Vài chục năm nữa, kinh tế Việt Nam vẫn khó “thoát Trung”

Mai Hương Thứ sáu, ngày 20/11/2015 07:13 AM (GMT+7)
“Chưa bao giờ độ mở của nền kinh tế Việt Nam cao và hội nhập lớn như hiện nay, nhưng gần như toàn bộ đầu vào của nền kinh tế là nhập từ Trung Quốc. Muốn thoát ra khỏi sự ảnh hưởng để phát triển cũng vô cùng khó khăn và không biết vài chục năm nữa chúng ta có làm được không?!”.
Bình luận 0

Ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã bày tỏ như vậy tại “Diễn đàn kinh tế Việt Nam - tổng kết 30 năm phát triển” diễn ra tại Hà Nội ngày 19.11.

Từ cuộn giấy vệ sinh đến chổi quét nhà

Ông Thiên đánh giá, kinh tế Việt Nam phát triển bao nhiêu thì nhập siêu với Trung Quốc (TQ) tăng lên bấy nhiêu và tình hình đang ngày một nghiêm trọng. Hầu hết đầu vào và đầu ra của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, từ xuất nhập khẩu đến đầu tư, đều bắt nguồn từ TQ. Theo ông Thiên, “điều này đang làm méo mó cơ cấu kinh tế, sản xuất, khiến nền kinh tế nước nhà ngày càng lệ thuộc vào nguyên liệu và thị trường TQ, không có được “đẳng cấp” của mình”.

img

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty liên doanh Dệt may Macallan (Hà Nội). Ảnh: Đ.D

“Việt Nam đang kỳ vọng vào việc gia nhập TPP (Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương) để nền kinh tế bớt phụ thuộc vào TQ. Song vấn đề là Việt Nam có bám được vào TPP để “thoát Trung” hay lại trở thành “giỏ đựng rác” và tiếp tục lệ thuộc vào nền kinh tế TQ nhiều hơn ngay trên chính sân nhà mình?”-ông Thiên đặt câu hỏi và dẫn chứng:

TPP mở ra cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam với ưu đãi xuất xứ từ sợi song nhìn lại, công nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu gia công nhập nguyên liệu từ TQ. Điều đó có nghĩa, việc giảm thuế, ưu đãi của TPP với dệt may Việt Nam sẽ trở nên vô nghĩa. Các doanh nghiệp TQ lại đang ồ ạt đầu tư vào sản xuất nguyên liệu dệt may, thậm chí cả may mặc xuất khẩu tại Việt Nam để chuẩn bị đón đầu cơ hội này. Vậy Việt Nam có thể bớt lệ thuộc vào TQ hay lại tiếp tục phụ thuộc vào nguyên liệu TQ ở trong nước?

Thực tế, không chỉ xuất nhập khẩu mà đầu tư, vốn vay ưu đãi từ TQ vào Việt Nam cũng đang ngày một nhiều và không mấy hiệu quả. TS Lưu Bích Hồ-nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) nhìn nhận: Nhà thầu TQ đã thắng thầu nhiều (thậm chí phần lớn) dự án lớn, chủ yếu dựa vào giá rẻ, song về sau mới thấy công nghệ, nhân lực và cả nguồn vốn của phía TQ đều không đạt yêu cầu.

“Các dự án đầu tư của TQ đầu tư vào Việt Nam tưởng là rẻ nhưng thực tế không phải vậy. Không ít dự án đầu tư của TQ do không đủ năng lực đầu tư nên rất kém, kéo dài và cuối cùng chỉ biết đòi tăng vốn hoặc để dự án dang dở. Nhiều dự án ODA TQ chỉ dành cho doanh nghiệp và người TQ tham gia từ thiết kế, thi công đến lao động phổ thông. Họ đưa từ cuộn giấy vệ sinh đến cái chổi quét nhà sang Việt Nam khiến doanh nghiệp mất thị trường”-TS Hồ nói.

Làm sao “thoát Trung”?

Vừa qua, ngay tại diễn đàn Quốc hội, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã bày tỏ lo ngại: Nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng ngày càng phụ thuộc sâu vào kinh tế Trung Quốc, đe dọa chủ quyền về kinh tế của đất nước. Theo ông Nghĩa, đang có sự e ngại Việt Nam có thể trở thành “bãi đáp” công nghệ thấp cho các nhà đầu tư TQ, vì giá lao động rẻ, và quản lý dễ dãi về an toàn, vệ sinh, môi trường. Với thương mại, thương nhân TQ ngày càng chi phối thị trường trong nước bằng các thủ thuật giá, thu mua với giá rẻ những mặt hàng để lại tác hại nhiều mặt. Nông sản, thực phẩm và hàng công nghiệp TQ giá rẻ tràn ngập nước ta mà không bị kiểm soát về chất lượng và vệ sinh, an toàn, thậm chí có những mặt hàng “đội lốt” Việt Nam...

Trở lại Diễn đàn, ông Trần Đình Thiên cho rằng, nếu kinh tế Việt Nam không sớm thoát khỏi sự phụ thuộc nặng nề với TQ thì “chỉ dăm mười năm nữa sẽ biết thế nào là khốn khó”. Theo ông Thiên, thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam 5 năm tới chính là làm sao thoát khỏi cái bóng TQ. Bởi trong điều kiện nền kinh tế TQ đang gặp nhiều vấn đề rất lớn, không dễ dàng vượt qua khó khăn thì nội tại kinh tế Việt Nam đang bộc lộ những yếu kém, lạc hậu, nội lực doanh nghiệp trong nước yếu.

TS Thiên lo ngại: “Tình thế thực tế như vậy, Việt Nam cần phải có thái độ nghiêm túc, và cần phải nhìn thẳng vào vấn đề của nền kinh tế để nỗ lực tháo gỡ nút thắt cho mình”.

GS - TSKH Nguyễn Quang Thái cũng đồng tình cho rằng: “Lợi ích to lớn và trước mắt nhất là Việt Nam đã tham gia TPP. Vấn đề là Việt Nam có tận dụng được đối trọng đủ nặng này để có thể tái cân bằng được quan hệ thương mại, đầu tư với TQ; giảm bớt sự phụ thuộc, ảnh hưởng vào TQ không? Việt Nam đang cần rất nhiều năng lực để thực hiện điều này. Năng lực để nhập vào TPP cũng chính là cơ hội, giải pháp tốt nhất để “thoát Trung”. Đây là điều cơ bản phải làm dù không dễ dàng chút nào...”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem