Thu của người này bán cho người khác
Sau ngày đất nước thống nhất, 84 hộ dân người dân tộc Tày, Nùng ở miền Bắc tới xã Ea Phê, huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk lập nghiệp. Thế nhưng, khi cuộc sống của họ đang dần ổn định thì năm 1992, chính quyền xã Ea Phê đã ban hành một thông báo không số yêu cầu các hộ dân giải tỏa, di chuyển nhà để xây dựng cái gọi là “Cụm kinh tế kỹ thuật tại km 42”.
|
Đơn khiếu nại của ông Nhân và các văn bản về xử lý khiếu nại của ông. |
Theo điều tra của phóng viên NTNN, thời điểm xã Ea Phê ra thông báo ngày 24.7.1992 chưa hề có một cấp có thẩm quyền nào phê duyệt cụm kinh tế kỹ thuật này. Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 15.8.1992, chính quyền xã Ea Phê đã đưa máy ủi, máy xúc đến san phẳng diện tích đất của các hộ dân.
Với những sai phạm rõ ràng như vậy nhưng sau đó 3 tháng, UBND tỉnh Đăk Lăk vẫn phê duyệt cho xã Ea Phê làm cụm kinh tế kỹ thuật (quyết định ký ngày 28.10.1992). Việc xã Ea Phê ra thông báo giải tỏa nhà, đất của dân, cưỡng chế thu hồi đất của dân khi chưa hề có quyết định nào của cấp có thẩm quyền là vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
Thế nhưng, còn nghiêm trọng hơn khi việc cưỡng chế thu hồi đất của dân để phục vụ cái gọi là “Cụm kinh tế kỹ thuật km 42” ấy lại bị chính quyền xã phân lô bán nền trái phép cho hơn 50 người. Tiền thu từ bán nền được dùng bằng cụm từ mỹ miều “đóng góp xây dựng”. Ngày 16.4.1993, UBND tỉnh Đăk Lăk đã phải yêu cầu xã Ea Phê đình chỉ việc này.
Những tưởng việc làm sai trái của chính quyền xã Ea Phê sẽ bị xử lý, quyền lợi của dân sẽ được giải quyết, thế nhưng trong khi người dân vẫn mòn mỏi khiếu nại các cấp chính quyền thì ngày 26.10.1994, UBND tỉnh Đăk Lăk lại ra quyết định cho phép xã Ea Phê tiếp tục triển khai dự án.
Giải quyết không thỏa đáng, khiếu nại kéo dài
Do việc giải quyết khiếu kiện của người dân không thỏa đáng, 20 năm qua (1992-2012), người dân vẫn mòn mỏi khiếu kiện. Trao đổi với phóng viên NTNN ngày 9.8, ông Hoàng Văn Nhân – cựu chiến binh trú tại xã Ea Phê, cho biết: “Chính quyền các cấp cố tình đẩy sự việc vào sự đã rồi. Giải quyết khiếu kiện của người dân không thỏa đáng nên người dân chúng tôi còn theo kiện đến khi nào đòi được sự công bằng mới thôi”.
Theo tài liệu mà ông Nhân cung cấp, gia đình ông bị cưỡng chế thu hồi gần 2.500m2 đất trái pháp luật. Số đất của gia đình ông Nhân sau đó được giao cho 3 hộ là ông Y Ken, ông Đỗ Trọng Chính và bà Mai Thị Thường. Sau nhiều năm khiếu nại, 50 trường hợp được giao đất trái phép đã bị thu hồi, tuy nhiên đến năm 2009, trường hợp ông Y Ken được cấp đất trái phép trên nền đất nhà ông Nhân cũ vẫn chưa bị xử lý. Chỉ đến khi ông Nhân khiếu nại quá nhiều lần, năm 2009, UBND tỉnh Đăk Lăk mới ra Quyết định số 1069 giải quyết khiếu nại của ông.
Cách giải quyết khiếu nại của Đăk Lăk không triệt để, không thỏa đáng về quyền lợi của người dân đã khiến vụ việc kéo dài. Ông Nhân đã tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến một số cơ quan trung ương ở Hà Nội, trong đó có T.Ư Hội Nông dân Việt Nam.
Ông Nhân không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại này và tiếp tục khiếu nại. Ngày 19.8.2010, UBND tỉnh Đăk Lăk lại có Văn bản số 4217 giao cho các Sở: Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Tài chính và Thanh tra tỉnh kiểm tra, rà soát lại vụ việc.
Trong văn bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk Trần Sỹ Thanh nêu rõ: “Về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Hoàng Văn Nhân, khiếu nại xã Ea Phê tổ chức cưỡng chế phá dỡ nhà đang ở của gia đình ông, cưỡng đoạt lấy đất để bán cho các hộ, vụ việc đã được UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành xem xét xử lý. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng (Quyết định 1069). Tuy nhiên, qua xem xét lại cho thấy, còn một số chi tiết chưa được xem xét giải quyết”.
Thế nhưng, đến 12.8.2011, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk Trần Hiếu lại có văn bản trả lời ông Nhân: Nội dung giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh tại Quyết định số 1069 là phù hợp… (?!). Và mới đây, ngày 19.6.2012, một Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk khác là ông Đinh Văn Khiết cũng có văn bản trả lời ông Nhân với nội dung tương tự.
Nhóm PV điều tra
Vui lòng nhập nội dung bình luận.