Vaccine Covid-19 - chìa khóa quan trọng giúp Việt Nam vượt qua đại dịch

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 30/04/2022 06:19 AM (GMT+7)
Làn sóng dịch thứ 4 tại Việt Nam vào tháng 4/2022 đã khiến Việt Nam trải qua nhiều vất vả, mất mát. Nhưng nhờ có vaccine Covid-19, số ca bệnh nặng và tử vong đã giảm rõ rệt.
Bình luận 0

Làn sóng dịch thứ 4 Covid-19 dữ dội tại Việt Nam

Đến nay (tính đến 25/4), Việt Nam đã có 10.571.772 triệu ca bệnh và hơn 43.021 người tử vong vì Covid-19. Tuy nhiên, các ca bệnh và tử vong hầu hết trong đợt dịch thứ 4 (tính từ 27/4). Từ đợt dịch thứ nhất (từ đầu năm 2020) đến đợt dịch thứ 3, cả nước chỉ có hơn 7.749 ca bệnh và 35 ca tử vong.

Tuy nhiên, bắt đầu từ làn sóng dịch thứ 4, số ca lây nhiễm bùng phát dữ dội mà tâm dịch là TP.HCM và các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Tháp, Long An… Trong những tháng 6-9, số ca mắc ở các tỉnh này lên đến hàng chục nghìn ca mỗi ngày và hàng trăm ca tử vong. 

Biến thể Delta có tốc độ lây lan chóng mặt đã khiến cục diện chống dịch thay đổi hoàn toàn. Số ca mắc và tử vong tăng liên tục khiến khó khăn và nỗ lực dập dịch nhân lên gấp bội.

Vaccine Covid-19 - chìa khóa quan trọng giúp Việt Nam vượt qua đại dịch  - Ảnh 1.

Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 khốc liệt khiến số bệnh nhân nặng, tử vong tăng nhanh, hàng chục Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 đã được cấp tập thành lập (Trung tâm Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện dã chiến 13 TP.HCM. Ảnh BVCC)

Ở các giai đoạn 1, 2, 3, Việt Nam áp dụng triệt để 5 nguyên tắc chiến lược "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả". Tuy nhiên, đến giai đoạn 4, tốc độ lây lan dịch quá nhanh, dịch ngấm sâu trong cộng đồng, việc truy vết F0 vô cùng khó khăn…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Cũng trong khoảng thời gian này, gần 300.000 nhân lực, y bác sĩ, công an, quân đội... được huy động hỗ trợ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Nội... trong việc thực hiện xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng...

Hàng chục khu điều trị Hồi sức tích cực đã được thành lập nhằm cấp cứu cho các bệnh nhân Covid-19 nặng, giảm tỷ lệ tử vong. Mô hình điều trị tháp 3 tầng, 4 tầng cũng được thành lập…

Số ca mắc, ca bệnh nặng, ca tử vong tăng nhanh, với số lượng lớn khiến ngành y tế và cả xã hội đều gồng mình hết sức…

Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn chưa từng có

Rất may mắn, lúc này, sự nỗ lực để có được số lượng vaccine Covid-19 lớn của Việt Nam trong bối cảnh cả thế giới đều có nhu cầu cao về vaccine, bắt đầu có kết quả.

Cuối tháng 5/2021, Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vaccine Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vaccine Covid-19.

Vaccine Covid-19 - chìa khóa quan trọng giúp Việt Nam vượt qua đại dịch  - Ảnh 2.

Giai đoạn đầu, vaccine Covid-19 được ưu tiên tiêm cho các vùng dịch nóng, người già, người mắc bệnh nền (Tiêm vaccine Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh HCDC)

Tháng 7/2021, một chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động.

Mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022. Việt Nam vừa tiêm vaccine cho người dân, ưu tiên các vùng đang có dịch, vừa tiêm vừa nỗ lực từ mọi hướng để có được vaccine.

Tháng 9/2002, chúng ta đạt thỏa thuận cung ứng vaccine đầu tiên từ Covax với 38,9 triệu liều; tháng 11/2020 hợp đồng được ký với Astra Zeneca với 30 triệu liều; các hợp đồng cam kết thỏa thuận được ký kết với Pfizer, với Nga, và một số nước khác.

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 đến ngày 25/4, cả nước đã tiêm hơn 212,6 triệu liều vaccine Covid-19. Tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 1 là gần 100%, mũi 2 là 100% và tỷ lệ người đã tiêm mũi 3 đạt khoảng hơn 55%. Đối với người từ 12 - 17 tuổi, tỷ lệ mũi 1 là 100% và mũi 2 là 96,3%.

Đến hết ngày 25/4 có 48 địa phương đã và đang triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi mũi 1 có báo cáo về Bộ Y tế với 667.978 liều vaccine đã được tiêm chủng an toàn.

Ngoài ra, các kênh ngoại giao vaccine cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Hàng loạt cuộc đàm phán trao đổi trong các cuộc gặp song phương, đa phương của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và đã có nhiều kết quả khả quan. Chúng ta đã có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung quốc, Mỹ, Nhật, Australia, Anh và các nước khác

Sau khi tiêm vaccine Covid-19 đủ 2 mũi cho người tử 18 tuổi trở lên, Việt Nam bắt đầu mở rộng tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Đến nay, Việt Nam hầu như đã tiêm hết mũi cơ bản cho người tử 12 tuổi trở lên và hầu hết mũi 3 cho người tử 18 tuổi trở lên với gần 217 triệu liều đã được tiêm. Và bắt đầu từ giữa tháng 4/2022, Việt Nam bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Thành công "Đi sau - về trước" của chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam

Với chiến dịch tiêm vaccine lớn và nhanh chưa từng có, Việt Nam đã làm giảm số ca Covid-19 nặng và tử vong đến mức thấp nhất. Từ 400-500 ca Covid-19 tử vong mỗi ngày vào đỉnh dịch tháng 7-9, đến nay, Việt Nam chỉ còn dưới 10 ca tử vong mỗi ngày. Số ca bệnh nặng từ vài chục nghìn ca xuống còn hơn 1.000 ca.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam bày tỏ: "Cùng với các đối tác của chúng tôi ở Bộ Y tế và WHO, UNICEF, chúng tôi công nhận rằng việc tiêm chủng vaccine Covid-19 kết hợp với thực hành phòng dịch, Việt Nam đã chứng minh thành công trong việc giảm đáng kể số ca tử vong, cũng như số ca bệnh nặng...".

Các chuyên gia y tế đều nhận định, Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau - về trước" với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất và nhanh nhất từ trước tới nay.

Hiện Việt Nam là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine Covid-19 cao nhất trên thế giới.

Vaccine Covid-19 - chìa khóa quan trọng giúp Việt Nam vượt qua đại dịch  - Ảnh 4.

Hiện Việt Nam đẩy mạnh tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 và tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (Tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi tại TP.HCM). Ảnh HCDC

Làm rõ hơn về vai trò của tiêm chủng vaccine Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, vaccine Covid-19 hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron.

Đánh giá về các bài học trong chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thứ nhất chúng ta đã đa dạng các phương thức tiếp cận để có được nhiều nguồn, nhiều loại vaccine Covid-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt.

Thứ hai, chúng ta đã sử dụng phương thức phân bổ vaccine hợp lý theo từng giai đoạn. Có giai đoạn ưu tiên vaccine cho các địa bàn có tình hình dịch nóng, ưu tiên cho đối tượng nguy cơ cao; nhưng cũng có giai đoạn chúng ta ưu tiên vaccine cho đảm bảo sản xuất một cách linh hoạt và hợp lý.

Thứ ba, đặc biệt quan trọng đó là Việt Nam đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử. Đến nay tỷ lệ tiêm các mũi vaccine cơ bản ở nước ta rất cao. Chúng ta đã sử dụng toàn bộ hệ thống y tế tham gia vào công tác tiêm chủng và đến nay trên toàn tuyến vẫn đang tiếp tục tiến hành tiêm mũi 3. Chúng ta cố gắng để sớm đi đến đích vào cuối tháng 3 này với độ bao phủ mũi 3 lên mức cao nhất.

Thứ tư, tăng cường công tác truyền thông. Các lực lượng truyền thông đã tham gia tích cực và hiệu quả cho chiến dịch tiêm vaccine Covid-19…

"Có thể nói sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức tiếp cận vaccine Covid-19, tổ chức chiến dịch tiêm vaccine đảm bảo cho chiến dịch tiêm chủng thành công", Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

"Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 của chúng ta đến nay có thể nói là cơ bản thành công. Việc tiêm mũi 1 và mũi 2 cho người trên 18 tuổi đã đạt tỷ lệ 100%. Chúng ta cần đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 3 nhắc lại cho người dân để củng cố miễn dịch. Đồng thời đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Chúng ta hiện không thiếu vaccine"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh vào sáng 26/4.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem