Uống 12-15 viên thuốc tránh thai khẩn cấp mỗi tháng, trong 10 năm, 1 phụ nữ bị nhồi máu phổi

Diệu Linh Thứ ba, ngày 23/08/2022 16:14 PM (GMT+7)
Dù khuyến cáo chỉ nên dùng 1-2 lần thuốc tránh thai khẩn cấp trong 1 tháng nhưng một phụ nữ đã dùng đến 12-15 viên/tháng, trong suốt 10 năm.
Bình luận 0

Tin từ Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, khoa Cấp cứu của bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 34 tuổi, bị đau tức ngực, khó thở ngày thứ 2, đã cấp cứu và điều trị tại tuyến trước nhưng tình trạng khó thở ngày càng nặng lên. 

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng: tỉnh, khó thở, thở oxy hỗ trợ 5 lít/phút, Sp02 92%, rì rào phế nang 2 phổi giảm, có tiếng thổi tâm thu tại ổ van ba lá, tĩnh mạch cổ nổi, gan to mấp mé bờ sườn.

Khi khai thác tiền sử, được biết bệnh nhân thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai Levonorgestrel 10 năm nay, thường uống 12-15 viên Levonorgestrel/tháng. 

Uống 12-15 viên thuốc tránh thai khẩn cấp mỗi tháng, trong 10 năm, 1 phụ nữ bị nhồi máu phổi - Ảnh 1.

Hình ảnh CT lồng ngực bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp tính sau khi lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Ảnh BSCC

Khi vào bệnh viện, bệnh nhân đã được chỉ định xét nghiệm cấp cứu, siêu âm tim có hình ảnh giãn buồng tim phải, hở nặng van 3 lá, tăng áp lực động mạch phổi.

Khi đó bác sĩ cấp cứu hướng chẩn đoán tới bệnh thuyên tắc động mạch phổi cấp và quyết định cho chụp CT ngực có tiêm thuốc cản quang, kết quả là hình ảnh huyết khối động mạch phổi 2 bên.

Bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định là huyết khối thuyên tắc động mạch phổi cấp tính/Lạm dụng thuốc tránh thai Levonorgestrel.

Bệnh nhân được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tim mạch theo phác đồ chống đông, hỗ trợ hô hấp tích cực. Bệnh tiến triển tốt, sau 7 ngày, bệnh nhân đã hết khó thở, toàn trạng ổn định và được ra viện.

Theo bác sĩ Phạm Quang Trình, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Quân đội 108), tắc mạch phổi xuất phát từ các huyết khối (embolus) đã bị vỡ và trôi tự do trong mạch máu. Hầu hết các huyết khối trở thành tắc mạch phổi được hình thành trong tĩnh mạch ở chân.

Huyết khối này di chuyển từ các tĩnh mạch nhỏ đổ vào các tĩnh mạch lớn về tim phải. Từ tim phải đi vào động mạch phổi chính và có thể bị mắc kẹt ở đó hoặc tiếp tục di chuyển vào một trong hai phổi. Khi huyết khối nằm trong động mạch phổi, nó sẽ chặn lưu lượng máu vốn đến phổi để nhận lấy oxy.

Nếu không có đủ máu để nhận được oxy và di chuyển sang tim trái, nồng độ oxy trong cơ thể giảm xuống một cách nguy hiểm, gây tình trạng thiếu oxy mô.

Do tắc nghẽn tại phổi, áp suất dội ngược lên tim phải. Tim phải có thể bị giãn, gây hở van ba lá. Tim phải phình to chèn ép tim trái, ảnh hưởng tới khả năng co bóp của tim trái.

Nếu tim trái không thể bơm đủ máu, huyết áp cũng giảm xuống làm tình trạng thiếu oxy mô tiến triển nặng lên, có thể dẫn đến suy đa tạng và tử vong nếu không được phát hiện, cấp cứu, điều trị kịp thời.

Uống 12-15 viên thuốc tránh thai khẩn cấp mỗi tháng, trong 10 năm, 1 phụ nữ bị nhồi máu phổi - Ảnh 2.

Phụ nữ chỉ nên uống 1-2 lần thuốc tránh thai khẩn cấp trong 1 chu kỳ kinh nguyệt (khoảng 1 tháng). Ảnh minh họa

Về các nguy hại khi lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, bác sĩ Trình cho biết, theo nghiên cứu của Alain Weill trong tạp chí BMJ 2016, trong số 100.000 phụ nữ sử dụng viên tránh thai trong một năm, ước tính có 33 phụ nữ sẽ bị thuyên tắc phổi. 

"Đối với thuốc tránh thai khẩn cấp, theo khuyến cáo không dùng thuốc tránh thai khẩn cấp quá 2 lần trong 1 chu kỳ kinh nguyệt. Khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có thể xảy ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, không nên lạm dụng thuốc quá nhiều, chỉ nên dùng trong các trường hợp thật sự cần thiết", bác sĩ Trình khuyến cáo. 

Ngoài ra, bác sĩ Trình cũng cho biết, các yếu tố nguy cơ đối với tắc mạch phổi bao gồm: Các bệnh máu di truyền: Thalassemia; Các bệnh mạch máu như suy van tĩnh mạch, xơ vữa động mạch; Một số bệnh như ung thư: ung thư vú, ung thư phổi…; Mang thai hoặc trong vòng 6 tuần sau sinh; Hút thuốc; Béo phì; Vận động  muộn sau các phẫu thuật lớn, đa chấn thương; Lạm dụng thuốc tránh thai; Cao tuổi; Một số bệnh gây tăng đông máu: sau nhiễm Sars-CoV-2, sốc nhiễm khuẩn…

Một người càng có nhiều yếu tố nguy cơ, càng nhiều khả năng có cục máu đông. Do đó, các bệnh nhân phải biết mình có nguy cơ cao mắc bệnh để có lối sống khỏe mạnh, cân bằng để giữ sức khỏe; Khi cơ thể có các dấu hiệu đau yếu nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.  



 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem