Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ bị đề nghị 12-15 năm tù về hai tội

Lương Kết Thứ ba, ngày 31/07/2018 08:55 AM (GMT+7)
Sáng nay (31.7), phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ Út “trọc” Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm bước sang phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 7 giữ quyền công tố tại tòa đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án cho các bị cáo.
Bình luận 0

Đại diện Viện Kiểm sát (KS) cho rằng, việc đưa bị cáo Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm ra xét xử là cần thiết, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, nhất là hành vi phạm tội của bị cáo Hệ và các đồng phạm thuộc nhóm tội về tham nhũng. Vị đại diện Viện (KS cũng nhận xét, phiên tòa diễn ra đúng trình tự, thủ tục, khách quan, dân chủ, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Trong vụ án này Đinh Ngọc Hệ có vai trò là người khởi xướng và chỉ đạo các đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội; Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn và Bùi Văn Tiệp giữ vai trò là người thực hành, giúp sức.

img

Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ bị đề nghị 12 - 15 năm tù (Ảnh: TTXVN)

Căn cứ vào lời khai của các bị cáo tòa và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, đại diện Viện KS đã đề nghị mức án như sau:

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ bị đề nghị từ 10 -12 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, từ 2- 3 năm về tội “Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức”, tổng hợp hình phạt là 12- 15 năm tù. Đinh Ngọc Hệ trước khi phạm tội là Thượng tá, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng.

Bị cáo Trần Văn Lâm, bị đề nghị từ 5-7 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trần Văn Lâm khi phạm tội là Tổng Giám đốc điều hành, Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P.

Bị cáo Trần Xuân Sơn bị đề nghị từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trần Xuân Sơn khi phạm tội là Giám đốc Chi nhánh tại Bình Dương, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P.

Bị cáo Bùi Văn Tiệp bị đề nghị 2 – 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bùi Văn Tiệp trước khi phạm tội là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân (đã nghỉ hưu).

Bị cáo Phùng Danh Thắm bị đề nghị phạt cải tạo không giam giữ từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Phùng Danh Thắm trước khi phạm tội là Đại tá, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng. 

Trong phần xét hỏi ngày hôm qua, bị cáo Trần Văn Lâm cho hay, tất cả hoạt động của công ty đều do Đinh Ngọc Hệ quyết định. Chi nhánh ở Bình Dương được thành lập và xin giấy phép với mục đích chính là giao cho công ty Hải Hà bán xăng.

Đối với việc bị cơ quan chức năng phát hiện hơn 20 nghìn lít xăng dầu kém chất lượng, bị cáo Lâm cho hay nhận được thông tin từ Trần Xuân Sơn. Sau đó, Đinh Ngọc Hệ biết sự việc nên đã chỉ đạo bị cáo cùng Sơn đi làm việc để nắm tình hình.

Tại tòa bị cáo Trần Xuân Sơn và Bùi Văn Tiệp đều khẳng định hầu hết lời khai của Trần Văn Lâm là phù hợp. Ngược lại, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cho rằng bị các bị cáo vu khống.

“Lời khai các bị cáo hoàn toàn không có chứng cứ và vu khống cho tôi. Sự việc ở Bình Dương, bị cáo không biết nên không chỉ đạo gì. Việc sử dụng xe biển số quân sự và biển xanh 80A, tất cả đều không phải như truy tố. Khi thành lập công ty, bị cáo từ bên kĩ thuật về nên không biết kinh doanh, chỉ biết ngoại giao”, bị cáo Hệ khai.

Trả lời về việc sử dụng xe biển số quân sự và biển xanh 80A tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển Thái Sơn Bộ Q.P (Công ty con của Tổng Công ty Thái Sơn, sau là công ty liên kết), bị cáo Phùng Danh Thắm cho biết, hàng năm Phòng thiết bị xe  của Tổng công ty có kiểm tra và báo cáo. Đối với việc sử dụng xe ô tô không đúng mục đích, Tổng công ty chỉ điều xe xuống, sử dụng ra sao là trách nhiệm của công ty cổ phần đầu tư phát triển Thái Sơn Bộ Q.P.

Liên quan đến việc mua bằng đại học giả của Đinh Ngọc Hệ, bị cáo này khai có quen biết một số anh em xã hội, họ nói với bị cáo rằng không phải đi học, chỉ cần nộp tiền và sẽ có người đi học thay rồi có bằng. Bị cáo bỏ tiền ra (2,5 triệu đồng, năm 2000) nhận bằng Đại học Kinh tế quốc dân giả về và vẫn kê khai bình thường.Bị cáo Hệ cho rằng vì trình độ dân trí của bị cáo thấp, lúc đó thấy việc mua bằng và kê khai vào hồ sơ là đúng. Bị cáo Hệ nói thêm, việc bi truy tố về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là quá khắc nghiệt, ban đầu do không biết nhưng về sau biết bị cáo đã không sử dụng bằng giả nữa.

Theo cáo trạng, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của bị cáo Đinh Ngọc Hệ được thể hiện ở việc sử dụng 29 xe ô tô trên tổng số 38 xe ô tô biển quân sự, biển xanh 80A thế chấp cho các ngân hàng để vay vào bảo lãnh vay tiền; cho thuê 5 xe ô tô biển quân sự, biển xanh, giao xe quân sự, xe biển xanh 80A cho các đối tượng ngoài xã hội, người thân sử dụng trái quy định, trong khi không phải nộp tiền thuế trước bạ đối với số xe ô tô là gần 3,2 tỷ đồng, đồng thời hưởng lợi hơn 6 tỷ đồng.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ còn lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp Quân đội cấu kết với các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội trong việc làm hợp đồng gửi xăng giả để né tránh bị cơ quan chức năng Nhà nước có thẩm quyền xử phạt số tiền hơn 1,4 tỷ đồng do hành vi kinh doanh xăng dầu kém chất lượng của chi nhánh tại tỉnh Bình Dương.

Trong vụ án này các bị cáo đã nộp tiền để khắc phục hậu quả như sau: Bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã nộp 500 triệu đồng, Trần Xuân Sơn nộp 500 triệu đồng, Bùi Văn Tiệp nộp 250 triệu đồng, Phùng Danh Thắm nộp 20 triệu đồng, Trần Văn Lâm nộp 10 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem