Tại buổi lễ phát động, UBND huyện Hoàng Sa đã tiếp nhận nhiều tài liệu, hiện vật quý giá về quần đảo Hoàng Sa. Trong đó, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn đã tặng phụ bản Atlas Von China (Tập bản đồ Trung Quốc) do nhà xuất bản Verlag von Dietrich Riemer xuất bản tại Berlin (Đức) năm 1885, hiện đang lưu trữ tại kho sách hiếm của Thư viện Harvard - Yenching (Hoa Kỳ). Đây là tài liệu cho thấy Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Chủ tịch huyện Hoàng Sa tiếp nhận tư liệu, hiện vật.
NSƯT Huỳnh Hùng và Trí Trung cũng đã trao tặng bộ phim tài liệu “Nhớ đảo” nói về các nhân chứng đã từng làm việc, chiến đấu, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước ngày 19.1.1974; tiếp nhận bản đồ xã Hoà Long, quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thể hiện quần đảo Hoàng Sa thuộc quận Hoà Vang trước đây; tiếp nhận mô hình tàu Cảnh sát biển.
Tại buổi lễ, UBND huyện Hoàng Sa cũng đã nhận được 10 tư liệu, kỷ vật của Trung sĩ trọng pháo Nguyễn Thành Trọng (người đã tử trận trên hộ tống hạm Nhật tảo HQ10 trong trận hải chiến với Trung Quốc vào ngày 19.1.1974). Kỷ vật được trao tặng từ tay vợ và con trai của Trung sĩ Nguyễn Thành Trọng là bà Nguyễn Thị Lựa và anh Nguyễn Hoàng Sa.
Trong số tư liệu, kỷ vật này có giấy báo tử, trích lục khai tử do Bộ tư lệnh Hải quân - Quân lực Việt Nam Cộng Hoà phát hành ghi rõ: "Địa điểm, ngày tháng năm và duyên cớ sự chết: Hy sinh vì Tổ quốc ngày 19.1.1974 tại quần đảo Hoàng Sa trong trận hải chiến với chiến hạm Trung Cộng để bảo vệ lãnh hải Việt Nam Cộng Hoà".
Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP. Đà Nẵng cho biết, từ nhiều năm qua, nhiều cá nhân, tổ chức người Việt Nam trong và ngoài nước đã tự nguyện hiến tặng cho UBND huyện Hoàng Sa nhiều tư liệu, hiện vật quý hiếm.
Trong đó có nhiều bản đồ được vẽ từ những năm 1618 đến 1859, cho thấy vùng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Có những bản đồ các nước phương Tây vẽ về Trung Quốc từ năm 1626 đến 1980, cho thấy miền Nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam.
Ngoài ra, hai sách bản đồ Atlas, một cuốn do Nhà nước Trung Hoa phát hành tại Nam Kinh năm 1933, cuốn còn lại do Phái bộ truyền giáo Trung Quốc phát hành tại Anh năm 1908 cũng chỉ rõ lãnh thổ Trung Quốc dừng lại ở đảo Hải Nam.
Đặc biệt, các nhân chứng từng sống và làm việc tại quần đảo Hoàng Sa trước năm 1974 cũng đã trao tặng nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến Hoàng Sa vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý chứng tỏ người Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa trước khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974.
Tất cả những tư liệu, hiện vật ấy đều đang được chính quyền TP Đà Nẵng bảo quản vô cùng cẩn mật và sẽ được trưng bày một cách trang trọng tại Nhà trưng bày Hoàng Sa trong thời gian tới.
Dự kiến, đợt vận động hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Nhà Trưng bày Hoàng Sa sẽ kéo dài từ ngày 3.7 đến hết ngày 31.12 năm nay. Ngày 19.1.2017, đúng vào ngày 43 năm trước Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa, Ban tổ chức sẽ làm lễ tổng kết và đánh giá kết quả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.