Hơn 2 tháng sau khi ông Trần Văn Liêng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP VinaCacao đưa ra đề án tranh cử Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ, sáng nay, đến lượt nhà báo Lê Hoàng Hưng - Tổng Biên Tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo công bố Đề án Chiến lược truyền thông cho VFF.
Nhà báo Lương Hoàng Hưng - ứng viên Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông VFF nhiệm kỳ VIII đã công bố đề án tranh cử.
Ông Hưng là 1 trong những ứng viên được giới thiệu vào vị trí Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông VFF nhiệm kỳ VIII cùng với các ông Cao Văn Chóng – cựu Tổng Giám đốc VPF, ông Nguyễn Văn Phú – Tổng Biên Tập Báo Bóng đá, ông Nguyễn Lân Trung (Ủy viên BCH VFF khóa VIII), ông Phan Anh Tú (Uỷ viên BCH, Trưởng Ban Bóng đá nữ VFF khóa VII).
Trả lời báo chí về việc có lo ngại những “đối thủ” cạnh tranh đi “sân sau”, thay vì công bố đề án trước công luận như cách mình đã làm hay không? Ông Hưng đáp:
“Ban đầu, tôi không có ý định tham gia vào tổ chức VFF. Nhưng đến phút cuối, khi có những thông tin liên quan tới các ứng viên vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt VFF xuất hiện trên báo chí, mạng xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh bóng đá Việt Nam, tôi mới quyết định ứng cử.
Để đi tới quyết định này, tôi cũng nhận được sự động viên của một số bạn bè hoạt động trong lĩnh vực bóng đá. Họ hy vọng với kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, tôi có thể góp phần thay đổi hình ảnh bóng đá nước nhà theo hướng tích cực.
Với tâm huyết của mình, tôi đã xây dựng đề án và công bố trước báo chí với mục tiêu đóng góp cho bóng đá, người hâm mộ Việt Nam. Sau Đại hội, tôi được tín nhiệm, hoặc người khác nhận được nhiều tín nhiệm hơn, có thể giúp tôi hoàn thiện, phát triển, thực hiện tốt đề án thì tôi đều hoan nghênh”.
Nhà báo Lương Hoàng Hưng khẳng định mong muốn góp phần giúp hình ảnh bóng đá Việt Nam đẹp hơn trong mắt người hâm mộ cả nước.
Khi báo chí đặt vấn đề về “khủng hoảng truyền thông”, những thông tin trái chiều xuất hiện trên mặt báo xuất phát từ sự thiếu đoàn kết trong nội bộ VFF suốt những năm qua, ông Hưng chia sẻ:
“Khủng hoảng truyền thông là điều thường xảy ra đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước… Để đối phó với nó, chúng ta phải xây dựng chiến lược xuyên suốt ngay từ đầu, có một đội ngũ xử lý thông tin đầu vào - đầu ra chính xác. Tóm lại, phương pháp đối phó khủng hoảng truyền thông tốt nhất là ngăn ngừa khủng hoảng, chứ không phải để tới khi nó xảy ra rồi chúng ta mới tìm cách đối phó”.
Ông Hưng bày tỏ lâu nay có những phát ngôn không chính xác, gây hỗn loạn thông tin từ chính nội bộ VFF và đã bị khai thác khiến hình ảnh bóng đá Việt Nam, VFF trở nên xấu xí trong mắt người hâm mộ:
"Tôi nghĩ VFF nhiệm kỳ mới sẽ phải xây dựng quy chế giúp truyền thông nội bộ tốt hơn, thể hiện được sự đoàn kết.
Về phát ngôn, cần quy định rõ trách nhiệm của từng vị trí Chủ tịch, các Phó Chủ tịch được quyền phát ngôn tới đâu, phân cấp rõ ràng xuống các bộ phân chuyên môn.
Tất cả mọi thành viên VFF phải tuân thủ phân công, phân vai phát biểu với bên ngoài. Khi có sự đồng nhất từ trên xuống dưới, thông tin của VFF sẽ được truyền đạt chính xác, có sức lan tỏa đạt giá trị cao", ông Hưng nhấn mạnh.
Trở lại với công tác chuẩn bị trước thềm Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII, có lẽ chưa có kỳ Đại hội nào mà câu chuyện nhân sự lại “nóng” như lần này.
Đến nay, vị trí Chủ tịch VFF chỉ còn 1 ứng viên là Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải.
4 ứng viên trước đó vào “ghế” Chủ tịch VFF là các ông: Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực VFF khóa VII, Cấn Văn Nghĩa - Giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình, Lê Quý Phượng –Uỷ viên BCH, Trưởng Ban Y học VFF khoá VII, Nguyễn Công Khế - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên đều đã xin rút.
Trong khi đó, cuộc đua vào các vị trí Phó Chủ tịch VFF cũng hứa hẹn đầy “kịch tính”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.