Nạn tảo hôn chặn đứt tương lai của trẻ

San Nguyễn – Diệu Linh Thứ năm, ngày 27/10/2016 06:40 AM (GMT+7)
Tảo hôn chặn đứt tương lai của nhiều đứa trẻ, gia tăng thất học cũng như các vấn nạn như xâm hại tình dục, bạo lực gia đình. Tuy nhiên, tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn lên đến gần 30%.
Bình luận 0

Khó xử lý tảo hôn

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2015 của Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào DTTS ở mức 26,6%, thậm chí có những dân tộc tỷ lệ tảo hôn lên đến 50 – 60%. Vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ tảo hôn cao hơn so với các vùng khác. Bà Nguyễn Thị Tư – Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) cho biết, tỷ lệ tảo hôn cao nhất hiện nay thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội rất khó khăn như Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Raglay, Bru- Vân Kiều… Trong 53 DTTS được điều tra, 10 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 20-30%, 11 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 30-40%, 13 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 40-50%... Đặc biệt có tới 6 DTTS có tỷ lệ tảo hôn tới 50-60%. Trong độ tuổi 10-17, cứ 10 em trai thì có 1 em có vợ, 5 em gái có 1 em có chồng.

img

Tảo hôn khiến phụ nữ chịu nhiều gánh nặng về bệnh tật, đói nghèo, bạo lực gia đình. Ảnh minh họa. Ảnh: Diệu Linh

Bà Lại Thị Hải – Chủ tịch Hội Phụ nữ Điện Biên Đông (Điện Biên) cho biết, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện xảy ra nhiều. Đặc biệt đồng bào Mông chiếm tỷ lệ cao. Dù các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc rất nhiều, tuyên truyền chế độ chính sách, Luật Hôn nhân - Gia đình nhưng với người Mông chưa giảm hẳn. Ở 6 xã đông đồng bào Mông sinh sống của huyện, tỷ lệ kết hôn sớm và sinh con rất nhiều, chiếm tỷ lệ trên 30%. 

"Tảo hôn khiến hàng trăm đứa khẻ bị thất học, mù chữ, nghèo đói do nợ nần sau đám cưới làm kinh tế gia đình kiệt quệ. Bên cạnh đó, những cặp vợ chồng lấy nhau quá sớm nên hiểu biết, suy nghĩ chưa chín chắn dễ làm phát sinh những bạo lực gia đình, gây ra stress và trầm cảm sau những sang chấn về tâm thần. Trẻ em gái sau kết hôn thường bị bạn bè đồng lứa cô lập và bỏ rơi”.

Bà Đỗ Thị Quỳnh Hương 
- Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu
và Chất lượng dân số,
Tổng Cục DS- KHHGĐ (Bộ Y tế)

“Nguyên nhân, thứ nhất là các cấp chính quyền đã vào cuộc nhưng chưa sâu rộng. Cũng đã có hình thức xử phạt nhưng chỉ chiếu lệ. Muốn tình trạng này giảm, các cấp chính quyền, các đoàn thể phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa và nâng cao nhận thức cho người dân. Khi tuyên truyền phải có hình ảnh cụ thể để người dân hiểu về tác hại của nạn tảo hôn đến sức khỏe, đời sống và hệ lụy của gia đình, xã hội như thế nào. Thứ 2, cũng phải có biện pháp xử phạt, răn đe kịp thời một số trường hợp trẻ vị thành niên. Thứ 3, cũng nên biểu dương những dòng họ và những gia đình đã thực hiện tốt Luật Hôn nhân- Gia đình và có con cái không tảo hôn hoặc xây dựng gia đình không cận huyết thống” – bà Hải chia sẻ.

Ông Vàng Quốc Minh – Chủ tịch xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông phân trần: Ở xã vẫn còn tình trạng tảo hôn vì hiện nay phần lớn thời gian các em học ở trường. Các em đi học, thích nhau rồi tự dẫn nhau về. Bố mẹ không cho cưới lại ăn lá ngón tự tử. Làm bố mẹ cũng rất khó, biết tác thành cho các cháu là vi phạm pháp luật nhưng vẫn phải làm”.

Gia tăng bạo lực gia đình

Nghiên cứu về tảo hôn của Tổ chức Plan tại Việt Nam đối với 8.097 trẻ em từ 12-18 tuổi tại 146 thôn, bản ở Hà Giang, Lai Châu và Quảng Trị cho thấy, 85% trẻ em tảo hôn bỏ học giữa chừng, 3% chưa từng tới trường. Theo con số của Tổ chức Plan đưa ra, tại 3 tỉnh Hà Giang, Lai Châu và Quảng Trị, tỷ lệ kết hôn trẻ em lần lượt là 8,17%, 19,43% và 5,31%. Trong năm 2015, tại xã Bản Lang (huyện Phong Thổ, Lai Châu), trong số 303 bà mẹ mang thai có tới 73 trường hợp thai phụ dưới 18 tuổi. Trong số 136 trường hợp sinh con được ghi nhận, có 49 trường hợp là trẻ dưới 16 tuổi. Ở xã Thanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) năm 2014 có 29 trường hợp, năm 2015 có 35 trường hợp dưới 18 tuổi sinh con…

img

Tảo hôn là nỗi hối hận của nhiều em. Một em trai 17 tuổi, dân tộc Mông ở Hà Giang chia sẻ: “Trước khi cưới em có nhiều thời gian chơi, thoải mái hơn. Sau khi có vợ em phải chăm sóc cả gia đình, rất vất vả”. Còn em gái dân tộc Bru-Vân Kiều ở Quảng Trị thì hối hận: “Em lấy chồng từ khi 15 tuổi. Em phải nghỉ học sau khi cưới. Cuộc sống khổ hơn nhiều sau khi em sinh con. Giá như được quay lại em sẽ chẳng cưới chồng sớm nữa. Từ khi có con, em phải làm việc suốt, chẳng có thời gian nghỉ ngơi”.

Theo đại diện Plan, có một số phong tục đã bị biến tướng và thay đổi theo chiều hướng xấu như tục kéo vợ của người Mông, đi Sim của người Bru – Vân Kiều… Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ cưỡng bức kết hôn sớm. Điều đáng tiếc, nhiều trẻ em không lường trước được những hậu quả mà mình gặp phải khi kết hôn sớm nên khi gặp người mình “thích thích” là đòi cha mẹ cho cưới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem