Ứng dụng công nghệ trong thanh toán giúp tiến trình kinh doanh không bị gián đoạn
Ứng dụng công nghệ trong thanh toán mang lại hiệu quả bất ngờ cho doanh nghiệp
Thanh Tùng
Thứ sáu, ngày 21/07/2023 12:15 PM (GMT+7)
Đó là quan điểm ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu lên tại hội thảo Hỗ trợ tài chính trên nền tảng công nghệ cho doanh nghiệp xuất khẩu, diễn ra vào sáng ngày 20/7.
Theo ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: "Từ khi Việt Nam thúc đẩy tiến trình hội nhập thông qua việc ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA), xuất khẩu của Việt Nam sang các khu vực thị trường tăng tích cực; thể hiện sự hội nhập chủ động và hiệu quả của nền kinh tế. Dù vậy, bên cạnh mặt tích cực, điều này cũng có thể mang lại rủi ro khi xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu và khối doanh nghiệp FDI.
Trong thời gian tới thị trường xuất khẩu của Việt Nam được dự báo tiếp tục được mở rộng, nhất là các thị trường có FTA như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên để nền kinh tế thực sự hưởng lợi thì doanh nghiệp phải tham gia được các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Cũng theo ông Nghĩa, giai đoạn nửa cuối năm 2022, đầu năm 2023 xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn thách thức, suy giảm nhu cầu tiêu dùng tại những thị trường lớn như Mỹ, EU… đã ảnh hưởng tới ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, tận dụng các thị trường có FTA, tìm kiếm thị trường mới các giải pháp cấp vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán rất quan trọng.
"Các ngân hàng, tổ chức tài chính hiện có nhiều chương trình dành riêng cho doanh nghiệp xuất khẩu, để từng bước cải thiện rủi ro trong thanh toán xuất nhập khẩu. Việc ứng dụng công nghệ trong thanh toán phù hợp với chuyển đổi số của doanh nghiệp, đảm bảo tiến trình kinh doanh không gián đoạn", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông Nghĩa, trong thời gian qua, VVCI đã hợp tác với các ngân hàng trong đó có các ngân hàng lớn như BIDV, VPBank… hay Quỹ Phát triển DNNVV và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện những hoạt động kết nối giữa các tổ chức tài chính với doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, đại diện VCCI mong muốn tạo cơ hội để các doanh nghiệp có thêm cơ hội để tìm hiểu thực trạng và các giải pháp cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận tài chính, trong đó có giải pháp mới về hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu trên nền tảng công nghệ số của OLEA.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.