Với những ai quan tâm và theo dõi sát sao lứa đầu tiên của HAGL JMG Arsenal, hầu như tất cả đều nhận định, Tuấn Anh chứ không phải Công Phượng, mới là người giữ vai trò quan trọng nhất ở đội 1 HAGL và cả U19 Việt Nam trước đây.
Ngay cả bầu Đức cũng nói rằng, Tuấn mới là cầu thủ ông ưng ý nhất và thậm chí đã từ chối bán tiền vệ này cho các đối tác đến từ Hy Lạp, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuấn Anh không còn là chính mình dưới bàn tay của Miura.
Khi HLV Miura triệu tập tới 9 cầu thủ HAGL lên tuyển U23 Việt Nam, trong đó bao gồm cả Tuấn Anh, người hâm mộ rất kỳ vọng, tiền vệ này sẽ cùng với Xuân Trường hợp thành bộ đôi tiền vệ trung tâm của đội, đồng thời sẽ lại có cơ hội chứng kiến số 8 phô diễn khả cầm bóng, kiến tạo và giữ nhịp xuất sắc giống như cách anh từng khiến các cầu thủ U19 Trung Quốc phải ngán ngẩm. Thế nhưng, rất tiếc điều đó không xảy ra.
Ở U23 Việt Nam, chàng lãng tử Tuấn Anh ngày nào bị biến thành robot. Mỗi khi có bóng trong chân, Tuấn Anh liền chuyền như một cái máy, chứ không dám sử dụng kỹ thuật cá nhân để gây bất ngờ cho đối phương. Sở dĩ Tuấn Anh phải thay đổi lối chơi là vì anh phải làm theo mệnh lệnh của HLV Miura. Nhà cầm quân người Nhật muốn xây dựng lối đá nhanh, một chạm nên yêu cầu các học tiết giảm những động tác thừa hay những tình huống lạm dụng kỹ thuật cá nhân.
Khi không còn là chính mình và lại không có đối tác quen thuộc Xuân Trường ở bên cạnh (chấn thương), Tuấn Anh đánh mất mình, trở thành một cầu thủ tầm thường trong đội hình U23 Việt Nam. Việc bị thay ra ở trận thắng U23 Malaysia và rồi không có tên trong trận đấu với U23 Nhật Bản đã nói lên điều đó. Ngồi trên khán đài theo dõi các đồng đội vất cả chống đỡ người Nhật, Tuấn Anh thực sự chạnh lòng. Chỉ mấy tháng trước thôi, anh từng khiến cho những Naomichi Ueda, Takuya Iwanami, Shoya Nakajima, Hiroki Akino, Gakuto Notsuda hay Takumi Minamino bở hơi tai, vậy mà giờ lại phải đứng ngoài trong cuộc tái đấu ở một cấp độ cao hơn.
“Thỉnh thoảng Tuấn Anh điện thoại về bảo tập luyện và thi đấu ở U23 Việt Nam có nhiều khó khăn nhưng con sẽ cố gắng. Tôi cũng chỉ biết động viên cháu là mỗi thầy mỗi khác, con từng vượt qua chấn thương đầu gối để trở lại nên bố tin là con sẽ làm được. Nhưng với đà này, tôi nghĩ cháu sẽ khó có chỗ đứng ở U23 Việt Nam và sau đó là đội tuyển U23 đá SEA Games”, ông Nguyễn Văn Dung, bố của Tuấn Anh, đã nói như thế khi thấy con trai mình thất thế ở U23 Việt Nam.
Giữa U19 Việt Nam và U23 Việt Nam có rất nhiều điểm khác biệt, đặc biệt là về mặt lối chơi và cách tiếp cận trận đấu. Nếu như U19 Việt Nam của Graechen sẵn sàng chơi đôi công với các đối thủ mạnh hơn và bất chấp phải nhận những thất bại nặng nề, thì U23 Việt Nam của Miura lại dựa trên tư duy không để lọt lưới. Bắt một cầu thủ có phong cách thi đấu kỹ thuật như Tuấn Anh phải tham gia tranh chấp bóng, thậm chí quyết liệt, không khác gì sự đánh đố. Rõ ràng với triết lý mà nhà cầm quân người Nhật đang xây dựng, những tiền vệ kỹ thuật như Tuấn Anh trở nên thừa.
Có rất nhiều CĐV đã tỏ ra thất vọng với lối chơi của U23 Việt Nam hiện giờ và cả cách mà Miura sử dụng Tuấn Anh. Họ muốn vị HLV 53 tuổi này trả lại cho họ một tiền vệ tài hoa của U19 Việt Nam ngày nào. Chiều nay, U23 Việt Nam sẽ đá trận cuối vòng bảng với U23 Macau và buộc phải thắng đậm. Có lẽ HLV Miura sẽ sử dụng Tuấn Anh và cho phép cả đội trở lại với lối chơi kỹ thuật. Hy vọng khi ấy, số 8 sẽ lại là chính mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.