2 Thứ trưởng Bộ Tài chính liên quan đến vụ "Út Trọc": Trường hợp nào sẽ trả hồ sơ điều tra bổ sung?

Nguyễn Đức Thứ ba, ngày 27/10/2020 12:27 PM (GMT+7)
Theo luật sư, nếu có căn cứ cho thấy người có liên quan đến vụ án có vi phạm đến mức phải xử lý hình sự thì tòa án sẽ đề nghị khởi tố bị can và xử lý theo quy định pháp luật, trong trường hợp này sẽ trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, ngày 26/10, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSND) đã ban hành cáo trạng vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Về trách nhiệm Bộ Tài chính, cáo trạng nêu rõ, quá trình xây dựng đề án bán quyền thu phí, bộ này có 3 văn bản tham gia ý kiến gửi Bộ GTVT.

Cụ thể, ngày 15/4/2013, bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ký văn bản có nội dung: "Đồng ý, thống nhất với Bộ Giao thông vận tải chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương trong 5 năm".

Tiếp đó, ngày 29/7/2013, ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ký văn bản có nội dung: "Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá quyền thu phí; thành lập hội đồng bán đấu giá hoặc thuê tổ chức có chức năng bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương theo quy định".

2 thứ trưởng Bộ Tài chính liên quan đến vụ Út Trọc: Trường hợp nào sẽ trả hồ sơ điều tra bổ sung? - Ảnh 1.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, theo cáo trạng, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát đã không đề nghị xử lý hình sự với hai Thứ trưởng Bộ Tài chính. Tuy nhiên tòa án có thể có quan điểm khác.

Quy trình tố tụng hình sự sẽ trải qua ba giai đoạn là điều tra, truy tố và xét xử. Giai đoạn điều tra, thẩm quyền xem xét trách nhiệm hình sự thuộc về cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát.

Nhiệm vụ của Viện Kiểm sát là kiểm sát hoạt động điều tra và thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Việc khởi tố bị can, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can nào trong vụ án hình sự luôn có sự nhất trí của Viện Kiểm sát cùng cấp với cơ quan điều tra.

Sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát thì cơ quan này có quyền trả hồ sơ để cơ quan điều tra bổ sung làm rõ hành vi của một số cá nhân có liên quan và cũng có thể đề nghị khởi tố bị can trong giai đoạn điều tra vụ án.

Trong vụ án này quá trình kiểm sát hoạt động điều tra và xem xét truy tố Viện Kiểm sát đã không đề nghị khởi tố bị can đối với hai lãnh đạo của Bộ Tài chính. Bởi vậy, không có căn cứ để xét xử đối với hai vị lãnh đạo bộ này.

Tuy nhiên, theo luật sư Cường, trong giai đoạn xét xử và quá trình tranh tụng tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy hành vi của hai lãnh đạo Bộ Tài chính có dấu hiệu đồng phạm hoặc đủ căn cứ để xử lý về một tội phạm khác thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án và hội đồng xét xử có quyền căn cứ vào các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự để trả hồ sơ để điều tra bổ sung và yêu cầu xem xét trách nhiệm của những người khác có liên quan đến vụ án mà chưa bị truy tố theo quy định pháp luật.

Theo cáo trạng, quá trình xây dựng đề án bán quyền thu phí, bộ tài chính có 3 văn bản tham gia ý kiến gửi Bộ Giao thông Vận tải. Viện Kiểm sát cho rằng cơ quan điều tra không xem xét xử lý hình sự, mà kiến nghị xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền đối với những cá nhân có liên quan thuộc Bộ Tài chính là phù hợp.

Về vấn đề này, luật sư Cường cho hay, tòa án sẽ làm rõ vai trò trách nhiệm của hai thứ trưởng Bộ Tài chính, làm rõ hành vi của hai vị này có tác động như thế nào đối với các bị cáo khác, có biết những sai phạm của các bị cáo khác và cố tình thực hiện hành vi hay không? 

Hậu quả của hành vi này tác động thế nào đối với xã hội trên cơ sở đó để xem xét trách nhiệm pháp lý có đồng phạm hay không, có cấu thành tội phạm khác hay không?

2 thứ trưởng Bộ Tài chính liên quan đến vụ Út Trọc: Trường hợp nào sẽ trả hồ sơ điều tra bổ sung? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Trong trường hợp quá trình nghiên cứu hồ sơ cũng như quá trình tranh tụng tại phiên tòa, nếu có căn cứ cho thấy các vị này có vi phạm đến mức phải xử lý hình sự thì tòa án cũng sẽ đề nghị khởi tố bị can và xử lý theo quy định pháp luật, trong trường hợp này sẽ trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

"Còn trường hợp quá trình giải quyết vụ án tòa án cũng đồng quan điểm với cơ quan điều tra và viện kiểm sát thì sẽ không xử lý hình sự với hai vị lãnh đạo này mà chỉ đề nghị xem xét kỷ luật đảng và kỉ luật về mặt chính quyền", luật sư Cường nói.

Về kỷ luật Đảng, sẽ thực hiện theo quy định của điều lệ Đảng và Quy định số 102-QĐ/TW năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương về các hình thức kỷ luật Đảng viên bằng các hình thức khiển trách, cảnh cáo, khai trừ…

Về mặt chính quyền, sẽ xem xét kỷ luật công chức theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP nay thay thế bằng Nghị định số 112/2020/NĐ-CP. Áp dụng đối với cán bộ bằng hình thức: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức; bãi nhiệm. Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách; cảnh cáo; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.

Như vậy, theo luật sư Cường, trong trường hợp bị xử lý hình sự thì cán bộ, công chức, Đảng viên cũng đồng thời bị xử lý kỷ luật công chức và kỷ luật Đảng. Còn trường hợp không bị xử lý hình sự nhưng hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, kỷ luật công chức vẫn xem xét xử lý kỷ luật Đảng và kỉ luật công chức theo quy định của pháp luật.

Mức độ kỷ luật đến đâu, như thế nào phụ thuộc vào lỗi vi phạm trên cơ sở kết luận của cơ quan chức năng đối chiếu với các quy định về kỷ luật Đảng và kỉ luật công chức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem