, khác hẳn với bộ mặt trái ngược của bóng đá Trung Quốc.

Và ngày hôm qua, chiến thắng 2-0 của U22 Việt Nam trước U22 Trung Quốc, dù chỉ là một trận giao hữu, nhưng đã cho thấy sự khác biệt quá xa giữa hai nền bóng đá.

Ngày xưa, chúng ta thường thi đấu lép vé trước những cầu thủ to cao của "người hàng xóm phương Bắc". Nhưng ngày nay, nhìn cái cách mà Tiến Linh cùng các đồng đội áp đảo hoàn toàn so với đội chủ nhà, thì có thể khẳng định rằng, vị thế của hai nền bóng đá đã hoàn toàn đảo ngược.

Còn quá sớm để có thể kết luận được tất cả chỉ sau một trận đấu giao hữu. Nhưng đã đến lúc, các ông chủ làm bóng đá ở Trung Quốc có lẽ nên suy nghĩ lại. Tiền nhiều đúng là có thể mua được tất cả, nhưng chưa chắc đã có thể tạo ra được một ĐTQG mạnh.

Mà ĐTQG mới chính là bộ mặt đại diện cho nền bóng đá, chứ không phải là những siêu sao triệu đô kia!

UTC (Goal/VN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem