|
Ảnh minh họa |
Phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ đã đưa ra con số: Có tới 30.300 doanh nghiệp phải giải thể trong 7 tháng đầu năm. Nguyên nhân do khó khăn từ việc đói vốn, và tồn kho hàng hóa, trong bối cảnh các Ngân hàng đang thừa tiền, đang ế vốn.
Điều gì đã ngăn cản giữa nơi thừa và nơi thiếu, giữa nơi “úng vốn” và nơi “khát vốn”? Một “hàng rào sắt”- như cách nói của TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia. Hoặc “một chiếc barie”- như lối ví von của nhiều tờ báo.
Dù lý giải cách gì thì khoảng cách 6%, giữa lãi suất tiền gửi 9%/năm và định hướng lãi suất 15%/năm, đều lọt túi ngân hàng. Và dù kê ra chi phí gì, giới ngân hàng vẫn không thay đổi được một sự thật là 6% cho việc “buôn nước bọt”, là tỷ lệ quá lớn, lớn đến mức bất hợp lý và nhẫn tâm khi mà, trừ người trung gian là ngân hàng, cả người có tiền gửi và người cần tiền vay đều phải chịu thiệt.
Nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng đã thẳng thắn đặt vấn đề “việc hạ lãi suất của ngân hàng chỉ là chiêu “giả vờ cứu doanh nghiệp (DN)”. Bởi chiếc “hàng rào sắt” được các ngân hàng dựng lên bất chấp cam kết của Thống đốc “Lãi suất 15% sẽ ổn định trong 1 năm”.
Một tờ báo điện tử dẫn chuyện giám đốc DN: Kể từ khi chính thức có thông tin giảm lãi suất các khoản vay cũ, ông đã gọi điện đến ngân hàng Đ để hỏi về việc hạ lãi suất cho khoản vay 2 tỷ đồng mà DN của ông đang vay. Cán bộ tín dụng ở ngân hàng Đ lạnh lùng: “Mọi căn cứ để triển khai thực hiện còn chờ lãnh đạo ngân hàng họp và sẽ đưa ra chỉ đạo cụ thể”.
Và quan trọng nhất là câu trả lời bắt đầu bằng hai chữ “tuy nhiên” sau đây: “Tuy nhiên chưa biết thời điểm nào sẽ thực hiện”. Còn bao giờ “sẽ” thì chưa biết. Nếu còn thắc mắc xin xem lại phát biểu, cũng của Thống đốc: Việc đưa lãi suất về 15% đối với các khoản nợ cũ chỉ là “đề nghị” của NHNN, “mong” các Ngân hàng thương mại “chia sẻ”, “hỗ trợ”, là “trách nhiệm dành cho nhau”. “Không phải bảo tôi ra quy định đấy là để bắt buộc anh phải làm”. Đây là những từ ngữ không dùng trong văn phạm hành chính.
Có lần, nhiều DN tâm sự, đại ý: DN không vay vốn được chết đã đành. Ngân hàng không cho vay được rồi cũng chết theo. Thôi thì cùng chết.
Phong Dao
Vui lòng nhập nội dung bình luận.