Ứng dụng Big Data, trí tuệ nhân tạo để dự báo mưa cực ngắn
Ứng dụng Big Data, trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực dự báo khí tượng thuỷ văn
Bình Minh
Thứ sáu, ngày 29/07/2022 09:25 AM (GMT+7)
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, Trung tâm đã sử dụng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhận dạng xoáy thuận nhiệt đới tương tự trong quá khứ để đưa ra các kịch bản tác động, trong dự báo mưa hạn cực ngắn...
Ngày 28/7, Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo "Chuyển đổi số và công nghệ số trong lĩnh vực tài nguyên môi trường phục vụ phát triển bền vững" và Lễ ra mắt Câu lạc bộ nhà khoa học trẻ ngành tài nguyên và môi trường. Hội thảo với sự tham gia của 200 các nhà nghiên cứu khoa học trẻ...
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với gần 1.000 điểm cầu, từ đảo Song Tử Tây (Quần đảo Trường Sa) đến 600 điểm cầu truyền hình tại 7 sở, ngành thuộc 63 tỉnh, thành phố, các trường đại học có ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện hoạt động thiết thực hướng đến chào mừng Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (5/8/2002 - 5/8/2022). Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân dự và chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, Việt Nam đang đứng trước cuộc cạnh tranh về khoa học và công nghệ.
Do đó, việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học trong giới trẻ để góp phần kiến tạo một tương lai xanh là hết sức cần thiết. Việt Nam đã trải qua các giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đến nay là giai đoạn cần có sự bứt phá hơn, tuy nhiên chúng ta không thể bứt phá bằng tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ mà cần phải dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Để làm được điều đó, có rất nhiều điều phải chuẩn bị như: Chuẩn bị nguồn lực từ sớm, từ xa, chú trọng đào tạo từ các thế hệ trẻ; có như vậy, trong tương lai, nguồn nhân lực mới góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Theo PGS.TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, chuyển đổi số đang trở thành vấn đề tất yếu, sống còn của các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp... trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đối với lĩnh vực dự báo khí tượng thủy văn, Trung tâm đã sử dụng hệ thống dữ liệu lớn (big data), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhận dạng xoáy thuận nhiệt đới tương tự trong quá khứ để đưa ra các kịch bản tác động, trong dự báo mưa hạn cực ngắn...
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Dự báo viên Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, tác giả của công trình nghiên cứu đề xuất phương pháp nâng cao năng lực dự báo mưa lũ, nghiên cứu này đã đề xuất một phương pháp nâng cao năng lực dự báo mưa, lũ của một cặp mô hình khí tượng thủy văn bằng cách tạo ra lượng mưa tổ hợp (EPP) kết hợp với lượng mưa dự báo dựa trên ra đa và sai số không gian của lượng mưa dự báo.
Tiếp đó là công trình “Xây dựng ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu đề tài, dự án, nhiệm vụ chuyên môn phục vụ quá trình chuyển đổi số tại Viện Nghiên cứu biển và hải đảo” của nhóm tác giả Phạm Minh Dương, Trần Thanh Hải, Nghiêm Thanh Hải thuộc Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo.
Ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu đề tài, dự án, nhiệm vụ chuyên môn của Viện được xây dựng trên nền tảng Microsoft SQL Server 2017, phần mềm quản lý được lập trình bằng ngôn ngữ C# và mô hình MVC, giao diện thiết kế thân thiện, dễ sử dụng. Việc đưa vào vận hành ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu này là cơ sở quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý đề tài, dự án, nhiệm vụ chuyên môn của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo.
Tại hội nghị, Bộ TN&MT ra mắt Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành Tài nguyên và Môi trường gồm 12 thành viên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.