Tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật loại bỏ khối u ung thư cho 1 bệnh nhân nữ. Đáng nói, dù mới 34 tuổi nhưng đây là lần thứ 2 chị lên bản mổ để cắt bỏ khối u ung thư của 2 loại ung thư khác nhau.
Bệnh nhân là chị N.N.N (34 tuổi địa chỉ tại Đông Triều - Quảng Ninh) đã liên tục phải trải qua thử thách của số phận khi liên tục được chẩn đoán ung thư các bộ phận khác nhau. Tuy nhiên, chị đã nỗ lực tuân thủ phác đồ điều trị, lạc quan hướng tới để chữa bệnh và tìm lại sức khỏe cho mình.
Theo lời chia sẻ của bệnh nhân, năm 2021, khi chị hạnh phúc với tổ ấm nhỏ, cùng chồng chăm sóc 2 con thơ và chuẩn bị đón thêm thành viên mới thì bỗng nhiên phát hiện khối u ở ngực. Khi đi khám, chị được chẩn đoán mắc ung thư và có chỉ định cắt bỏ toàn bộ vú phải.
Đang mang thai đứa con ở tuần thứ 3, chị đã vô cũng sợ hãi, lo lắng cho đứa con trong bụng, cũng sợ hãi nếu chị bệnh nặng, 2 con lớn sẽ mồ côi mẹ...
Ý nghĩ ấy khiến chị mất hết niềm tin vào cuộc sống, và chỉ muốn buông bỏ… Cuối cùng, với sự động viên của gia đình và sự tin tưởng vào y học, chị quyết định điều trị, trải qua phẫu thuật lấy thai, truyền hóa chất, phẫu thuật cắt toàn bộ vú phải, nạo vét hạch nách phải, rồi lại xạ trị... Sau gần 1 năm tuân thủ đầy đủ các đợt điều trị, sức khỏe của chị ổn định, và dần trở lại với cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, vừa mới phục hồi, tháng 9/2024, chị nội soi đại tràng và phát hiện polyp đại tràng, được cắt polyp qua nội soi. Khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm polyp là ung thư biểu mô tuyến, nỗi sợ và sự hoang mang lại ập đến.
"Bác sĩ nói mình cùng lúc mang 2 bệnh ung thư, không phải do di căn...”, chị N chia sẻ.
Theo bác sĩ Phạm Đức Tuấn, khoa Phẫu trị - Xạ trị & Y học hạt nhân, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, một số loại ung thư liên quan nhiều đến yếu tố di truyền như ung thư vú, buồng trứng, đại trực tràng.
Mặc dù gia đình chị N. có người mắc bệnh ác tính, nhưng theo y văn nghiên cứu và qua các kết quả xét nghiệm không thấy có yếu tố di truyền ở trường hợp này.
"Một người bị mắc 2 loại ung thư cùng lúc có thể xảy ra. Xác suất cao hơn nếu một trong hai là dạng ung thư phổ biến", bác sĩ Tuấn nhận định.
Trường hợp người bệnh N. phải được đánh giá sức khỏe toàn diện. Các bác sĩ Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn nhiều chuyên khoa: Sản, Ung bướu, Giải phẫu bệnh, Chẩn đoán hình ảnh để lên kế hoạch điều trị cho người bệnh.
Phương án tối ưu được đưa ra cho chị N. là phẫu thuật cắt buồng trứng và phần phụ hai bên (mục tiêu cắt nội tiết điều trị bệnh ung thư vú lần trước), kết hợp cắt thêm đoạn đại trực tràng, nạo vét hạch.
Khi không còn buồng trứng, đồng nghĩa với lượng estrogen, progesterone cơ thể sẽ giảm dần, thời kỳ mãn kinh đến sớm.
“Tôi có chút buồn, e ngại khi mất hết “gia tài” của người phụ nữ. Tuy nhiên, việc mất cân bằng nội tiết, tăng cân, sắc đẹp sẽ bị ảnh hưởng… không quan trọng bằng việc mình phải sống khỏe để chăm lo cho các con. Thế nên tôi quyết định nghe theo tư vấn của các bác sĩ”, chị N. giãi bày.
Giữa tháng 9 vừa qua, chị N đã trải qua ca đại phẫu cắt buồng trứng, phần phụ hai bên và cắt đoạn đại trực tràng, nạo vét hạch. Kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật của chị N. là ung thư đại tràng sigma giai đoạn I (pT1bN0M0) - giai đoạn sớm.
Sau 5 ngày điều trị người bệnh ổn định và được ra viện. Cũng nhờ điều trị ở giai đoạn sớm, sau phẫu thuật chị N. không phải điều trị hóa chất, chị N. được khám định kỳ theo dõi theo hẹn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.