Trăn trở của Tổng Bí thư và trách nhiệm của doanh nghiệp Việt

Lê Thọ Bình Thứ năm, ngày 16/01/2025 07:04 AM (GMT+7)
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 15/1 là lời cảnh tỉnh quan trọng đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam, đặc biệt là cảnh báo tình trạng "ngộ nhận", "tự huyễn hoặc", "tự ru mình" trước những con số trong báo cáo mà không có cái nhìn thấu đáo, phân tích một cách cặn kẽ với những số liệu đó.
Bình luận 0

"Ngộ nhận", "tự ru mình"?

Phát biểu của tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam" (diễn ra ngày 15/01/2025, tại Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn nêu quan điểm:

"Tôi được báo cáo là Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử.

Đây là những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu % giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài.

Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường? Số liệu tôi nêu trên được trích dẫn từ báo cáo của lãnh đạo về thành tích của ngành mình. Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là "ngộ nhận", là "tự huyễn hoặc", là "tự ru mình" không?".

Trăn trở của Tổng Bí thư và trách nhiệm của doanh nghiệp Việt - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam" (diễn ra ngày 15/01/2025). Ảnh: BTC

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện sự nhận thức rõ ràng và thẳng thắn về tình trạng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Dù Việt Nam đạt được nhiều thành tích ấn tượng về xuất khẩu trong các lĩnh vực điện tử, thiết bị công nghệ cao và gia công phần mềm, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xem xét sâu hơn vào bản chất của những con số này.

Phát biểu làm rõ rằng phần lớn giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất toàn cầu không thuộc về Việt Nam mà nằm ở các khâu sáng tạo, thiết kế, và phát triển công nghệ do doanh nghiệp nước ngoài đảm nhiệm. Cảnh báo về nguy cơ Việt Nam trở thành công xưởng lắp ráp giá trị thấp, nơi gánh chịu hậu quả môi trường và phụ thuộc công nghệ nước ngoài, là lời kêu gọi khẩn thiết để cải thiện năng lực cạnh tranh nội địa.

Phân tích của Tổng Bí thư cũng làm nổi bật sự phụ thuộc nặng nề vào các doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài). Các doanh nghiệp nội địa chỉ đóng vai trò nhỏ trong chuỗi cung ứng, cung cấp dịch vụ hỗ trợ thay vì các sản phẩm công nghệ lõi có giá trị cao. Điều này cho thấy Việt Nam cần chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào gia công sang phát triển công nghiệp có chiều sâu và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo.

Bài toán lớn của các doanh nghiệp Việt

Đây thực sự là bài bài toán mà các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam cần giải trong thời gian tới để "Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến" mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Vậy các doanh nghiệp Việt cần làm gì?

Trước hết, Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D): Các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào R&D để tạo ra sản phẩm và công nghệ có bản quyền riêng, giảm sự phụ thuộc vào thiết kế và công nghệ nước ngoài. Chính phủ cần hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi thuế và quỹ phát triển khoa học công nghệ.

Hai là, Phát triển công nghiệp phụ trợ: Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nội địa nhằm cung cấp linh kiện, vật liệu chất lượng cao cho các doanh nghiệp lớn. Điều này cần sự hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân, các trung tâm nghiên cứu, và chính sách hỗ trợ của chính phủ.

Ba là, Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao có khả năng tiếp thu và phát triển công nghệ mới. Các doanh nghiệp cần hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu.

Trăn trở của Tổng Bí thư và trách nhiệm của doanh nghiệp Việt - Ảnh 2.

Tác giả bài viết, nhà báo Lê Thọ Bình. Ảnh: DV

Bốn là, Tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng: Doanh nghiệp nội địa cần chuyển dịch từ các hoạt động gia công đơn giản sang tham gia vào thiết kế, phát triển phần mềm, và quản lý chuỗi cung ứng. Đây là các khâu mang lại giá trị gia tăng lớn hơn.

Năm là, Xây dựng thương hiệu và tăng cường năng lực tiếp cận thị trường quốc tế: Các doanh nghiệp cần phát triển thương hiệu riêng và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu thông qua chiến lược tiếp thị và phát triển mạng lưới phân phối hiệu quả.

Sáu là, Chuyển đổi số và áp dụng công nghệ cao: Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất và quản lý để tối ưu hóa quy trình, tiết giảm chi phí, và nâng cao năng suất lao động.

Bảy là, Thu hút FDI có chọn lọc: Cần lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có chiến lược hợp tác lâu dài, sẵn sàng chuyển giao công nghệ và giúp doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.

Tám là, Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp nội và ngoại: Tạo điều kiện để doanh nghiệp nội địa trở thành đối tác cấp I cho các tập đoàn đa quốc gia thông qua cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm là lời cảnh tỉnh quan trọng đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam, đặc biệt là cảnh báo tình trạng "ngộ nhận", là "tự huyễn hoặc", là "tự ru mình" trước những con số trong báo cáo mà không có cái nhìn thấu đáo, xuyên suốt, phân tích một cách cặn kẽ, kỹ lưỡng những số liệu đó.

Để thoát khỏi tình trạng làm thuê và gia công giá trị thấp, các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với vai trò tích cực hơn trong đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem